10:12, 24/12/2010

Giải pháp cần thiết và cấp bách

Hiện nay, chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng ở trường phổ thông nói riêng là mối quan tâm hàng đầu của các cấp lãnh đạo và toàn xã hội. Chính vì vậy, kiểm định chất lượng giáo dục  là một giải pháp hết sức cần thiết và cấp bách để minh chứng cho chất lượng giáo dục hiện nay.

Hiện nay, chất lượng giáo dục (CLGD) nói chung và CL ở trường phổ thông nói riêng là mối quan tâm hàng đầu của các cấp lãnh đạo và toàn xã hội. Chính vì vậy, kiểm định (KĐ) CLGD là một giải pháp hết sức cần thiết và cấp bách để minh chứng cho CLGD hiện nay.

KĐ CLGD là một khái niệm còn khá mới ở Việt Nam. Đối với các trường phổ thông, công tác KĐ CLGD mới được triển khai đồng loạt trên cả nước từ năm học 2008 - 2009. Tuy còn nhiều lúng túng nhưng đến nay, KĐ CLGD đã trở thành một hoạt động thường xuyên tại các trường học, từ cấp tiểu học, trung học cơ sở (THCS) đến trung học phổ thông (THPT). Theo Quyết định số 83/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), KĐ CLGD nhằm xác định mức độ đáp ứng mục tiêu GD trong từng giai đoạn của cơ sở giáo dục phổ thông (CSGDPT) nhằm nâng cao CLGD; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng CLGD, để cơ quan chức năng đánh giá và công nhận CSGDPT đạt tiêu chuẩn CLGD. Quy trình KĐ CLGD được thực hiện theo 4 bước: Tự đánh giá của CSGDPT; đăng ký KĐ CLGD của CSGDPT; đánh giá ngoài và đánh giá lại (nếu có) CSGDPT; công nhận CSGDPT đạt tiêu chuẩn CLGD và cấp giấy chứng nhận KĐ CLGD. Trường tiểu học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên; trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có đủ các khối lớp học và có ít nhất một khóa học sinh đã hoàn thành chương trình GD của lớp cuối cấp mới đủ điều kiện đăng ký KĐ CLGD. Kết quả KĐ CL ở CSGDPT được chia theo 3 cấp độ. Cấp độ 1: CSGDPT có từ 50 đến dưới 65% số tiêu chí đạt yêu cầu. Cấp độ 2: CSGDPT có từ 65 đến dưới 80% số tiêu chí đạt yêu cầu. Cấp độ 3: CSGDPT có từ 80% trở lên số tiêu chí đạt yêu cầu. Chu kỳ KĐ CLGD đối với trường tiểu học là 5 năm/lần; đối với trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp là 4 năm/lần.

Bà Lê Thị Hòa - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT trao quyết định và giấy chứng nhận của UBND tỉnh cho 2 trường phổ thông đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông cấp độ 3 giai đoạn 2010 - 2015.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác KĐ CLGD, thời gian qua, ngành GD Khánh Hòa đã tích cực hưởng ứng và sớm triển khai công tác KĐ CLGD ra diện rộng. Cụ thể, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 13-5-2010 về công tác KĐ CLGD để giúp UBND các cấp và ngành GD địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường phổ thông đạt chuẩn theo bộ tiêu chuẩn hiện hành. Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo công tác KĐ CLGD để chỉ đạo, tư vấn giúp các trường tiểu học, THCS, THPT triển khai công tác tự đánh giá trong nhà trường… Kết quả, nhận thức về công tác KĐ CLGD của các nhà trường đã có thay đổi cơ bản, có những suy nghĩ mới, ứng xử mới, phù hợp hơn trong điều hành quản lý. Một số trường đã nhanh chóng hoàn thành báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn CL trường phổ thông, đã báo cáo Sở và đăng ký KĐ CLGD. Hiện nay, đã có 95 trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá và nộp về Sở GD-ĐT.

Tháng 10-2010, dưới sự kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã tổ chức đánh giá ngoài Trường THPT Nguyễn Trãi (Ninh Hòa) và Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Nha Trang) - 2 trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá sớm nhất trong tỉnh. Ngày 17-12 vừa qua, cả 2 trường đã được UBND tỉnh quyết định và trao giấy chứng nhận 2 trường phổ thông đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn CL CSGDPT cấp độ 3 giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó, Trường THPT Nguyễn Trãi đạt 39/46 tiêu chí với tỷ lệ 84,78%; Trường THCS Nguyễn Công Trứ đạt 39/47 tiêu chí với tỷ lệ 82,98%. Theo kết luận của đoàn đánh giá ngoài, báo cáo tự đánh giá của 2 trường đã bao quát toàn bộ các tiêu chuẩn, tiêu chí và các chỉ số của Bộ chuẩn đánh giá CL do Bộ GD-ĐT ban hành. Việc phân tích, so sánh các điểm mạnh, điểm yếu và xác lập nguyên nhân của từng tiêu chí đã được Hội đồng Tự đánh giá nhà trường xem xét căn cứ trên thực tế hoạt động GD của trường nên có tính thuyết phục cao, bảo đảm tính trung thực về các hoạt động của nhà trường.

Ông Phan Đức Nguyên - Trưởng phòng Khảo thí và KĐ CLGD - Sở GD-ĐT nhấn mạnh: “Mục đích của KĐ CL không chỉ đảm bảo cho nhà trường có trách nhiệm đối với CL đào tạo mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao CL chương trình đào tạo cũng như CL toàn trường. Một KĐ được coi là hoạt động có hiệu quả không chỉ đánh giá xem một trường hay một chương trình đào tạo có đạt CL hay không mà còn phải có vai trò như những chuyên gia tư vấn, sẵn sàng giúp nhà trường giải quyết các vấn đề tồn đọng và nâng cao CL các hoạt động”. Trước những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, toàn diện đối với ngành GD, công tác KĐ CLGD đang là một giải pháp hết sức cần thiết và cấp bách để minh chứng cho CLGD hiện nay.

THU HIỀN