Đại dịch HIV/AIDS đã và đang là hiểm họa chung của cả loài người. Đến nay, dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả nghiêm trọng, tàn phá cơ thể con người, làm hao mòn sức lực, suy giảm năng lực, đe dọa đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội. Hiện nay, việc phòng, chống HIV/AIDS trên cả nước nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng vẫn còn nhiều cam go. Để cuộc chiến này đạt kết quả, cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Đại dịch HIV/AIDS đã và đang là hiểm họa chung của cả loài người. Đến nay, dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả nghiêm trọng, tàn phá cơ thể con người, làm hao mòn sức lực, suy giảm năng lực, đe dọa đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội. Hiện nay, việc phòng, chống HIV/AIDS trên cả nước nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng vẫn còn nhiều cam go. Để cuộc chiến này đạt kết quả, cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam, trường hợp phát hiện nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990. Từ đó đến ngày 30-9-2010, số người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống trên cả nước đã tăng lên con số 180.312 người, trong đó có 42.339 bệnh nhân AIDS; số người chết do mắc AIDS hơn 48.300 người. 74% số xã, phường, thị trấn; 97,8% số quận, huyện; 63 tỉnh, thành phố trên cả nước có người nhiễm HIV/AIDS sinh sống. Theo nhận định của Bộ Y tế, dịch HIV/AIDS hiện vẫn tập trung trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: nhóm những người nghiện chích ma túy (NCMT), gái mại dâm (GMD). Tình trạng lây nhiễm HIV đang có dấu hiệu lan ra cộng đồng.
Hoạt động truyền thông, can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV luôn được đẩy mạnh. |
Nhận thức được những nguy cơ, tác hại của đại dịch HIV/AIDS, nhiều năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như: đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV và luôn xem đây là nhiệm vụ then chốt; duy trì và củng cố việc quản lý, chăm sóc, tư vấn người nhiễm HIV/AIDS tại các huyện, thị, thành phố, xã, phường. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 phòng tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện cấp huyện, thị, thành phố; hơn 90% các trạm y tế xã, phường đều có buồng tư vấn HIV, chăm sóc bệnh nhân AIDS. Tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động 4 phòng khám ngoại trú tại TP. Nha Trang, thị xã Cam Ranh và huyện Ninh Hòa, trong đó có 3 phòng khám dành cho người lớn và 1 phòng khám dành cho trẻ em. Công tác điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV cho bệnh nhân AIDS tiếp tục được đẩy mạnh. Tỉnh đã xây dựng và duy trì mô hình hỗ trợ vốn không tính lãi cho người nhiễm, người tiêm chích ma túy, GMD hoàn lương; thành lập các nhóm tiếp cận cộng đồng về tiêm chích ma túy, mại dâm; xây dựng các chương trình, dự án như: dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục… Nhờ thực hiện tốt các công tác trên, tốc độ gia tăng dịch HIV trên toàn tỉnh đã từng bước kiềm chế; nhận thức, ý thức trách nhiệm về lây nhiễm HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm trong tầng lớp nhân dân được nâng cao; nhiều người đã tìm đến các dịch vụ để được tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS; lượng người nhiễm và gia đình có người nhiễm HIV/AIDS mạnh dạn tiếp cận, sử dụng các dịch vụ liên quan đến chăm sóc, điều trị dự phòng lây nhiễm ngày càng nhiều… Từ đầu năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có hơn 150.000 lượt người NCMT, GMD, tiếp viên nhà hàng, thành viên gia đình và người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ… được truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV; phân phát gần 544.000 bao cao su, 407.245 bơm kim tiêm; tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho hơn 13.800 người; có 22.485 lượt người được khám và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; lập hồ sơ và quản lý sức khỏe cho 778 người mắc HIV/AIDS; 348 bệnh nhân AIDS được đưa vào điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV. Việc điều trị bằng thuốc đã mang lại kết quả tốt, giảm tỷ lệ tử vong, tạo niềm tin cho người bệnh, giúp bệnh nhân tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS… Theo Bác sĩ Trần Văn Tin, mặc dù vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm cá nhân của một bộ phận cán bộ và người dân chưa được cải thiện; tình trạng kỳ thị, tự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm vẫn tồn tại; cán bộ y tế tuyến huyện và xã, phường còn kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác quản lý, tư vấn, chăm sóc, điều trị người có HIV/AIDS tại cơ sở còn nhiều bất cập và thiếu sót… Để công tác này đạt hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của cộng đồng và toàn xã hội.
THẢO LY