02:12, 22/12/2010

Hợp tác nhiều mặt, hiệu quả giữa ngành Tòa án ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào

Ngày 22 và 23-12, Hội nghị Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào được tổ chức tại Nha Trang.

Ngày 22 và 23-12, Hội nghị Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào được tổ chức tại Nha Trang. Hội nghị lần này sẽ tiếp tục đưa ra những sáng kiến nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác, phát triển một cách toàn diện, có hiệu quả và tin cậy giữa ngành Tòa án nhân dân (TAND) ba nước lên một tầm cao mới. Tất cả vì mục tiêu xây dựng mối quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa ba nước với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Theo ông Đặng Quang Phương, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia cũng như giữa ngành Tòa án ba nước những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống và xét xử tội phạm (TP), nhất là TP xuyên quốc gia.

Thời gian qua, các hoạt động hợp tác chung giữa Việt Nam - Campuchia và Việt Nam - Lào diễn ra thường xuyên và theo các nguyên tắc đã được xác định trong các bản thỏa thuận hợp tác. Trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương giữa TAND Tối cao Việt Nam với TAND Tối cao Lào và TAND Tối cao Campuchia, các bên đã tổ chức nhiều đoàn đại biểu cấp cao cũng như các đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin pháp luật, kinh nghiệm xét xử, quản lý Tòa án… giữa cơ quan Tòa án Tối cao ba nước cũng như Tòa án cấp tỉnh có chung đường biên giới. Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa ngành Tòa án ba nước ngày càng được củng cố và phát triển. Những năm qua, Việt Nam đã đào tạo nhiều thẩm phán và cán bộ cho ngành TAND Lào và Campuchia. Thời gian gần đây, Trường Cán bộ tòa án thuộc TAND Tối cao Việt Nam đã mở các khóa bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kỹ năng xét xử cho nhiều thẩm phán và cán bộ ngành Tòa án Lào trong thời gian từ 1 đến 2 tháng. Các khóa đào tạo được đánh giá có hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực cho một số thẩm phán và cán bộ TAND Lào.

Trong công tác đấu tranh, phòng, chống và xét xử TP, Việt Nam đã tích cực và chủ động hợp tác với Lào và Campuchia đấu tranh hiệu quả với các loại TP có tính quốc tế, xảy ra phổ biến ở loại TP về ma túy, mua bán người và các tội liên quan đến an ninh, trật tự công cộng.

Theo bà Hoàng Thị Kim Oanh, Phó Chánh tòa hình sự, TAND Tối cao, thực tiễn xét xử cho thấy, các đối tượng đã lợi dụng tập quán sinh hoạt, điều kiện địa lý, hoạt động giao lưu kinh tế và đi lại của nhân dân ba nước để vận chuyển, buôn bán các chất ma túy, tiền ma túy và tân dược gây nghiện. Đây được coi là loại TP nguy hiểm nhất, các đối tượng phạm tội thường tàng trữ, sử dụng “hàng nóng” phục vụ cho việc buôn bán ma túy. Đây là loại TP xuyên quốc gia phổ biến nhất và hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội ở những quốc gia khác nhau, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước mới có thể kiểm soát và phòng, chống tốt đối với loại TP này. Bên cạnh TP về ma túy, TP buôn bán người qua biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia cũng xảy ra phức tạp, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em ở vùng nông thôn nghèo và ít hiểu biết. Do có đường biên giới kéo dài, ba nước cũng phải đối mặt với nguy cơ TP về an toàn, trật tự công cộng, phổ biến như: tội đánh bạc; tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí…

Với tinh thần hợp tác, phát triển và mong muốn nâng cao hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia trong việc phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử TP, trên phương diện pháp lý, Việt Nam và Lào, Campuchia đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực tư pháp. Đồng thời, lãnh đạo cấp cao ba nước thường xuyên gặp gỡ, trao đổi các nội dụng, biện pháp tăng cường hợp tác. Các bên đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị cấp bộ về hợp tác phòng, chống TP, điển hình là TP về ma túy, TP mua bán người. Làm được những việc đó không chỉ có tác dụng tích cực cho công tác đấu tranh với các loại TP ở mỗi nước, mà còn ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến công tác phòng, chống TP trong toàn khu vực.

Ông Đặng Quang Phương nhận định, kết quả hợp tác trên có được là do 3 nhân tố chính. Thứ nhất, mối quan hệ hợp tác giữa ngành Tòa án ba nước Việt Nam - Campuchia và Lào được xây dựng và phát triển trên cơ sở mối quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị lâu đời của 3 dân tộc. Mối quan hệ này ngày càng được Chính phủ và nhân dân ba nước đặc biệt quan tâm và dày công vun đắp. Thứ hai, với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là quan hệ ngày càng phát triển trong nội bộ các quốc gia ASEAN, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Campuchia và Lào cũng nằm trong xu thế đó. Sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành Tòa án ba nước là xu thế tất yếu của lịch sử, đặc biệt là sự hợp tác giữa các Tòa án có chung đường biên giới. Thứ ba, lãnh đạo Tòa án Tối cao ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào luôn xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tăng cường mối quan hệ hợp tác, góp phần xây dựng và phát triển tình hữu nghị của ba ngành Tòa án ngang tầm với tình hữu nghị lâu đời và bền vững của ba dân tộc.

TÙNG LINH