05:12, 07/12/2010

Hơn 500.000 kiều bào về thăm thân trong 11 tháng qua

Ông Phạm Hải Bằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, việc Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và tổ chức thành công nhiều hoạt động, lễ kỷ niệm lớn, đặc biệt là Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã là nguồn động viên, khích lệ đối với kiều bào.

Lễ khởi công Làng Việt kiều quốc tế tại Hải Phòng.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: 11 tháng năm 2010, cả nước có khoảng 520.000 lượt kiều bào trên khắp thế giới về thăm thân nhân. Kiều hối năm 2010 ước khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 400 triệu USD so với năm 2009. Với số vốn đầu tư về nước gần 5,7 tỷ USD, hiện nay cả nước có trên 3.200 dự án của kiều bào.

Tích cực hưởng ứng kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, nhân dịp về nước, bà con kiều bào đã quyên góp ủng hộ các quỹ từ thiện. Riêng phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt, số tiền quyên góp của kiều bào ở hầu hết các địa bàn trị giá hơn 16 tỷ đồng. Các tổng hội, hội đoàn, hội doanh nhân của kiều bào ngày càng gắn bó với đất nước, tiếp tục hình thành và củng cố vai trò quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp cộng đồng.

Ông Phạm Hải Bằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, việc Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và tổ chức thành công nhiều hoạt động, lễ kỷ niệm lớn, đặc biệt là Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã là nguồn động viên, khích lệ đối với kiều bào.

Nhằm tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác kiều bào trong năm 2011 sắp tới, Ủy ban dự kiến sẽ đề xuất tiếp tục quá trình luật hóa nội dung Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến công tác vận động kiều bào; hoàn tất đề án "Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước"; đề xuất chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào tiếp tục được hưởng chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội của nước sở tại sau khi về thường trú tại Việt Nam.

Theo ước tính, trong cộng đồng 2,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 300.000 người có trình độ từ đại học trở lên. Đây là đội ngũ trí thức kiều bào được đào tạo chính quy trong môi trường khoa học hiện đại, được tiếp cận và cập nhật với những tiến bộ mới nhất của khoa học kỹ thuật thế giới và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác khoa học, trong quản lý kinh tế, hành chính, thương mại và kinh doanh. Họ có ưu thế mạnh trong các lĩnh vực tin học, quản lý kinh tế, khả năng sáng tạo, năng lực tổng hợp thông tin, tư vấn đề xuất và có mối quan hệ rộng rãi với các cơ sở khoa học, kinh tế ở nước sở tại và trên trường quốc tế.

Hằng năm, có khoảng 200 lượt trí thức kiều bào được các bộ, ngành trong nước mời về làm việc; một số khác được mời tham gia làm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ... Riêng với ngành giáo dục, mỗi năm đã có hàng chục lượt giáo sư, trí thức về nước tham gia có hiệu quả cho các công việc giảng dạy, tư vấn và đầu tư. Những tên tuổi như GS.TS. Kinh tế Trần Văn Thọ (Nhật), TS. Kinh tế Nguyễn Quang Việt (Mỹ), GS.TS. Máy tính và Mô hình toán Huỳnh Ngọc Phiên (Thái Lan), GS.TS. Vật lý Nguyễn Quang Riệu (Pháp), GS.TS. Trương Nguyễn Trân (Pháp), GS. Trần Văn Khê (Pháp)... đã trở nên thân quen với giới sinh viên, học sinh trong nước.

Bộ Giáo dục - Đào tạo đã trao tặng Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" cho nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài như GS.TS. Đoàn Kim Sơn (Pháp), GS.TS. Huỳnh Ngọc Phiên (Thái Lan)... Tuy nhiên, thời gian qua, việc thu hút được các trí thức Việt kiều tham gia chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục đại học còn các lĩnh vực giáo dục khác hầu như rất ít hoặc mới triển khai thí điểm một vài nơi.

Theo KT&ĐT