08:12, 27/12/2010

Nam Trung Bộ cần đưa nhân lực thành lợi thế phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, việc xây dựng bản quy hoạch nguồn nhân lực cho các địa phương chính là cơ sở để mỗi tỉnh, thành phố có căn cứ phát triển kinh tế-xã hội...

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn Nam Trung bộ sẽ biến nguồn nhân lực trở thành lợi thế để phát triển. 

Ngày 25-12, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị Quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

Cơ cấu lao động đang chuyển dịch

Trong 7 vùng của cả nước, Nam Trung Bộ là khu vực thứ 6 được Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức Hội nghị quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020.

Khu vực Nam Trung Bộ bao gồm 8 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Diện tích tự nhiên 4,4 triệu ha, dân số 8,78 triệu người, chiếm 10,21% dân số cả nước.

Đất đai ở Nam Trung Bộ nhìn chung không màu mỡ, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt (hay bị hạn hán, bão, lũ lụt…). Tài nguyên lớn nhất của vùng là kinh tế biển bao gồm nguồn lợi hải sản (chiếm gần 20% sản lượng đánh bắt của cả nước) và nuôi trồng thuỷ sản, nhất là các loại hải sản có giá trị kinh tế lớn với diện tích có thể nuôi trồng là 60.000 ha trên các loại thuỷ vực mặn, ngọt, lợ...

Nam Trung Bộ có lợi thế phát triển vận tải biển trong nước và quốc tế với chùm cảng nước sâu đảm bảo tàu có trọng tải lớn có thể hoạt động, cơ sở hạ tầng và diện tích đất để xây dựng các khu công nghiệp tập trung gắn với các cảng nước sâu và với vị trí địa lý của mình có thể chọn làm cửa ngõ ra biển cho đường “xuyên Á”. Vùng có rất nhiều triển vọng về dầu khí ở thềm lục địa, ngoài ra Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nằm trong khu vực còn có tiềm năng về khoáng sản, đáng chú ý là sa khoáng nặng, cát trắng.

Cơ cấu lao động của Nam Trung Bộ đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại, thể hiện ở các chỉ số về cơ cấu lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 47% (tỷ lệ cả nước là 52%); công nghiệp, xây dựng là 23% (tỷ lệ cả nước là 19%) và dịch vụ là 30% (tỷ lệ cả nước là 29%).

Trình độ lao động ở Nam Trung Bộ có bằng sơ cấp là 146.405 người (2,28%), trung cấp là 241.608 người (3,77%), cao đẳng là 95.971 người (1,5%) và trình độ đại học là 243.815 người (3,8%).

Tỷ trọng dân số trong tuổi lao động năm 2010 là 61% tổng dân số và tiếp tục tăng lên khoảng 63% năm 2015 và sẽ giảm dần trong giai đoạn 2020 còn 61,5%. Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh ở khối học nghề ở 8 tỉnh Nam Trung Bộ đang có chiều hướng tăng theo từng năm.

Mật độ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tương đối cao so với mặt bằng cả nước, các ngành nghề đào tạo cũng khá đa dạng, bao gồm các trường đơn ngành và đa ngành. Đây là vùng có mật độ đứng thứ 3 của toàn quốc sau Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ với 45 trường đại học, cao đẳng (11,7% toàn quốc).

Nắm bắt nhu cầu để chủ động nguồn nhân lực

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý góp ý việc rà soát lại năng lực đào tạo nội vùng: số lượng, ngành nghề… đồng thời đánh giá mức độ đáp ứng và số lượng thiếu hụt cần bổ sung, đào tạo từ bên ngoài. Căn cứ từ nguồn lực đào tạo của địa phương mình, các tỉnh cần chủ động mở rộng các hình thức liên kết đào tạo với các trung tâm đào tạo lớn ở TP. Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi đề nghị 8 tỉnh Nam Trung Bộ mở rộng đào tạo và nâng cao kĩ năng nghề nghiệp của người lao động, hoàn thiện cơ cấu nguồn nhân lực. Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50-55% năm 2020, trong đó tăng nhanh hơn quy mô và tỷ trọng công nhân kỹ thuật.

Mở rộng đào tạo nhân lực nông thôn, tập trung vào đối tượng thanh niên nhằm tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho họ tìm kiếm việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Chú ý quan tâm nhiều hơn những khu vực nằm trong và liền kề các khu kinh tế (Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Văn Phong) để tiếp nhận họ vào làm việc tại những khu kinh tế này.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, việc xây dựng bản quy hoạch nguồn nhân lực cho các địa phương chính là cơ sở để mỗi tỉnh, thành phố có căn cứ phát triển kinh tế-xã hội, tránh tình trạng bị động trong sử dụng nhân lực và trực tiếp gây lãng phí nguồn lực của xã hội trong công tác đào tạo.

Phó Thủ tướng đề nghị, trong hồ sơ xin cấp phép đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, các doanh nghiệp phải thể hiện rất rõ nhu cầu nhân lực của mình, từ đó hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo ở địa phương đó.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới vai trò của sự phối hợp 4 bên: người sử dụng lao động (các doanh nghiệp, các khu kinh tế) chủ động cung cấp nhu cầu lao động cho các cơ quan liên quan, người đi học, nhà trường và nhà nước.

Phó Thủ tướng đề nghị 8 tỉnh cần xây dựng trang web chuyên biệt cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực tại Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, đồng thời các tỉnh Nam Trung Bộ xem xét thành lập Phòng Quy hoạch nhân lực đặt trong Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Phó Thủ tướng giao các Bộ GD-ĐT, Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương khẩn trương rà soát và có đề xuất kịp thời về việc thành lập các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn của vùng Nam Trung Bộ.

Cuối tháng 1/2011, sau khi hoàn thiện dự thảo quy hoạch nhân lực giai đoạn 2011-2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư 8 tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh để lãnh đạo các tỉnh nắm bắt tinh thần, từ đó có chỉ đạo kịp thời trước những yêu cầu của Chính phủ.

Theo CP