08:12, 27/12/2010

“Cởi trói”, nhưng vẫn khó cho doanh nghiệp

Chỉ còn vài ngày nữa, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng hóa đơn tự in thay vì mua ở cơ quan Thuế như trước.

Chỉ còn vài ngày nữa, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn (HĐ) bán hàng và cung ứng dịch vụ có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) sẽ phải sử dụng HĐ tự in thay vì mua ở cơ quan Thuế như trước. Thế nhưng, bước đầu thực hiện việc tự in, phát hành và sử dụng HĐ, bên cạnh những mặt thuận lợi, các DN cũng gặp không ít khó khăn…

Nhiều DN cho biết, bước đầu thực hiện việc tự in HĐ, nhiều DN còn tỏ ra lúng túng trong quy trình in ấn, nhất là gặp khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị phục vụ in ấn. Tuy nhiên, điều đó không đáng lo ngại, quan trọng là các DN được trao quyền tự chủ trong việc in, phát hành và sử dụng HĐ cho phù hợp với nhu cầu quản trị, kế toán trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN. Đây là một bước đột phá trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính thuế của cơ quan quản lý nhà nước. Ông Thái Trần Vũ - Kế toán trưởng Viễn thông Khánh Hòa cho biết: “Trước đây, thay vì DN phải mất nhiều thời gian để đi mua HĐ từ cơ quan Thuế (nhất là vào những ngày cao điểm, người mua HĐ rất đông) thì nay, DN được chủ động trong việc in HĐ, tự thiết kế mẫu và tạo thêm các thông tin khác phục vụ quảng bá hoạt động kinh doanh như: được in logo, hình ảnh, thông tin quảng cáo trên HĐ. Mặt khác, sau khi in HĐ, DN chỉ cần thông báo phát hành và gửi thông báo đến cơ quan Thuế trước 10 ngày là đã được sử dụng HĐ hợp pháp. Vì vậy, tình trạng xếp hàng chờ mua HĐ tại cơ quan Thuế như trước đây cũng không còn”. Ngoài ra, việc DN tự in HĐ sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng việc làm giả HĐ, gây mất uy tín đối với những DN làm ăn trung thực; bởi trong trường hợp HĐ tự in nhưng nếu không đăng ký phát hành thì cũng không có giá trị…

Đi đôi với việc được trao quyền, DN phải tự chịu trách nhiệm về việc xác định những điều kiện để tự in HĐ và gửi thông báo phát hành HĐ. Do đó, một số DN tỏ ra lo ngại về mức độ an toàn của các HĐ tự đặt in. Vì vậy, DN đặt in phải phối hợp chặt chẽ với DN nhận in HĐ để quản lý bản phim, bản kẽm sát sao, tránh thất thoát… Đối với các DN tự in HĐ thì chi phí cho việc đầu tư trang thiết bị máy móc (máy tính, máy in, máy tính tiền, phần mềm in HĐ…) để phục vụ cho việc tự in HĐ có thể lên đến vài chục triệu đồng. Đây là một trở ngại đối với nhiều DN, nhất là đối với các DN có nhu cầu sử dụng ít HĐ. Trước tình hình này, nhiều DN vừa và nhỏ chỉ còn cách đặt in HĐ từ các DN khác, nhưng chi phí đặt in cũng không nhỏ. Thông tin từ các DN, chi phí đặt in HĐ từ DN khác tăng gấp 3 - 4 lần so với việc mua HĐ tại cơ quan Thuế. Đề cập vấn đề này, ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Tài vụ - Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Việt Đức cho biết: “Trước đây, mỗi năm, DN chúng tôi mua khoảng 50 quyển HĐ ở cơ quan Thuế chỉ mất khoảng 800.000 - 900.000 đồng; còn hiện nay, chi phí cho việc đặt in HĐ để sử dụng tăng lên 2,5 triệu đồng/năm; chi phí khá cao nhưng DN vẫn có thể thực hiện được”. Tương tự, ông Nguyễn Lâm An - Giám đốc Công ty TNHH 79 cho biết: “Thay vì trước đây, DN chúng tôi mua HĐ của cơ quan Thuế chỉ có 16.200 đồng/quyển thì nay để đặt in một quyển HĐ có thể tốn đến vài trăm ngàn đồng, tùy theo loại và số lượng đặt in. Tuy nhiên, mỗi năm, DN chúng tôi chỉ sử dụng khoảng 3 cuốn HĐ, số lượng này không nhiều nên tuy chi phí đặt in khá cao nhưng vẫn chấp nhận được”. Mặt khác, cũng có một số ý kiến cho rằng, trước tình hình vi phạm về HĐ ngày càng tinh vi và có chiều hướng gia tăng, việc các DN lo ngại về vấn đề an toàn của HĐ khi đặt DN khác in cho mình là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Văn Trang - Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh cho biết: “Hàng năm, Cục Thuế bán khoảng 50.000 quyển HĐ do Bộ Tài chính phát hành cho hơn 500 DN trên địa bàn tỉnh. Số lượng này cho thấy, nhu cầu sử dụng HĐ để phục vụ hoạt động SXKD ở các DN rất lớn. Vì vậy, việc trao quyền tự chủ cho các DN tự in hoặc đặt in HĐ được xem như một chính sách “cởi trói”, nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động SXKD cho DN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc tự in HĐ, các DN sẽ khó tránh khỏi một số khó khăn nhất định, nhất là vấn đề chi phí. Đây là một xu thế tất yếu”. Cũng theo ông Trang, đối với một số tổ chức, DN đặc thù như: các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập, DN siêu nhỏ (cơ sở kinh doanh có 10 người lao động trở xuống) và DN hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn vẫn được cơ quan Thuế tiếp tục bán HĐ để sử dụng. Đối với những HĐ mua ở cơ quan Thuế và những HĐ do DN tự in trước năm 2010 nếu tồn đọng vẫn được phép sử dụng đến hết ngày 31-3-2011; riêng HĐ do DN tự in trong năm 2010 vẫn được tiếp tục sử dụng đến hết nhưng phải được cơ quan Thuế xét duyệt. Đây được xem là hướng mở cho các DN.

Để công tác triển khai thực hiện việc in, phát hành và sử dụng HĐ đạt hiệu quả, cơ quan Thuế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các DN. Đến nay, các DN trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện khá đầy đủ các bước cần thiết về HĐ để phục vụ hoạt động SXKD không bị gián đoạn.

KIM THAO