Nước lũ vừa rút cũng là lúc các “thợ câu” nghiệp dư ở Diên Khánh (Khánh Hòa) vào “mùa”. Hàng chục người, cần câu trong tay, đứng ngồi đủ kiểu, bám theo các bờ ruộng, con lạch, vũng đọng… để câu cá. Niềm đam mê câu cá sau lũ càng có dịp được thỏa khi gần đây, những cơn lũ liên tục đến rồi đi…
Nước lũ vừa rút cũng là lúc các “thợ câu” nghiệp dư ở Diên Khánh (Khánh Hòa) vào “mùa”. Hàng chục người, cần câu trong tay, đứng ngồi đủ kiểu, bám theo các bờ ruộng, con lạch, vũng đọng… để câu cá. Niềm đam mê câu cá sau lũ càng có dịp được thỏa khi gần đây, những cơn lũ liên tục đến rồi đi…
. Phút thư giãn tuyệt vời
Tranh thủ mấy ngày phép, anh Trang, một công chức đang làm việc tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao Diên Khánh xách cần đi câu. “Công việc cuối năm cơ bản đã xong, tranh thủ nước rút, cá dồn, mình đi câu, xem như thư giãn trong ngày nghỉ…”, anh Trang tâm sự. Đối với “dân câu” không chuyên nghiệp, chỉ cần kiếm chiếc cần câu bán ngoài tiệm giá vài chục ngàn đồng, thêm chút cám thực phẩm là có thể ngồi cả ngày để thư giãn mà không sợ ai quấy rầy…
Anh Thanh, một thợ bốc vác ở chợ Thành (Diên Khánh) cũng không giấu được niềm đam mê: “Tranh thủ lúc rảnh chưa có hàng, tôi ra đây thư giãn. Có hàng, chủ gọi lại về, không ảnh hưởng gì. Câu ở đây thú vị lắm! Càng về trưa, cá càng ăn mồi. Thôi thì đủ loại, nhiều nhất là cá rô phi, trê, rồi đến diếc, sặc… đủ cả”. Không cần cần câu “xịn”, mồi hay, anh Thanh trang bị cho mình 4 chiếc cần để câu cá trê. Cá trê thích ăn mồi trùn nên anh thường tranh thủ dậy sớm đào tí mồi để đi câu.
Về hưu được mấy năm nay, nhưng ông Đông (thị trấn Diên Khánh) vẫn không xua đi được cái cảm giác trống trải của người “về vườn”, vậy nên với ông, đi câu là nhất! Tách khỏi nơi đông người, ông Đông kiếm chỗ thanh vắng thả câu. “Ở nhà giờ trống vắng lắm. Các con thì đi làm, bà xã cũng có công việc riêng, còn một mình tôi nên chỉ có đi câu là thích hợp nhất. Vừa “giết” được thời gian rỗi, vừa có phút thư giãn giữa chốn đồng quê, sông nước…”, ông Đông bộc bạch.
Chân cầu Lùng (Diên Khánh) - nơi có ao trũng rộng hàng ngàn mét vuông là nơi thu hút các “thợ câu” tụ họp. Hàng chục người, lớn, nhỏ, già, trẻ đều có, đứng quanh các bờ ruộng, kè đá, bụi cây… dưới cầu. Với chiếc cần câu trong tay, ai nấy đều hồi hộp, nín thở mỗi khi thấy mặt nước xao động, con mồi đớp. Rồi có ai đó hô lên “A! Được rồi!” - một chú rô phi tham mồi, dính lưỡi. Hàng chục con mắt lại đổ dồn về nơi phát ra âm thanh… Càng về trưa, càng có nhiều người đến câu. Ô, dù, áo gió được “bung” ra chống nắng. Người phì phèo thuốc lá, nhóm túm tụm râm ran chia sẻ kinh nghiệm…
Đi câu sau lũ có cái thú riêng của nó. Không câu nệ nơi câu, ngoại cảnh, miễn tìm được nơi có nước, có cá tụ tập là buông cần. Không ồn ào, tranh giành chỗ ngồi, ai đến trước tìm chỗ trước, ai đến sau lựa chỗ trống mà ngồi, miễn sao cảm thấy thoải mái, tiện lợi. Đối với họ, câu cá không chỉ là niềm đam mê mà còn là phút thư giãn tuyệt vời sau những giờ lao động mệt mỏi…
. Lũ rút - cơ hội “vàng” cho “thợ câu”
Đi câu sau lũ đang trở thành thú vui hấp dẫn nhiều người. Trong ảnh: Câu cá tại cầu Lùng (Diên Khánh). |
Chân cầu Lùng là địa điểm câu tốt nhất sau lũ. Đây là nơi nước đọng sau lũ từ các cánh đồng lúa của các xã: Diên Bình, Diên Thạnh, Suối Hiệp. Do bị tuyến đường cầu Lùng - Khánh Lê đang thi công án ngữ nên đàn cá bị “gí”’ chặt vào “túi nước” dưới chân cầu Lùng, không thể đi xa hơn về phía sông Cái. Đây cũng là nơi các chủ vịt thường “giam” đàn vịt để tránh vụ lúa hoặc “sợ” lây lan dịch cúm gia cầm nên phân vịt và cám vịt vô tình rơi xuống và lại trở thành nguồn thức ăn dồi dào, màu mỡ cho đàn cá đang bị cầm giữ. Vì thế, vùng nước đọng dưới chân cầu Lùng trở thành nơi lý tưởng để các “thợ câu” tụ tập. Theo các “thợ câu”, ở Diên Khánh, ngoài cầu Lùng còn có một số điểm khác như: Gò Đình (Suối Hiệp), bờ sông Cái (thị trấn Diên Khánh), cầu Bầu Đục (Diên Bình)… cũng là những nơi họ thường tìm đến để thư giãn sau lũ.
Đối với cánh “thợ câu” nghiệp dư, năm nay, các đợt lũ nối tiếp nhau không dứt. Chính vì thế, “thợ câu” càng khoái. Mất một buổi, một ngày hay vài ngày, câu được nhiều hay ít cá cũng chẳng đáng kể gì so với công việc làm cả đời nhưng những ngày đi câu giúp họ tìm thấy niềm lạc quan, yêu đời và có thể làm việc suôn sẻ, năng suất hơn. Cũng có lẽ vì thế, sau mỗi mùa lũ, cùng với nhiều phù sa đem về cho ruộng đồng, các thợ câu lại náo nức “lên đường”…
HOÀI AN