11:11, 23/11/2010

Cần một quy chế phối hợp liên thông

Mùa mưa bão, một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và cấp bách để bảo vệ an toàn hồ đập là xả lũ. Nhưng xả lũ sẽ làm ngập hạ du, gây khó khăn cho đời sống người dân, đặc biệt là các vùng trũng thấp.

Mùa mưa bão, một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và cấp bách để bảo vệ an toàn hồ đập là xả lũ. Nhưng xả lũ sẽ làm ngập hạ du, gây khó khăn cho đời sống người dân, đặc biệt là các vùng trũng thấp. Bởi vậy, mỗi khi hồ xả lũ là kèm theo nhiều lời ca thán của người dân. Trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng sâu sắc, quy tắc vận hành xả lũ cần phải đổi mới theo hướng phối hợp liên thông.

. XẢ LŨ Ồ ẠT CÓ PHẢI DO NUÔI CÁ?

Hai năm trở lại đây, người dân vùng hạ du các con sông và hồ chứa nước trong tỉnh phải đối mặt với hiện tượng “chạy lũ”. Hiện tượng này ngày càng diễn biến phức tạp. Cơn lũ lớn năm 2009 và mới đây là đợt lũ cuối tháng 10 đầu tháng 11-2010 đã “nhấn chìm” nhiều khu vực nông thôn và thành thị trong “biển nước”. Người dân “đổ lỗi” cho việc xả lũ làm trầm trọng thêm tình hình. Một số người còn cho rằng, các chủ hồ cố tình “ghim giữ” nước do nuôi cá và khi tình hình căng thẳng đã xả lũ ồ ạt gây ngập lụt trầm trọng cho hạ du. Có phải như vậy?

Lật lại trang nhật ký xả lũ, chúng tôi nhận thấy nhật ký ghi chép đều đặn hàng giờ việc xả lũ của các hồ chứa (bao gồm mực nước dâng, số cửa xả, khẩu độ cửa tràn và lưu lượng xả…). Việc xả lũ các hồ chứa đều tuân thủ chỉ đạo của tỉnh và các chủ hồ phải báo cáo từng giờ về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão (BCH-PCLB) để theo dõi, chỉ đạo. Lưu lượng xả lũ các hồ ở Khánh Hòa nhìn chung ở mức thấp so với thiết kế, tối đa chỉ vài trăm m3/giây. Kỹ sư Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng BCH-PCLB tỉnh cho biết, việc xả lũ của các hồ chứa nước trong tỉnh đều vận hành theo đúng quy trình, quy định xả lũ. Từ năm 2009, tỉnh chỉ đạo các hồ chứa nước phải căn cứ trên dự báo lượng mưa, chủ động xả lũ trước để đón lũ, nhằm giảm thiệt hại cho hạ du. Cụ thể: hồ Đá Bàn (Ninh Hòa) chủ động xả khi mực nước 59m/61m; Suối Dầu 40m/42m; Cam Ranh 30m/32m; Am Chúa 34/35,5m; Láng Nhớt 45m/46,4m… Tuy nhiên, phần lớn các hồ chứa nước trong tỉnh vận hành theo cơ chế cũ, chưa thích ứng với tình hình BĐKH nên đôi khi việc xả lũ chưa phù hợp. Bên cạnh đó, mưa lũ ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường, công tác dự báo rất khó chuẩn xác nên việc xả lũ gặp nhiều khó khăn. Một khó khăn nữa cho các chủ hồ, đập là làm sao điều tiết lượng nước hợp lý để vừa giữ nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vừa bảo đảm an toàn hồ…

 Xả lũ - cần cơ chế phối hợp đồng bộ. 
Liên quan đến vấn đề nuôi cá trong hồ, ông Trần Huy Liên - Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa cho biết, Công ty thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về xả lũ và quy trình xả lũ các hồ chứa nước. Trong đợt lũ vừa qua, để bảo đảm an toàn hồ, mức xả lũ lớn nhất của hồ Suối Dầu đạt 400m3/giây chỉ bằng 1/3 công suất thiết kế; hồ Cam Ranh xả lũ lớn nhất là 80m3/giây trong khi mức xả cho phép là 863m3/giây… Thử tưởng tượng với lượng mưa tâm điểm tại khu vực hồ Suối Dầu lớn hơn 400mm, trong khi lưu vực thu nước của hồ rộng hơn 120km2 thì khối lượng nước đổ về lòng hồ sẽ lớn đến mức nào nếu không chủ động xả lũ? Công ty cũng tiến hành xả lũ theo chỉ đạo của tỉnh, tháng 10 đến mức nào, tháng 11 đến mức nào để chủ động đón lũ. Nhiều người cho rằng, lũ lớn là do hồ Suối Dầu xả lũ nhưng họ không theo dõi, nước sông Cái tại Đồng Trăng lúc này đã vượt báo động III, nước lớn từ sông Cái tràn vào, chứ không phải do xả hồ. Ông Liên khẳng định, việc nuôi cá không ảnh hưởng đến xả lũ bởi trước sau gì hồ cũng phải xả để bảo đảm an toàn. Ông Liên đưa chúng tôi xem bản hợp đồng nuôi cá trong hồ có điều khoản ghi rõ chủ nuôi cá không được làm ảnh hưởng đến vận hành và an toàn hồ, đập…

Kỹ sư Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ cho rằng, việc xả lũ vừa qua rất khoa học và hợp lý. Việc phối hợp giữa cơ quan dự báo và BCH-PCLB tỉnh rất chặt chẽ. Cái khó của cơ quan dự báo hiện nay là còn thiếu các Trạm quan trắc đo lượng mưa ở khu vực đầu nguồn nên việc dự báo có thể chưa sát với tình hình khiến quyết định của các chủ hồ còn khó khăn. Lũ lớn vừa qua kết hợp với nhiều yếu tố: mưa nhiều (tập trung ở hạ du), kết hợp với triều cường, việc xả lũ không đáng kể so với lượng mưa quá lớn (khu vực Nha Trang đạt gần 1.000mm), do vậy ngập không phải do xả lũ. Hiện nay một số người, ngay cả lãnh đạo các cấp chính quyền cũng chưa hiểu rõ vấn đề này. Đồ thị xả lũ cho thấy dưới áp lực quá lớn của lượng nước mưa có thể đạt đỉnh (đồ thị hình nhọn) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hồ, đập, có khi thiệt hại còn kinh khiếp hơn. Nếu xả lũ từ từ, kịp thời, buộc hạ du phải “ngâm” nước nhiều ngày. Việc ngập nhiều khu vực còn là do hệ thống tiêu thoát nước kém, gặp chướng ngại trên đường thoát nước…

 Việc xả lũ vừa qua cho thấy còn nhiều vấn đề phải đổi mới. Trong đó các chủ hồ cần có sự phối hợp đồng bộ, liên thông. Mới đây, các chủ hồ khu vực sông Dinh (Ninh Hòa) có sự phối hợp rất tốt trong việc xả lũ. Khi hồ thủy điện Eakrongrou xả thì hồ Đá Bàn ngưng hoặc xả ở mức độ thấp, hoặc các hồ tập trung xả lũ vào thời điểm ban ngày, dừng xả vào chiều tối, ban đêm để không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Khánh Hòa có các lưu vực chính: sông Dinh (Ninh Hòa) và sông Cái (Nha Trang). Hai hồ chính khu vực sông Dinh là Eakrongrou và Đá Bàn. Đây là các hồ có dung tích khá lớn. Việc xả lũ ồ ạt sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân hạ du. Khu vực sông Cái có một số hồ có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, lớn nhất là Suối Dầu và Am Chúa. Khi xả lũ sẽ ảnh hưởng đến các khu vực Diên Khánh và Nha Trang, một phần Cam Lâm. Do vậy cần có sự phối hợp chủ động trong xả lũ để tránh ngập lụt hạ du. Tương tự, phía Nam có các hồ Cam Ranh, Suối Hành (xả tràn) và Sông Trâu (Ninh Thuận). Các hồ cần có quy chế phối hợp cụ thể, hiệu quả để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân vùng trũng thấp.

Hiện tỉnh đang xây dựng bản đồ vùng ngập lụt của sông Dinh và sông Cái. Đến nay đã hoàn tất một số công việc chính như: khảo sát đặc điểm, đặc tính địa hình, mặt cắt, các vết lũ, khảo sát trận lũ đồng bộ trên 2 lưu vực sông; xây dựng phương án dự báo lũ, xây dựng bản đồ ngập lụt theo kịch bản ứng với các tần suất lũ 3%, 5%, 10%, báo động II-III… Dự án sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới. Cùng với việc xây dựng bản đồ ngập lụt, tỉnh cần có chỉ đạo triển khai nhanh việc xây dựng cơ chế xả lũ liên hồ. Đây là những giải pháp góp phần “làm dịu” tình hình ngập lụt mỗi khi xả lũ.

QUANG VIÊN