11:11, 03/11/2010

Vì sao TP. Nha Trang ngập nặng?

Những cơn mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều con đường ở TP. Nha Trang biến thành sông. Không chỉ gây khó khăn trong việc lưu thông, nước còn tràn vào nhà dân gây thiệt hại về tài sản và làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Những cơn mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều con đường ở TP. Nha Trang biến thành sông. Không chỉ gây khó khăn trong việc lưu thông, nước còn tràn vào nhà dân gây thiệt hại về tài sản và làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Nhiều con đường trong thành phố ngập tràn trong nước khiến giao thông bị ách tắc.

Nếu như trước đây chỉ khu vực ngoại thành mới có tình trạng ngập nước khi trời mưa thì giờ đây, nỗi khổ này đã lan rộng trên toàn thành phố. Ngay cả các con đường lớn của trung tâm thành phố như: Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Nguyễn Trãi, kể cả đường Lê Thánh Tôn vừa được mở rộng, nâng cấp… cũng đều ngập tràn nước trong những trận mưa lớn vừa qua. Các con đường khác như Hồng Lĩnh, Trần Nhật Duật, Lạc Long Quân, Vạn Kiếp, Điện Biên Phủ, hay các con đường thuộc khu vực phường Vĩnh Nguyên, Phước Long như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thị Định, Bửu Đóa… thì ngập rất nặng, đến trưa 2-11 nước vẫn còn ngập sâu gần nửa mét. Ngay cả khu đô thị mới Vĩnh Hòa có hạ tầng mới được xây dựng, nước cũng ngập trắng xóa. Tại khu Quân Trấn - Hùng Vương, đến 16 giờ chiều 1-11 nước vẫn còn ngập đến 0,4m khiến hàng trăm học sinh tại Trung tâm Ngoại ngữ Phước Tiến trên đường Hùng Vương phải nghỉ học… Điều đáng nói là tại các khu vực này nước lên rất nhanh và xuống rất chậm khiến việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nhiều tuyến đường vẫn còn ngập nước, nhiều nơi dự báo phải một tuần nữa mới hy vọng nước rút hết nếu trời không tiếp tục mưa…

Một trong những nguyên nhân khiến TP. Nha Trang bị ngập nước nghiêm trọng như vậy là do những cơn mưa những ngày qua lớn chưa từng thấy, lượng mưa đo được có lúc lên đến hơn 500mm khiến hệ thống thoát nước bị quá tải. Song cũng có ý kiến cho rằng từ lúc TP. Nha Trang lắp đặt các hố ga ngăn mùi cho một số tuyến đường trọng điểm để giảm ô nhiễm môi trường, do những hố ga này có họng thu nước nhỏ nên nước thoát rất chậm. Những người dân trên đường Lê Thánh Tôn khẳng định điều này vì khi mưa lớn, chỉ cần bật nắp hố ga là nước thoát rất nhanh… Bên cạnh đó còn có tình trạng nhiều hộ dân buôn bán trên vỉa hè dùng nhiều biện pháp để che đậy miệng cống, nên khi mưa xuống, nước không thoát kịp…

Đường Trần Quang Khải, Hùng Vương - Quân Trấn

Theo thông tin chúng tôi có được, các hố ga ngăn mùi đã được tính toán kỹ và được hội đồng khoa học thông qua với rất nhiều ưu điểm vượt trội so với hố ga cũ là không gây ra mùi hôi. Song nhược điểm của nó là có lưới chắn rác nằm ngang nên hay bị tắc nếu gặp rác là túi ni lông hay hộp xốp, hoặc khi người dân phủ bạt che miệng cống… Để khắc phục nhược điểm này, đơn vị quản lý thường xuyên duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước, và trong những ngày mưa đã cử 4 tổ thường xuyên đi dọc các hố ga để vớt rác, giúp nước thoát tốt hơn… Song việc ngập nước còn có nhiều nguyên nhân khác, như ở khu Quân Trấn - Hùng Vương, nước rút chậm do khu vực này trũng nhưng hệ thống thoát nước lại bố trí không hợp lý, ống dẫn nước lại thoát về khu vực cao hơn nên nước rút rất chậm. Còn tại khu vực đường Vạn Kiếp, Lạc Long Quân… nước ngập nặng do khu vực này chưa được đấu nối với hệ thống thoát nước của Dự án Cải tạo vệ sinh môi trường, còn hệ thống thoát nước cũ nằm dọc đường sắt đã bị thu hẹp…

Các hố ga trên đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Chánh... đều được kê lên như thế này (ảnh trên). Nhiều hố ga bị người dân che chắn quá kỹ khiến việc thoát nước bị hạn chế (ảnh dưới)

Có thể nói, hiện trạng hệ thống thoát nước của thành phố là một hệ thống hỗn hợp và đang tồn tại khá nhiều bất cập. Được biết, hệ thống thoát nước TP. Nha Trang được xây dựng trước năm 1975 đến nay với tổng chiều dài hơn 183km, trong đó có hơn 22km tuyến ống xây dựng không có hồ sơ quản lý. Toàn thành phố có 3.183 hố ga, trong đó có 586 hố ga ngăn mùi. Những tuyến ống xây dựng trước năm 1975 xuống cấp chưa được thay thế làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Những tuyến ống xây dựng sau năm 1975 và 1995 chất lượng kém, đặc biệt là các mối nối chưa được xử lý triệt để cũng làm ảnh hưởng đến việc thoát nước. Tại các vị trí đấu nối giữa các tuyến, cao độ đấu nối không tuân thủ theo tiêu chuẩn quy phạm, độ dốc trên tuyến và giữa các khu vực với nhau không đạt yêu cầu về thoát nước. Vị trí các tuyến ống đi qua nhà dân quá nhiều làm ảnh hưởng đến công tác nạo vét và duy tu bảo dưỡng. Các hố ga, hố thu có rất nhiều kích thước, gây khó khăn cho công tác thay thế khi bị gãy và bể vỡ nắp hố ga, hố thu. Bên cạnh đó, các hố ga đi dưới lòng đường đều bị phủ lớp bê tông nhựa nên rất khó khăn cho công tác quản lý. Đó là chưa kể đến tình trạng nhiều nơi chọn vị trí hố ga thu không hợp lý làm đọng nước trên lòng đường và việc phân chia lưu vực thoát không đều dẫn đến tuyến thì quá tải, tuyến không đủ tải, gây ngập úng cục bộ cho từng khu vực… Trong khi đó, theo Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa, do Công ty chỉ là đơn vị quản lý vận hành và kinh phí thu từ phí thoát nước bảo vệ môi trường còn thấp, không đủ để duy tu bảo dưỡng vận hành mạng lưới thoát nước của thành phố. Mặt khác, thời gian qua, Công ty chưa được góp ý trực tiếp vào hồ sơ thiết kế trước khi phê duyệt nên khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng rất khó phát hiện những sai sót khi thi công; việc kiểm tra độ dốc, các mối nối, vị trí đặt các hố thu… cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể còn có tình trạng chủ đầu tư khi thực hiện dự án không thực hiện thỏa thuận đấu nối. Và nhiều dự án còn bỏ qua hoặc đầu tư không đúng theo quy hoạch do việc đầu tư hệ thống thoát nước chính và hệ thống thu gom đòi hỏi kinh phí rất lớn.

Làm sao để giải quyết tình trạng này? Đó là vấn đề của thời gian… Vì hiện TP. Nha Trang đang được Chính phủ đầu tư hơn 70 triệu USD để thực hiện dự án cải thiện vệ sinh môi trường và dự án này đang được triển khai. Ngoài ra, thành phố đang có dự án chỉnh trị sông Tắc - sông Quán Trường. Dự án này khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập úng của khu vực phía Tây thành phố. Nhưng dự án này chỉ mới được khởi công và theo lộ trình nếu thực hiện đúng tiến độ phải 2 năm nữa mới hoàn thành.

BÍCH KHUÊ