01:11, 04/11/2010

Tình người nơi “rốn” lũ

Suốt những ngày qua, lực lượng cứu hộ của TP. Nha Trang đã tập trung sức lực để cứu hộ người dân ra khỏi vùng lũ nguy hiểm, trong đó gian khổ nhất là ở “rốn” lũ Vĩnh Thái. Tận mắt chứng kiến lực lượng cứu hộ dầm mình trong nước lũ để cứu người dân, cảnh người dân chia nhau từng gói mì tôm để chống đói… mới thấy được tình người nơi vùng lũ.

Suốt những ngày qua, lực lượng cứu hộ của TP. Nha Trang đã tập trung sức lực để cứu hộ người dân ra khỏi vùng lũ nguy hiểm, trong đó gian khổ nhất là ở “rốn” lũ Vĩnh Thái. Tận mắt chứng kiến lực lượng cứu hộ dầm mình trong nước lũ để cứu người dân, cảnh người dân chia nhau từng gói mì tôm để chống đói… mới thấy được tình người nơi vùng lũ.

Lực lượng Thanh niên xung kích TP. Nha Trang cứu hộ cháu Ngô Gia Hưng (5 tháng tuổi) ở thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang (ảnh chụp lúc 16 giờ 15 ngày 2-11).
Lực lượng Thanh niên xung kích TP. Nha Trang cứu hộ cháu Ngô Gia Hưng (5 tháng tuổi) ở thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang (ảnh chụp lúc 16 giờ 15 ngày 2-11).
Những ngày mưa lũ vừa qua, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau đợt lũ ngày 31-10, đến ngày 2-11, xã Vĩnh Thái tiếp tục hứng chịu cơn lũ lớn hơn. Hàng trăm nhà dân ở khu vực Đồng Muối, Đồng Nhơn… của xã này đã chìm sâu trong nước, có những ngôi nhà nước đã ngập gần tận nóc. Sáng 2-11, TP. Nha Trang đã huy động lực lượng Thanh niên xung kích phối hợp cùng lực lượng quân đội, công an tổ chức ứng cứu người dân. Tại đường Phong Châu, hàng trăm người dân tập trung ngóng đợi tin tức của người thân. Nhiều người được cứu hộ ra ngoài đã mua mì tôm và thức ăn rồi nhờ lực lượng cứu hộ chuyển đến những người thân đang mắc kẹt ở trong vùng lũ. Ông Nguyễn Văn Hải (thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái) cho biết: “Chưa bao giờ thấy nước lũ lớn đến vậy”. Theo ông Hải, việc có nhiều người mắc kẹt trong lũ như vậy là vì sau cơn lũ sáng 31-10, thấy nước rút nên những người dân được di dời trước đó đã trở về. Khi thấy nước lên cao, nhiều người vẫn gắng bám trụ ở lại để giữ nhà vì sợ kẻ gian lợi dụng tình hình để “hôi của”. Đến khi nước lên cao, muốn thoát ra khỏi vùng lũ thì không đi được, vì nước dâng cao và chảy xiết. Do lượng người mắc kẹt trong nước lũ quá đông nên lực lượng cứu hộ phải ưu tiên cứu người già và trẻ em, còn lại phải tạm phát mì tôm để cứu đói những người chưa thoát ra khỏi vùng lũ. Vì vậy, hàng trăm thùng mì tôm đã được tập kết về điểm cứu hộ.

15 giờ, tôi leo lên chiếc xuồng cứu hộ của Đội Thanh niên xung kích TP. Nha Trang (do anh Nguyễn Văn Hùng làm nhóm trưởng) đi vào rốn lũ ở thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái. Xuồng cứu hộ đi đến đâu là có người gọi xin mì tôm đến đấy. Nhiều người cho biết, họ đã nhịn đói từ 2 ngày nay vì không có đồ ăn, nước uống. Tuy rất mệt vì ngâm mình trong nước lạnh từ mấy ngày qua, nhưng lực lượng cứu trợ vẫn rất nhiệt tình, cố gắng đi đến những nơi xa có những nhà bị cô lập để phát mì cứu trợ. Tại xóm Vườn Dương, thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, xuồng đã cứu trợ cho một số phụ nữ và các em nhỏ, trong đó có cháu Ngô Gia Hưng (5 tháng tuổi). Khi xuồng cứu trợ chuẩn bị quay ra thì nhận được thông tin có chị Nguyễn Thị Hằng - sản phụ vừa sinh con gần 1 tháng tuổi đang mắc kẹt trong một ngôi nhà gần đó. Nhóm cứu trợ đã quay xuồng trở lại, tìm đường đến với gia đình chị Hằng. Người tài công đã phải vận dụng tất cả kinh nghiệm mới đưa xuồng lách qua 2 hàng cây, tránh hàng rào kẽm gai để tiếp cận ngôi nhà. Khi đưa được mẹ con chị Hằng lên xuồng thì xuồng lại quá tải. Anh Nhân - một thành viên trong nhóm cứu trợ đã phải ở lại để nhường chỗ cho mẹ con chị Hằng. Xuồng quay ra gặp lúc nước chảy xiết, anh Hùng bảo tôi chuẩn bị neo đề phòng bất trắc… Trong khi đi cứu trợ, chúng tôi gặp một số người bất chấp dòng nước lạnh đã chèo thuyền đi cứu hộ, đi nhận mì tôm cứu trợ để phân phát cho những người hàng xóm đang kẹt trong lũ. Trong vùng lũ này, có một thanh niên tuy nước đang chảy xiết nhưng vẫn cứ lao ra giữa dòng nước để về nhà vì ở nhà mẹ già đang ốm; vì vậy, cơ quan chức năng phải ngăn anh lại và cử lực lượng cứu hộ đến tận nhà để đưa mẹ anh ra ngoài. Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong những ngày, qua lực lượng cứu trợ đã phải làm việc rất cật lực để đưa người dân ra khỏi vùng lũ, đến nơi an toàn. Có nhiều chuyện để kể, nhưng anh nhớ nhất khi cả nhóm đã vượt dòng nước lũ để cứu một cụ bà bị mắc kẹt ở trong một ngôi nhà ở Đồng Rọ, xã Vĩnh Thái mà anh cũng chưa kịp biết tên…

Đến 17 giờ ngày 3-11, TP. Nha Trang đã di dời 1.029 hộ với 3.633 khẩu thuộc 17 xã, phường biển, nông nghiệp và ven đô; việc cứu hộ ở rốn lũ Vĩnh Thái vẫn tiếp tục. Đằng sau con số thống kê khô khan ấy là biết bao sức lực và tấm lòng của những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn. Tận mắt chứng kiến lực lượng cứu hộ dầm mình trong nước lũ để cứu người dân, cảnh người dân chia nhau từng gói mì tôm để chống đói… mới thấy được tình người ở nơi vùng lũ.

XUÂN THÀNH