06:11, 24/11/2010

Sắm ghe chống lũ!

Vài năm trở lại đây, thiên tai, lũ lụt hoành hành ngày càng khốc liệt khiến nhiều vùng trũng thấp trở thành nơi bị cô lập, chia cắt trong lũ. Hơn ai hết, người dân sống trong vùng ngập lụt đã ý thức được tinh thần “sống chung với lũ”. Những ngày gần đây, khi đợt lũ kinh hoàng vừa đi qua cũng là lúc người dân đổ xô đi sắm ghe để bảo vệ mình, đồng thời giúp đỡ cộng đồng cùng nhau “vượt lũ”.

Vài năm trở lại đây, thiên tai, lũ lụt hoành hành ngày càng khốc liệt khiến nhiều vùng trũng thấp trở thành nơi bị cô lập, chia cắt trong lũ. Hơn ai hết, người dân sống trong vùng ngập lụt đã ý thức được tinh thần “sống chung với lũ”. Những ngày gần đây, khi đợt lũ kinh hoàng vừa đi qua cũng là lúc người dân đổ xô đi sắm ghe để bảo vệ mình, đồng thời giúp đỡ cộng đồng cùng nhau “vượt lũ”.

. Sống chung với lũ

Những ngày này, trên nhiều tuyến đường nông thôn và TP. Nha Trang đi đâu cũng bắt gặp bà con mua sắm ghe về chống lũ. Người dân Nha Trang và các vùng phụ cận ngày càng ý thức tác động phức tạp của thiên tai, thời tiết đối với cuộc sống và chủ động lựa chọn phương tiện phòng, chống. Anh Nguyễn Thành Hưng (Xuân Lạc 1, Vĩnh Ngọc, Nha Trang) vừa “tậu” một chiếc ghe mới cho biết: “Nhà mình nằm sát sông Cái, mùa mưa nước rất dễ vô nhà, bởi vậy trong nhà lúc nào cũng sẵn ghe, vừa là phương tiện làm ăn trong lũ, vừa chủ động chống lũ cho gia đình và hàng xóm”. Chiếc ghe gia đình anh sử dụng nhiều năm nay đã hỏng. Mua chiếc mới về thay thế, anh cảm thấy rất vui bởi vừa có phương tiện đi lại, vừa hỗ trợ bà con trong xóm lúc cần thiết. Mấy năm gần đây, thiên tai ngày càng khốc liệt, lũ lụt liên miên làm cho bà con vùng trũng thấp ven sông Cái như anh lao đao vì “chạy lũ”. Hàng ngày, anh liên tục cập nhật tin tức qua đài, báo, theo dõi mực nước lên xuống để chủ động phòng tránh.

Sắm ghe phòng chống lũ lụt đang được người dân vùng trũng quan tâm
Hì hục bám đẩy theo chiếc xích lô bên trên chở chiếc ghe còn “mới cứng” leo lên dốc Cầu Mới (Diên Khánh), anh Bùi Nguyễn Vi Đông (thôn Trung 2, Diên Điền) cởi mở: “Em sắm ghe cho cả nhà dùng chứ vừa qua nước lớn quá, tràn cả vào nhà. Mua ghe để chủ động chống lũ, làng xóm cần thì mình giúp”. Theo anh Đông, xã Diên Điền là vùng trũng thấp, lại nằm dưới chân hồ Am Chúa. Do vậy, mỗi khi lụt, xả lũ, nước dâng cao, nhiều nơi ngập sâu. Chủ động phòng, chống lũ tốt nhất là trang bị ghe, thuyền làm phương tiện “vượt lũ”. Phương tiện cứu hộ, cứu nạn của xã chỉ có ghe lớn, khả năng lạng lách, luồn sâu vào thôn xóm rất kém, dễ va đụng chướng ngại vật nên không thể chủ động khi cứu hộ, sơ tán dân. Vì vậy, mỗi hộ cần chủ động sắm ghe nhỏ làm phương tiện khi di dời người và tài sản là rất thiết thực. Người dân vùng lũ, hơn lúc nào hết đã ý thức được hiểm họa của thiên tai ngày càng khó lường và tìm mọi cách chủ động phòng, chống.

. “Cơ hội” cho thợ làm ghe

Những ngày sau lũ, cơ sở làm ghe của anh Nguyễn Hòa (thôn Vĩnh Châu, Vĩnh Hiệp, Nha Trang) dường như tấp nập hơn. Nhiều bà con các nơi đến đặt hàng khiến công việc của anh bận rộn khác thường. Trưởng thành từ một thợ thiếc có kinh nghiệm, học “lỏm” mẫu ghe mà cha anh trước đây từng đặt để đi câu, anh Hòa đã tự mình đóng mới được ghe mà không qua trường lớp hay thầy dạy nào. Những ngày này, cơ sở đóng ghe của anh, gồm hai lao động liên tục cho xuất xưởng mỗi ngày một chiếc. 3 kiểu ghe anh thường làm là loại ghe dài 4m (giá 1,8 triệu đồng); ghe 3,5m (giá 1,6 triệu đồng) và ghe 3,5m nhưng hẹp hơn (giá 1,4 triệu đồng). Ông chủ ghe tiết lộ, đóng xong một chiếc ghe chỉ “bỏ túi” được 400 ngàn đồng (2 công, 1 ngày). Theo anh Hòa, nghề làm ghe như anh còn “hiếm”, không có “đối thủ”. Một số nơi khác có làm nhưng là tàu, thuyền loại lớn, phục vụ cho các đội tàu đánh bắt xa bờ. Anh Hòa khoe: vật liệu làm ghe anh sử dụng nhôm dày (1,5 ly), mối nối xếp mí nên nhẹ và chắc; viền nẹp bằng gỗ sến hay sao là các loại gỗ bền trong nước; dáng đẹp, thon gọn nên nhiều khách hàng ở tận đồng bằng sông Cửu Long cũng “đón” xe đò đến tìm mua. Từ đầu tháng 2 Âm lịch đến nay anh đã “xuất xưởng” gần 100 chiếc, trong đó tỉnh Bến Tre mua 88 chiếc đưa về hoạt động trong các ao đìa nuôi tôm, cá. Riêng Khánh Hòa những ngày này nhiều khách hàng ở các vùng trũng, thấp, dễ ngập như: Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thái, Phước Đồng, Phước Hải… (Nha Trang), Diên Điền, Diên Thủy… (Diên Khánh) cũng náo nức tìm đến đặt hàng. Riêng mái chèo (dầm) được khách mua riêng tại một số vựa ở chợ với giá 35.000đồng/chiếc…

Khi thời tiết ngày càng biến đổi phức tạp, thiên tai nối tiếp thiên tai, “lũ chồng lên lũ”, gây điêu đứng, khốn khổ cho người dân thì ý thức phòng, chống thiên tai của mỗi người dân cũng dần được nâng lên. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống thiên tai ở Khánh Hòa, một địa phương được xem là “ít mưa bão” nên người dân thường chủ quan.

HOÀI AN