11:11, 12/11/2010

Cần có phương án chủ động hơn

Trong đợt mưa lũ vừa qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều cố gắng phối hợp đối phó với các tình huống do mưa lũ xảy ra, giúp giảm thiểu các thiệt hại. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề tồn tại cần rút kinh nghiệm và khắc phục để hạn chế thiệt hại trong những đợt mưa lũ sau.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều cố gắng phối hợp đối phó với các tình huống do mưa lũ xảy ra, giúp giảm thiểu các thiệt hại. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề tồn tại cần rút kinh nghiệm và khắc phục để hạn chế thiệt hại trong những đợt mưa lũ sau.

Lực lượng quân đội tham gia cứu hộ tại xã Vĩnh Thái, Nha Trang (ảnh chụp chiều 2-11). Ảnh: X.T
Lực lượng quân đội tham gia cứu hộ tại xã Vĩnh Thái, Nha Trang (ảnh chụp chiều 2-11). Ảnh: X.T
Có thể nói, đợt mưa lũ vừa qua là đợt mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh khiến hầu hết các nơi đều bị ngập nặng (độ ngập sâu từ 0,5 - 1,5m). Đặc biệt, ở TP. Nha Trang, tất cả các xã nông nghiệp ngoại thành đều bị ngập nặng, nhiều khu dân cư bị cô lập, chia cắt… Chính vì thế, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão (PCLB) tỉnh đã chỉ đạo sát sao các ngành, địa phương chủ động trong phương án đối phó. Các ngành liên quan và các địa phương đã có sự phối hợp rất chặt chẽ và chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” nên công tác phòng, tránh mưa lũ đạt hiệu quả tốt. Công tác cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ cũng đã được thực hiện nhanh chóng và kịp thời. Toàn bộ hệ thống chính trị trên toàn tỉnh đã tham gia công tác phòng tránh và khắc phục hậu quả mưa lũ, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Trong đợt mưa lũ này, Khánh Hòa có 8 người thiệt mạng. Các trường hợp chết người chủ yếu do người dân chủ quan, bất cẩn. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về PCLB cho người dân chưa thật sự hiệu quả, ý thức của người dân chưa cao. Mặc dù đã được thông báo về tình hình mưa lũ, nhiều người vẫn chủ quan, cố tình đi qua những khu vực xung yếu đã được cảnh báo, chốt chặn… Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác này để tránh tư tưởng chủ quan trong một bộ phận cán bộ và nhân dân, nhất là trước, trong và sau bão lũ, thiên tai. Các ngành, địa phương cần phải kiên quyết hơn trong công tác chỉ đạo lực lượng công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích chốt chặn tại những khu vực xung yếu, khu vực nguy hiểm; không cho người dân qua lại tại những khu vực nói trên khi có mưa lũ nhằm tránh thiệt hại về người.

Một thực tế đã diễn ra là công tác thông báo tình hình mưa lũ trong nhân dân qua hệ thống loa phát thanh để cảnh báo chưa thật sự phổ biến và kịp thời. Lãnh đạo một địa phương cho hay, việc cúp điện đại trà đã gián tiếp gây ra tình trạng này; đồng thời, công tác điều hành phòng, chống mưa lũ cũng gần như bị tê liệt vì không có điện. Những thông tin quan trọng về tình hình thời tiết mà người dân có thể tự cập nhật từ hệ thống phát thanh truyền hình cũng không còn. Muốn khắc phục tình trạng này, các địa phương cần phối hợp với Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa tiến hành rà soát lại hệ thống điện ngầm ở những vùng bị ngập nước nhằm tránh bị rò rỉ điện, và ngành Điện cần có nghiên cứu để khắc phục tình trạng này.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh đã di dời 3.004 hộ với 10.899 người đến nơi an toàn. Trong đó, TP. Nha Trang có số lượng di dời đông nhất với 1.018 hộ/3.600 người. Dù vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Lâm Phi vẫn băn khoăn: “Các địa phương dường như chưa chủ động mấy trong công tác di dời dân. Trường hợp người dân xã Vĩnh Thái - Nha Trang kêu cứu vì nước lên quá nhanh là một ví dụ, trong khi năm ngoái, tình trạng này cũng đã xảy ra. Chính vì thế, các cấp chính quyền địa phương cần có phương án thật cụ thể, chủ động các phương tiện cần thiết, huy động lực lượng sẵn sàng di dời và kiên quyết trong công tác di dời, đặc biệt khi có lũ lớn gây ngập lụt. Ngoài ra, khi xây dựng phương án PCLB của địa phương, cần quan tâm bố trí lực lượng thanh niên xung kích, đoàn thanh niên tổ chức dọn vệ sinh ngay khi nước rút; đặc biệt, việc dọn vệ sinh trên bờ biển cần phải được triển khai nhanh hơn, không nên để thành phố du lịch tràn ngập nhiều rác như thế. Cần khắc phục tình trạng địa phương nào cũng báo cáo đã chuẩn bị đủ theo phương châm 4 tại chỗ, nhưng khi bão lũ xảy ra lại thiếu phương tiện thông tin liên lạc và cứu hộ, vừa mới bị chia cắt đã phải cứu trợ khẩn cấp”.

Việc xả lũ của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh cũng còn bộc lộ nhiều bất cập, chính vì thế, ông Mai Hữu Thu - Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị: Các cơ quan chức năng không nên chủ quan trong việc điều tiết xả lũ mà cần phải có công tác thanh kiểm tra việc xả lũ của các chủ hồ chứa nước; đồng thời cần sớm xây dựng hoặc cập nhật lại các quy trình điều tiết hồ chứa nước cho phù hợp với tình hình thời tiết. Các đơn vị quản lý hồ phải xây dựng kế hoạch tích nước và xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và chống ngập cho vùng hạ du. Được biết, những ngày qua, tất cả các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều đã tiến hành xả lũ. Công tác điều tiết xả lũ của các hồ chứa được Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh tiến hành theo dõi từng giờ, có sự chỉ đạo điều tiết xả lũ cụ thể của lãnh đạo tỉnh, thời điểm xả lũ hợp lý vào lúc thủy triều rút. Tuy nhiên, vẫn còn có tình trạng chủ hồ chứa không chấp hành việc chỉ đạo điều tiết xả lũ của tỉnh; đồng thời, do mưa lũ năm nay lớn, nước tập trung về nhanh nên đã gây ngập nặng ở vùng trũng và ven sông.

Cũng từ những thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhiều ý kiến cho rằng: Tỉnh nên xem lại quy hoạch để tìm ra những bất cập trong quy hoạch giao thông và thủy lợi, đặc biệt tại địa bàn huyện Khánh Sơn. Đồng thời, khi khắc phục hậu quả cần nghiên cứu lại việc làm đường và cầu, để tránh tình trạng vừa xây dựng xong lại tiếp tục bị hư hỏng vì mưa lũ, gây lãng phí tiền của.

BÍCH KHUÊ