11:11, 03/11/2010

Tình hình mưa lụt tại các địa phương ngày 2-11

Đến 13 giờ ngày 1-11, lượng mưa đo được ở TP. Nha Trang đạt mức 764mm. Ảnh hưởng của mưa to đã khiến toàn thành phố gần như bị cô lập. Đại lộ Nguyễn Tất Thành bị sạt lở đất đá. Đường Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, 23-10 nước dâng cao trên 0,5m, đường Tôn Thất Tùng bị đất đá sạt lở trên 120m3.

° TP. Nha Trang: 1 người chết và 1 người bị thương vì sạt lở đất

Đến 13 giờ ngày 1-11, lượng mưa đo được ở TP. Nha Trang đạt mức 764mm. Ảnh hưởng của mưa to đã khiến toàn thành phố gần như bị cô lập. Đại lộ Nguyễn Tất Thành bị sạt lở đất đá. Đường Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, 23-10 nước dâng cao trên 0,5m, đường Tôn Thất Tùng bị đất đá sạt lở trên 120m3. Các xã nông nghiệp gần như ngập toàn bộ, trụ sở UBND các xã ngập nước từ 0,5 - 0,7m. Những vùng trũng như Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương ngập từ 1 - 1,5m. Nhiều khu dân cư bị cô lập như Đồng Rọ, Vĩnh Thái. Toàn thành phố có 81 thôn, tổ dân phố bị chia cắt, trong đó có 4 khóm đảo (Hòn Một, Bích Đầm, Đầm Báy, Vũng Ngán).

Lực lượng cứu hộ 1 cháu bé tại xã Vĩnh Thái - TP. Nha Trang. Ảnh: X.T

Lũ sông Cái vẫn đang tiếp tục dâng lên, vì thế các địa phương đã di dời nhiều hộ dân đến nơi an toàn. Tính đến 17 giờ ngày 2-11, toàn thành phố đã di dời 802 hộ với 2.952 khẩu thuộc 17 xã phường biển, nông nghiệp và ven đô. Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão (BCH PCLB) các cấp đã hỗ trợ nhân dân các xã phường 1.000 thùng mì tôm, 250kg gạo, 200 lít nước uống, 40 lít dầu hỏa. Thiệt hại ước tính ban đầu hơn 20 tỷ đồng, đó là chưa kể đến những thiệt hại về đường sá bị hư hỏng. Toàn thành phố có 108ha đất sản xuất cây thực phẩm bị ngập úng, 200ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị ngập, trong đó không thu hoạch kịp 100ha, ước sản lượng thiệt hại hơn 400 tấn. 55 căn nhà bị sập, trôi và sạt lở, 9 chiếc tàu thuyền bị trôi, chìm, trong đó còn 7 tàu chưa trục vớt được. Nhiều vị trí trên địa bàn thành phố bị sạt lở đất đá như tại đồi La San (Trường Đại học Nha Trang), 130m3 đất đá bị sạt lở gây ách tắc giao thông đường Tôn Thất Tùng. Tại núi Cô Tiên, đất đá, bùn sạt lở xuống khu dân cư tổ 9 Hòa Bắc khoảng 10m3; đất đá cũng đổ xuống đường Điện Biên Phủ khoảng 8m3 gây ách tắc giao thông. Tại đồi Trại Thủy, đất đá sạt lở xuống khu dân cư Cận Sơn 2… Rất may, các vụ sạt lở này đều không gây thiệt hại về người, chính quyền các địa phương đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị khắc phục hậu quả.

Tính đến 17 giờ ngày 2-11, toàn thành phố có 1 người chết, 1 người bị thương và 1 người mất tích. Nguyên nhân do sạt lở đất, làm sập tường nhà tại thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng lúc 2 giờ ngày 2-11, làm cháu Võ Hoàng Nhất (10 tuổi) bị chết và em ruột là Võ Vũ Thành Huy (3 tuổi) bị thương nặng. Người mất tích là ông Nguyễn Văn Quế, trú xã Vĩnh Ngọc đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Lúc 16 giờ ngày 2-11, tại cầu Hộ (đường Bến Cá, phường Ngọc Hiệp, Nha Trang), do nước lũ dâng cao nên chính quyền địa phương cùng các lực lượng đã phong tỏa cây cầu này để tránh trường hợp bất trắc.

Người dân cho biết, vào thời điểm trên, nước lũ đã tràn qua cầu Hộ và dâng cao khoảng trên 1m nước, khiến hàng trăm người dân đi làm về không thể về nhà. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã giăng 1 dây thừng để những thanh niên khỏe mạnh có thể băng qua và về nhà sơ tán tài sản lên cao.

° Diên Khánh: 3 xã và 6 thôn bị chia cắt

Đến 13 giờ ngày 2-11, huyện Diên Khánh có 49 thôn, tổ bị ngập trong nước, mức độ ngập từ 0,3 - 1,2m. Cá biệt, có vùng ngập sâu hơn 3m như thôn Phú Khánh Thượng, Phú Khánh Hạ (xã Diên Thạnh). Hiện nay, 3 xã Diên Xuân, Diên Đồng, Diên Lâm và 6 thôn bị chia cắt hoàn toàn. Huyện đã di dời 475 hộ với 2.251 khẩu đến nơi an toàn; đồng thời hỗ trợ lương thực và nước uống cho người dân.

Nhiều nhà dân và đường giao thông ở xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) ngập chìm trong lũ. Ảnh:  MÃ PHƯƠNG

Mưa lũ cũng làm cho Tỉnh lộ 2 đoạn đèo Đá Lửa (xã Diên Thọ) sạt lở đất, lấp hơn 1/2 tuyến đường. Trên Tỉnh lộ 8, đoạn qua xã Diên Sơn và Diên Lâm sạt lở mặt đường cục bộ tạo các lỗ xoáy và dòng chảy cắt ngang đường. Các tuyến đường giao thông do huyện và xã quản lý còn ngập sâu trong nước, ước thiệt hại 15 tỷ đồng. Khu vực bờ kè sông Cái đoạn từ Trạm bơm Diên Lâm đến Tỉnh lộ 8 bị sạt lở nghiêm trọng, dài 90m, cao 4,5m, ăn sâu vào mép đường giao thông. Suối Mốc (xã Diên Lâm) cũng bị sạt lở dài 60m, ăn sâu vào đất nhà dân 3m… Ngoài ra, toàn bộ 290ha lúa vụ mùa bị ngập hoàn toàn, có khả năng mất trắng. Do hiện nay nước còn đang ngập nên chưa thống kê thiệt hại cụ thể, nhưng theo BCH PCLB huyện Diên Khánh, tổng thiệt hại sơ bộ về giao thông, thủy lợi, sản xuất khoảng 27 tỷ đồng.

° Ninh Hòa: Ước thiệt hại khoảng 5,2 tỷ đồng

Đến 15 giờ ngày 2-11, trên địa bàn huyện nước lũ đang lên: sông Dinh 5,97m, trên báo động 3: 0,47m; hồ chứa nước Đá Bàn cao trình 58,75m, xả lũ lúc 7 giờ sáng là 10m3/s, đến 11 giờ trưa là 40m3/s, đến 16 giờ chiều 2-11 đóng nước nên vùng hạ lưu bớt bị ảnh hưởng; Nhà máy Thủy điện Ea Krong Rou 599,47m, mực nước cho phép là 606m. Từ ngày 30-10 đến 7 giờ ngày 2-11, tổng lượng mưa đo được trên địa bàn huyện xấp xỉ 488mm. Hiện có khoảng 17 xã, thị trấn có nhà bị ảnh hưởng; trong đó có 2 thôn Tiên Du, Lệ Can (Ninh Phú) và thôn Hà Liên, Tân Tế (Ninh Hà) bị nước cô lập, phải đi lại bằng thuyền.

Theo ông Trần Công Hoán - Phó Chủ tịch UBND huyện, từ sáng sớm huyện đã có kế hoạch xả lũ hồ Đá Bàn. Do lượng mưa lớn nên huyện chỉ đạo các xã vùng hạ lưu cho di dời dân đến nơi an toàn. Huyện di dời tại chỗ 330 hộ dân với 1.500 nhân khẩu của xã Ninh Hà, thị trấn Ninh Hòa và có khoảng 2.000 hộ bị ngập nước khoảng 0,1 đến 1m. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện có 22 nhà bị sập hoàn toàn, 5 nhà xiêu vẹo (ước thiệt hại khoảng 570 triệu đồng); giao thông hư hỏng 500m với khối lượng khoảng 300m3; sạt lở sông Tân Lâm 5 vị trí, khoảng 1.378m3, sạt lở sông Dinh (Ninh Phú) khoảng 10m, khối lượng 120m3; tổng thiệt hại giao thông thủy lợi khoảng 1.798m3; thiệt hại hoa màu khoảng 300ha, chủ yếu là rau xanh, ớt (ước thiệt hại khoảng 4,5 tỷ đồng). Ngoài ra, thiệt hại một số cây trồng như mía, bắp… hiện chưa thống kê được. Ước tổng thiệt hại đến 7 giờ sáng 2-11 khoảng 5,2 tỷ đồng.

° Cam Lâm: Thiệt hại gần 43 tỷ đồng do lũ

Văn phòng BCH PCLB huyện Cam Lâm cho biết, thiệt hại do lũ mấy ngày qua trên địa bàn ước tính gần 43 tỷ đồng. Mưa lũ làm 22 nhà bị sập. Trong đó: Thị trấn Cam Đức 1 nhà, Suối Tân 1, Cam Hòa 1, Cam Thành Bắc 4, Cam Hiệp Bắc 7, Cam Phước Tây 8 nhà. Mưa lũ cũng làm đổ, ngã hơn 149ha lúa; 807ha mía, mì; 253ha rau màu; 2ha ngô… 143ha ao, đìa bị ngập, hư hại, làm trôi, chết 36 tấn cá, tôm… Mưa lũ làm sạt lở 26ha đất canh tác gây nhiều khó khăn cho việc cải tạo sản xuất…

Toàn huyện đã di dời khẩn cấp 81 hộ, 329 nhân khẩu thuộc khu vực trũng thấp, ngập sâu đến nơi an toàn thuộc các xã: Suối Cát, Suối Tân, Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hải Đông, Cam An Nam, Cam Phước Tây và Sơn Tân. Huyện đang chỉ đạo các ngành, địa phương nhanh chóng hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con vùng lũ; triển khai việc thống kê thiệt hại do lũ gây ra làm cơ sở cho việc hỗ trợ.

° Cam Ranh: 1 bé trai 3 tuổi bị chết do ngập nước

Sáng 2-11, trên địa bàn thị xã Cam Ranh chỉ có mưa nhỏ đến mưa vừa, buổi chiều mưa không đáng kể. Bên cạnh đó, hồ Sông Trâu sau một ngày xả lũ với lưu lượng lớn (350m3/s) nhằm giảm bớt sức ép gây nguy cơ vỡ đập, đã được đều chỉnh lưu lượng xả thấp hơn nên tính đến 17 giờ cùng ngày, mực nước lũ trên địa bàn thị xã Cam Ranh đã có chiều hướng giảm, nhưng rất chậm.

BCH PCLB thị xã Cam Ranh cho biết, tuy nước lũ đã có chiều hướng giảm, nhưng đề phòng thời tiết có thể diễn biến phức tạp gây mưa lớn trở lại nên các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tổ chức tuần tra, trực 24/24 giờ tại những nơi xung yếu để chủ động ứng phó kịp thời, đặc biệt bảo vệ an toàn cho người dân vùng lũ. Tính đến 17 giờ ngày 2-11, trên địa bàn thị xã có 266 hộ dân với 987 nhân khẩu ở những khu vực trọng yếu được di dời đến nơi tránh lũ an toàn; 1 bé trai 3 tuổi bị chết do ngập nước; nhiều diện tích ao đìa, lúa và hoa màu bị ngập hoàn toàn; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị phá hủy và hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại khoảng gần 73 tỷ đồng.

° Khánh Vĩnh: Đường Nha Trang - Đà Lạt nhiều điểm bị sạt lở

Theo BCH PCLB huyện Khánh Vĩnh, tổng lượng mưa đo được trong 4 ngày từ 30-10 đến 7 giờ ngày 2-11 là 461,3mm đã khiến cho tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt đoạn qua địa phận huyện Khánh Vĩnh bị sạt lở tại nhiều điểm. Đặc biệt, đoạn qua địa phận xã Sơn Thái có 4 điểm sạt lở nghiêm trọng, khiến các phương tiện chưa thể lưu thông. Lực lượng chức năng tiếp tục huy động các phương tiện đang thi công đường Nha Trang - Đà Lạt để khắc phục sạt lở.

Lực lượng chức năng huyện Khánh Vĩnh đã di dời 96 hộ dân đến nơi an toàn, đồng thời cấp phát lương thực cứu đói gồm gạo và mỳ gói cho các hộ.

° Khánh Sơn: Hỗ trợ gạo cứu đói cho hơn 400 hộ dân

Sáng 2-11, BCH PCLB huyện Khánh Sơn đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp gạo cứu đói cho khoảng hơn 400 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu, mỗi hộ được hỗ trợ 10kg gạo. Các đối tượng được hỗ trợ gạo cứu đói trong đợt này là những hộ ở 5 thôn bị cô lập gồm thôn Tà Giang II (xã Thành Sơn), thôn Cô Lăk (xã Sơn Bình), thôn Tà Lương, thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp), thôn Tà Gụ (xã Sơn Hiệp); 26 hộ với 120 khẩu được di dời từ vùng trũng đến nơi an toàn; người già yếu neo đơn; hộ nghèo. Hiện tại, huyện Khánh Sơn vẫn tiếp tục bị cô lập, các xã trong huyện tiếp tục bị chia cắt. Tỉnh lộ 9 có nhiều đoạn sạt lở, nhiều cống tràn bị hư hỏng nặng; phía Đông đỉnh đèo trên tuyến đường này có 10 điểm sạt lở nghiêm trọng chưa khắc phục được; cầu tràn xã Sơn Bình đi xã Sơn Lâm bị đứt gãy hoàn toàn. Đoạn đường từ xã Sơn Hiệp đi xã Sơn Trung bị hư hỏng 300m. Có 3 trụ điện bị đổ, hệ thống cáp quang bị đứt khiến 4 xã cánh Tây của huyện tiếp tục bị mất điện, mất liên lạc hoàn toàn. Các công trình thủy lợi và toàn bộ hoa màu của người dân vẫn chìm trong biển nước nên chưa thể ước tính được thiệt hại. Huyện đã tiến hành điều tiết một số lương thực, thực phẩm cho người dân.

H.A - B.K - T.LONG - T.H - C.V - T.N - THỦY BA - N.T