Thực tế đã chứng minh, sau mỗi đợt mưa, lũ lụt, các bệnh về đường ruột, ngoài da, đau mắt đỏ… thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ lây lan thành dịch. Nguyên nhân của tình trạng này, theo bác sĩ Bùi Xuân Minh - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, là do trong và sau mưa, lũ lụt, các loại vi sinh vật (cả loại gây bệnh và không gây bệnh) từ đất, bụi rác, chất thải… hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật.
Thực tế đã chứng minh, sau mỗi đợt mưa, lũ lụt, các bệnh về đường ruột, ngoài da, đau mắt đỏ… thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ lây lan thành dịch. Nguyên nhân của tình trạng này, theo bác sĩ (BS) Bùi Xuân Minh - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, là do trong và sau mưa, lũ lụt, các loại vi sinh vật (cả loại gây bệnh và không gây bệnh) từ đất, bụi rác, chất thải… hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh sau mưa, lũ lụt, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng danh mục cơ số thuốc phòng, chống bão lụt và trình Sở Y tế phê duyệt. Hiện số thuốc tồn tính đến ngày 30-9-2010 tại các đơn vị y tế trong tỉnh là 51 cơ số thuốc điều trị và gần 1.500kg Chloramine B, 200.000 viên Chloramine B. Theo BS Bùi Xuân Minh, do thuốc được chuẩn bị ngay từ đầu năm nên hiện nay ngành Y tế không thiếu thuốc phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão và thuốc khử trùng.
Cán bộ y tế đang hướng dẫn người dân cách pha Chloramine B để diệt khuẩn |
Tuy nhiên, theo BS Bùi Xuân Minh, người dân không nên lơ là, chủ quan với các loại dịch bệnh sau mưa lụt. Đối với bệnh tiêu hóa, đây là bệnh có nguy cơ bùng phát cao do môi trường sống và nguồn thực phẩm bị ô nhiễm. Bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi nhưng người già, người mắc bệnh mãn tính và trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, bát đũa cần được rửa sạch và để khô ráo trước khi ăn. Bảo quản thức ăn đã nấu chín bằng cách đậy lồng bàn, tránh ruồi nhặng, gián, thạch sùng, mưa gió, bụi làm nhiễm bẩn. Không ăn rau sống, tiết canh, mắm tôm, mắm tép sống; không ăn gỏi cá, hải sản, nghêu, sò, ốc, hến chưa được nấu chín; không ăn nem chạo, nem chua; không ăn các thức ăn bị ôi thiu; không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh. Chỉ dùng nước sạch để ăn uống và tắm rửa. Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa để nấu nước uống và thức ăn. Khi phải dùng nước sông, suối, ao, hồ thì phải làm trong và khử trùng trước khi dùng. Cách làm trong và khử trùng như sau: Dùng 1 miếng phèn chua khoảng nửa đốt ngón tay, hòa tan phèn vào 1 gáo nước, sau đó đổ gáo nước vừa hòa tan phèn vào xô đựng nước khoảng 20 - 25 lít và khuấy đều. Khoảng 30 phút sau khi cặn đã lắng xuống đáy thì gạn lấy nước trong để khử trùng. Cách khử trùng bằng Chloramine B: 1 viên khử trùng nước Chloramine B 0,25g dùng để khử khuẩn cho 25 lít nước; 1/3 thìa canh bột Chloramine B (tương đương 3g) dùng để khử trùng lượng nước 300 lít. Cách làm: hòa tan viên khử trùng nước vào 1 gáo nước, đổ gáo nước đó vào xô nước 25 lít đã được làm trong và khuấy đều. Khoảng 30 phút sau mới sử dụng nước. Nước đã khử trùng phải đun sôi mới được uống.
BS Minh cũng khuyên người dân nên nên tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại hộ gia đình, đặc biệt là vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, thực phẩm và vệ sinh cá nhân; phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn để xử lý nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn theo đúng quy định và tiêu độc khử trùng tại các khu vực ô nhiễm… Khi phát hiện bệnh truyền nhiễm, người dân cần báo cáo kịp thời ca bệnh cho y tế cơ sở để xử lý triệt để, không để lây lan thành dịch lớn. Đối với các bệnh ngoài da, bệnh đau mắt đỏ (chủ yếu lây do nguồn nước bẩn), để phòng tránh, người dân cần thực hiện tắm, rửa mặt bằng nước đã được làm trong và khử trùng.
NGỌC KHÁNH
Theo Cục YTDP và Môi trường (Bộ Y tế), ở những vùng thường ngập lụt, người dân cần: Dự trữ nước sạch, thuốc sát khuẩn, phèn chua để làm sạch nước; trữ đồ hộp, nước tinh khiết, nước khoáng đóng chai (không bị ngấm nước) để phòng nước ngập lâu; dự trữ một số thuốc thông thường (cảm sốt, kháng sinh, các loại thuốc chống tiêu chảy, kiết lỵ…) để dùng khi cần; cần có nắp đậy và ni lông bịt miệng giếng khơi, giếng khoan trước khi bị ngập; dùng phèn chua (1g/20 lít nước) hoặc Cloramin B (1 viên/25 lít nước) để xử lý giếng bị ngập; xử lý nhà tiêu bằng vôi bột và lấp đất dày khoảng 0,5m, lèn chặt; ăn thức ăn mới nấu, nhất là người già và trẻ em… Ở vùng nông thôn và rừng núi, những ngày mưa nên đi ủng ra ngoài để tránh bị điện giật.