03:11, 03/11/2010

Gian nan cứu nguy vùng lũ

Đêm 1-11, mưa xối xả, đến rạng sáng 2-11, nhiều vùng nông thôn của huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) ngập tràn trong biển nước. Khu vực đội 8, thôn An Ninh, xã Diên An bị cô lập hoàn toàn mấy ngày qua. Xã điện huyện xin ca nô cứu viện để đưa một sản phụ chuyển dạ, đồng thời vận chuyển hàng cứu trợ cho vùng lũ. Ca nô cứu viện lập tức lên đường.

Đêm 1-11, mưa xối xả, đến rạng sáng 2-11, nhiều vùng nông thôn của huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) ngập tràn trong biển nước. Khu vực đội 8, thôn An Ninh, xã Diên An bị cô lập hoàn toàn mấy ngày qua. Xã điện huyện xin ca nô cứu viện để đưa một sản phụ chuyển dạ, đồng thời vận chuyển hàng cứu trợ cho vùng lũ. Ca nô cứu viện lập tức lên đường.

Ca nô đưa sản phụ vào “bờ” an toàn.

Hay tin Cơ quan Quân sự (CQQS) huyện huy động lực lượng đến cứu nguy vùng lũ An Ninh, tôi tức tốc lên đường. Đến UBND xã Diên Toàn, xe của tôi chết máy, tôi đành đón xe U-oát của CQQS huyện “đột nhập” vùng rốn lũ.

Hành trình cứu trợ

Chiếc ca nô 70 CV chạy băng băng vượt qua biển nước mênh mông đưa sản phụ là chị Mi Sa vào “bờ” an toàn. Nét mặt của chị đã bớt căng thẳng sau nhiều giờ hồi hộp suốt đêm mong chờ trời sáng. Chiếc xe U-oát của CQQS huyện đậu sẵn bên này bờ, lập tức đưa sản phụ nhanh chóng đến Bệnh viện huyện. 

Tháp tùng cùng đoàn người cứu viện, tôi bước lên ca nô. Anh Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Diên An cho biết, lúc này khu vực đội 8, thôn An Ninh cần nhất là cứu trợ lương thực, thực phẩm, bởi vùng này đã nhiều ngày bị cô lập, thuyền cứu hộ của xã không thể tiếp cận. Thế là cả đoàn chuyển hướng đi lấy thực phẩm cứu trợ. Chuyện đi ca nô trong lòng sông sâu không sợ bằng việc phải chạy xuyên qua cánh đồng, có nhiều chướng ngại vật. Tuy mọi người đều mặc áo phao nhưng tôi vẫn thấy run.

Từ trên ca nô nhìn ra 4 phía đều là biển nước. Mưa vẫn tuôn xối xả, khiến ai cũng lo lắng. Chiếc ca nô có lúc phải tắt máy để trôi bởi vướng nhiều cọc gỗ, trụ lan can đường liên thôn. Khó khăn nhất là ca nô không thể vượt qua kênh mương bằng bê tông kiên cố, thế là tất cả chúng tôi phải xuống nước phụ đẩy ca nô để vượt qua chướng ngại vật. Tuy trải qua nhiều lần lái ca nô vượt sóng nước nhưng lắm lúc Thiếu tá Lâm Xuân Hòa (CQQS huyện) cũng phải chờn bởi không biết đâu là “cạm bẫy”. Binh nhì Nguyễn Minh Hải vất vả, khó nhọc để kéo chân vịt vượt qua vật cản. Trên suốt đường đi, ca nô băng qua cánh đồng rộng hàng chục héc-ta nhưng chỉ toàn màu trắng của nước lũ. Nước sông Đồng Đen vẫn chảy xiết. Mưa lũ làm ngả nghiêng trụ điện khiến dây điện chùng xuống, ca nô phải “cảnh giác” cao độ để tránh vướng dây điện. Có bốt điện cao thế chỉ còn 2m nữa là ngập. Nhiều nhà dân chìm trong biển nước. Một vài người ló đầu ra vẫy vẫy tay mỗi khi ca nô vút qua. Họ vui mừng vì cảm thấy an tâm hơn. Cuối cùng, chúng tôi cũng tới điểm tập kết hàng. 8 thùng mì lớn với 800 gói mì cấp tốc được chuyển lên ca nô.

Tình người sẻ chia

Đoạn đường trở lại cũng gian nguy không khác gì lúc đi. Tuy nhiên, sau hơn 2 giờ “ngụp lặn”, chúng tôi cũng đến được vùng “rốn lũ”. Hàng chục người dân đã quây trên bờ. Chị Trần Thị Thanh Nga xúc động nói: “Chúng tôi mong chờ các anh đã nhiều ngày qua, bây giờ mừng không tả. Mấy ngày qua, nhà không còn thức ăn, có lúa nhưng không thể chà được…”. Còn anh Lê Văn Mạch thì lo lắng bởi thực phẩm dự trữ đã hết. Có quà cứu trợ, mọi người chia nhau gói mì tôm cho qua cơn đói, ít dầu lửa để thắp sáng. Anh Mạch cho biết, khu vực này đã bị cúp điện từ ngày 29-10 do lo sợ chập điện nguy hiểm nên bà con phải sống trong cảnh thiếu điện, thiếu thực phẩm. “Không có điện để sạc điện thoại di động, chúng tôi thật khốn khổ, chẳng thể liên lạc được với bên ngoài” - anh Mạch nói.

Theo anh Hiền, “khu vực đội 8, thôn An Ninh nằm tách rời khu tập trung dân cư của xã, thuộc vùng núi Chín Khúc, với khoảng 74 hộ, hơn 450 nhân khẩu, thường bị cô lập mỗi khi lũ lớn. Khu vực này không sợ ngập sâu vì đây là vùng núi nhưng do bị cô lập nên cần phải cứu trợ khẩn cấp. Hiện nhà dân có lúa nhưng không thể xát được gạo để ăn vì không có điện. Chúng tôi đã cho thuyền cứu trợ tiếp ứng nhưng rất khó vì nước chảy xiết, thuyền dễ lật, rất nguy hiểm. Chuẩn bị cho mùa mưa bão, xã cũng đã nhắc nhở người dân chủ động lương thực, thực phẩm phòng lúc bị cô lập, chia cắt. Sáng nay, do có sản phụ chuẩn bị sinh, xã nhờ CQQS huyện hỗ trợ ca nô cứu viện và nhân tiện đưa thực phẩm đến cứu trợ bà con. Mấy ngày qua, lũ tràn qua địa bàn xã, gây ngập cục bộ nhiều nơi, từ 0,5 - 1m. Xã đã triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn và sơ tán hơn 10 hộ dân, gần 50 nhân khẩu đến nơi an toàn… 

Chiếc ca nô tiếp tục lao đi trong biển nước. Tiếng chuông điện thoại di động của Thiếu tá Hòa lại reo lên. Chỉ huy trưởng CQQS huyện lệnh điều ca nô đi vào cầu Lùng (xã Diên Thạnh) để tiếp tục ứng cứu người dân vùng lũ. Và chiếc ca nô lập tức rẽ hướng…

QUANG VIÊN