Liên tục trong 2 ngày 30 và 31-10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông trên cao nên trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to, phổ biến từ 200 - 350mm, cá biệt tại TP. Nha Trang lượng mưa đạt tới 494mm, mức kỷ lục 35 năm trở lại đây.
* Toàn tỉnh Khánh Hòa có 3 người chết
* Kịp thời ứng cứu 1 xe khách ở Diên Khánh
* Tỉnh lộ 9 (Khánh Sơn) bị tê liệt hoàn toàn
Liên tục trong 2 ngày 30 và 31-10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông trên cao nên trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to, phổ biến từ 200 - 350mm, cá biệt tại TP. Nha Trang lượng mưa đạt tới 494mm, mức kỷ lục 35 năm trở lại đây. Mưa to dẫn đến lũ lớn, nhấn chìm nhiều ruộng vườn, đường sá. Toàn tỉnh đã có 3 người chết (Diên Khánh: 2, Ninh Hòa: 1), 1 người bị thương (Diên Khánh). Các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống lũ, giảm nhẹ thiên tai.
Tại Ninh Hòa:
Đến 12 giờ trưa 31-10, trên địa bàn huyện Ninh Hòa trời vẫn còn mưa, triều cường tiếp tục dâng, có thể sẽ trên báo động 3 nên huyện chỉ đạo các xã, thị trấn luôn sẵn sàng đối phó khi nước dâng. Theo ông Trần Công Hoán - Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hòa, hiện lượng mưa đo được trên địa bàn huyện là 250mm. Mực nước trên sông Dinh đến 9 giờ ngày 31-10 là 5,56m, trên báo động 3 là 0,6m; hồ Suối Trầu 23,2m, ngưỡng cho phép 22,5m, hiện nước đã qua tràn. Riêng hồ chứa nước Đá Bàn hiện cao trình 56m, ngưỡng cho phép là 61m; Nhà máy Thủy điện Ea Krong Rou 595,69m, mực nước cho phép là 606m, chưa phải xả lũ, vẫn còn thiếu nước.
Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy (BCH) phòng, chống lụt bão (PCLB) huyện, sau 3 ngày trời mưa (từ 29 đến 31-10), trên địa bàn huyện có 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn tại xã Ninh Phú; đoạn đê sông Tân Lâm (Ninh Thân) bị sạt lở 50 vị trí, tổng sạt lở khoảng 130m, khối lượng sạt lở 1.100m3; cuối hạ lưu Sông Dinh (Ninh Phú), sạt lở khoảng 10m, khối lượng 120m3… Huyện đã chỉ đạo xã Ninh Phú tập trung lực lượng khắc phục kịp thời các đoạn bị sạt lở; đồng thời kiểm tra, rà soát lại các đoạn đê xung yếu, có phương án phòng, chống sạt lở. Mưa lũ đã làm 1 người chết (ông Tăng Khánh Lộ, 81 tuổi - thôn Bình Thành, xã Ninh Bình).
Ông Trần Công Hoán cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các xã vùng trũng tiếp tục thực hiện phương châm 4 tại chỗ, nhất là xã Ninh Phú (xã thường xuyên bị chia cắt do mưa lũ). Sáng 31-10, BCH PCLB huyện đã trực tiếp xuống làm việc với xã, yêu cầu kiểm tra, rà soát các thôn thường bị chia cắt, có phương án cứu đói kịp thời cho bà con khi trời tiếp tục mưa. Theo lãnh đạo xã, hiện người dân đã chủ động chuẩn bị lương thực, trường hợp bị nước chia cắt sẽ đủ lương thực, thực phẩm dùng trong 1 tuần”. Ngoài ra, huyện đã chuẩn bị các xuồng ca nô, sẵn sàng ứng cứu, tiếp tế cho bà con khi có tình huống xấu xảy ra.
Bên cạnh đó, BCH PCLB huyện bố trí lãnh đạo trực 24/24 giờ, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân bổ sung dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, chằng chống nhà cửa; tiếp tục chỉ đạo các xã vùng thấp chuẩn bị sẵn sàng cho việc sơ tán dân trong trường hợp khẩn cấp; tập trung phương tiện, vật tư; chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các hồ đập chứa nước nhằm chủ động trong việc điều tiết xả nước…
Tại Nha Trang:
Đường Phong Châu (Nha Trang) bị ngập nặng. |
Thiệt hại ban đầu, trên địa bàn TP. Nha Trang có 43 căn nhà bị sập và hư hại; 4 tàu thuyền bị chìm, trong đó có 2 tàu ở Vĩnh Hòa và 2 tàu ở Vĩnh Lương. Thành phố đã tổ chức di dời 82 hộ với 343 nhân khẩu, trong đó Vĩnh Phước di dời 23 hộ dân, Phước Đồng 12 hộ, Vĩnh Hòa 13 hộ, Vĩnh Lương 11 hộ…
Ngày 31-10, lũ trên các sông lên cao khiến các xã ngoại thành Nha Trang như Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh… bị ngập lụt. Đường 23-10 từ Nha Trang lên Diên Khánh đã có nhiều đoạn bị ngập nước. Các đơn vị chức năng đã lập chốt để ngăn không cho người dân qua lại. Tại khu vực này đã xuất hiện dịch vụ ghe đưa đón xe máy với giá 20.000 đồng/xe. Trên đường Phong Châu, lực lượng chức năng đã tập trung để sẵn sàng giúp người dân đến nơi an toàn.
Trước tình hình mưa lũ tại Nha Trang, cơ quan chức năng đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang tỉnh và Công an thành phố, Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh đến sơ tán dân khỏi nơi bị ngập. Lúc 3 giờ sáng 31-10, sau khi nhận được tín hiệu cứu nạn, lực lượng ở Đồn Biên phòng 372, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức người và phương tiện cứu được 2 ngư dân trên tàu KH-96606TS, khi tàu này bị đứt dây cáp, trôi ra cửa biển và bị chìm trước cửa biển sông Cái. Cũng vào lúc 3 giờ sáng 31-10, tại sông Tắc thuộc khu vực Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, một tàu dầu mang số hiệu KH-0157H của Doanh nghiệp tư nhân Thế Anh (TP. Nha Trang) đã bị sóng lớn đánh chìm. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày vẫn chưa phát hiện sự cố tràn dầu. Trước đó, ngày 30-10, tại địa bàn Đồn Biên phòng 368 thuộc xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang đã có 15 căn nhà bị ngập sâu. Cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã kịp thời bố trí nơi ăn, chốn ở cho người dân.
Tại Diên Khánh:
Mực nước lũ dâng cao gần đụng cầu Thành (Diên Khánh) mới xây dựng. |
Ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch UBND xã Diên Thọ cho biết, lúc lực lượng cứu hộ đến ứng cứu, phần đầu chiếc xe bị nạn hướng ra sông Cái. Rất may là thời điểm đó, lực lượng dân quân và công an xã đang đi tuần ở những điểm trọng yếu trên các tuyến giao thông nên phát hiện sớm. Ngay lập tức, BCH PCLB huyện và xã đã điều lực lượng cứu hộ và phương tiện gồm áo phao, ghe máy, xe tải, máy đào… đến hiện trường để cứu hành khách. Khoảng 5 giờ sáng, toàn bộ hành khách trên xe được đưa đến nơi an toàn. Lãnh đạo huyện Diên Khánh đã có mặt kịp thời để động viên tinh thần hành khách trên xe. 22 hành khách đã được bố trí tạm trú tại Trường Tiểu học xã Diên Thọ.
Theo ông Lương Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban PCLB huyện Diên Khánh, trong ngày 31-10, Tỉnh lộ 2 đoạn qua xã Diên Lạc ngập sâu khoảng 0,7 - 0,8m; đoạn đường 23-10 qua xã Diên An ngập bình quân 0,4m. 90% tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m. Toàn huyện có khoảng 450 ngôi nhà bị ngập từ 20 - 50cm. Đến 10 giờ ngày 31-10, trên địa bàn huyện có 2 người chết (1 do vướng dây điện nên bị giật; 1 do rơi xuống nước).
Huyện cũng đã di dời 4 hộ với 19 khẩu thuộc xóm Suối, thôn Phước Lương, xã Diên Thọ đến nơi an toàn.
Tại Cam Lâm:
Theo BCH PCLB huyện, trước tình hình mưa lũ kéo dài, hồ Suối Dầu mực nước xấp xỉ mức tối đa là 42m, khẩn cấp xả lũ, mở đồng loạt 3 cửa với lưu lượng 190m3/giây. Lũ lớn đã làm nhiều vùng ngập lụt nặng, buộc huyện phải di dời khẩn cấp 6 hộ, 21 nhân khẩu ở các xã: Cam Tân, Suối Tân và Cam Hải Đông. Theo ông Nguyễn Hữu Hảo - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCH PCLB huyện, mưa lớn kéo dài làm Quốc lộ 1A, đoạn qua khu vực Đồng Bà Thìn (xã Cam Thành Bắc) bị ách tắc giao thông, đã xảy ra 14 vụ tai nạn xe máy và 1 vụ ô tô, có một số người bị thương. Huyện nhanh chóng chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng khác chốt chặn, kịp thời giải quyết ách tắc, bảo đảm thông xe an toàn. Mưa lớn cũng làm nhiều vùng bị chia cắt, đặc biệt là thôn Vân Sơn (Cam Phước Tây) nhưng đến 10 giờ ngày 31-10 cũng đã thông tuyến.
Đến 15 giờ ngày 31-10, lượng mưa đã giảm; một số vùng giảm ngập, lưu thông trở lại bình thường. Theo thống kê sơ bộ, huyện có 6 hộ bị sập nhà, tập trung tại xã Cam Hiệp Bắc. Hai vị trí bị sạt lở tương đối lớn là: tuyến kênh Nam hồ Cam Ranh bị sạt mái taluy với 20m chiều dài; tuyến đường sắt Bắc Nam qua địa bàn xã Cam Hiệp Bắc bị sạt lở tại Km 1346+200 với chiều dài 32m. Hiện lực lượng PCLB ngành Đường sắt đang tổ chức chốt chặn và khẩn trương sửa chữa, bảo đảm thông tuyến.
Tại Cam Ranh:
Lúc 7 giờ 30 sáng 30-10, tổng lượng mưa đo được trên địa bàn thị xã Cam Ranh là 332,5mm. Đến sáng 31-10, trên địa bàn thị xã đã có 4 xã, phường (Cam Phước Đông, Cam Lập, Ba Ngòi, Cam Thịnh Đông) bị cô lập cục bộ, nhiều đoạn trên Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn bị ngập trên 50cm gây ách tắc giao thông cục bộ (khoảng 10km). Trước tình hình đó, BCH PCLB và các lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích đã tập trung di dời dân trong những khu vực trọng yếu đến nơi an toàn.
Đến 7 giờ ngày 31-10, mực nước của hồ Sông Trâu đã lên tới 39m, cách cao trình 3,3m; hồ Suối Hành lên 32,1m, vượt cao trình 1,8m. BCH PCLB thị xã Cam Ranh cho biết, đơn vị đã nhận được thông báo từ Ban quản lý hồ Sông Trâu (huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận) là sẽ xả lũ vào chiều 31-10. Hiện tại, các lực lượng chức năng của thị xã đang tiếp tục di dời dân ở khu vực hạ lưu, chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước lũ từ hồ Sông Trâu và hồ Suối Hành.
Theo thống kê sơ bộ của BCH PCLB thị xã Cam Ranh, đến sáng 31-10, tuy không thiệt hại về người nhưng mưa lũ đã làm vỡ 30ha đìa nuôi tôm của người dân, tổng thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng; 463ha lúa vụ Hè - Thu muộn và vụ mùa bị ngập hoàn toàn (chưa thống kê được thiệt hại).
Tại Khánh Sơn:
Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, Trưởng BCH PCLB huyện, từ chiều 29 đến sáng 31-10, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa khoảng trên 100mm. Mưa lớn đã khiến Tỉnh lộ 9 - tuyến đường huyết mạch nối huyện Khánh Sơn với vùng đồng bằng bị tê liệt hoàn toàn. Tất cả các cầu tràn trên tuyến đường này bị ngập sâu, không thể qua lại; đoạn Km 22+200 đất đá sạt lở nhiều chặn hết lối đi. Hiện lực lượng quân đội, công an đang túc trực 24/24 tại hai đầu các cầu tràn, không để người dân qua lại trên tuyến đường này. Ngoài Tỉnh lộ 9, tất cả các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện Khánh Sơn đều đang bị ngập sâu trong nước; có 1 trụ điện bị đổ khiến các xã cánh Tây của huyện như Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn bị mất điện hoàn toàn. Huyện cũng đã tiến hành di dời một số hộ dân ở vùng trũng đến nơi an toàn. Hiện chưa có thiệt hại về người, còn thiệt hại về tài sản chưa ước tính được. Trước tình hình mưa lớn đang tiếp tục diễn ra, lãnh đạo huyện cùng BCH PCLB huyện tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết; kiểm tra lượng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để đáp ứng như cầu của người dân trong tình hình xấu nhất; ngành điện nỗ lực khắc phục lại đường dây; ngành giao thông chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để khi nước rút tiến hành sửa chữa, khắc phục lại những chỗ bị hư hỏng; các lực lượng công an, quân đội tiếp tục túc trực thường xuyên ở những nơi xung yếu đảm bảo an toàn cho người dân. Nếu tình hình thời tiết thuận lợi, dự kiến vài ngày tới Tỉnh lộ 9 mới được thông tuyến.
Tại Khánh Vĩnh:
UBND xã Khánh Phú cho biết, cơn mưa lớn trong hai ngày 30 và 31-10 đã khiến 50 hộ dân ở Xóm Mới (thôn Ngã Hai) bị chia cắt hoàn toàn, 26 hộ dân khác gồm 22 hộ ở thôn Sơn Thành và 4 hộ ở thôn Nước Nhĩ phải di dời khẩn cấp, 4 học sinh phải ở lại tại trụ sở UBND xã Khánh Phú do nước lớn không thể về nhà. Hiện nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về khiến mực nước tại các sông, suối trên địa bàn tiếp tục dâng cao, chính quyền địa phương đang tiếp tục theo dõi tình hình để có phương án đối phó nếu có tình huống xấu xảy ra.
Trong khi đó, tại xã Khánh Đông, một số hộ dân tại 2 thôn Suối Cau và Suối Sâu cũng đã được di dời đến nơi an toàn.
Tại Vạn Ninh:
Theo ông Lê Văn Thắng, Chánh Văn phòng UBND huyện Vạn Ninh, những ngày qua, huyện Vạn Ninh có mưa nhưng mưa nhỏ, không xảy ra lũ lụt gây thiệt hại đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, để chủ động đối phó với tình hình mưa bão, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai kế hoạch PCBL năm 2010 đến từng xã, thị trấn.
C.V - B.K - T.L - THU HIỀN - Q.V - N.A - N.T - X.T - PHÚC HIẾU