04:11, 15/11/2010

Chất lượng có đảm bảo?

Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội vừa ký kết Thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH về đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học.

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội vừa ký kết Thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH về đào tạo liên thông (ĐTLT) từ trình độ trung cấp (TC) nghề, cao đẳng (CĐ) nghề lên trình độ CĐ và đại học (ĐH).

Với Thông tư này, kể từ năm học 2010 - 2011, những người có bằng tốt nghiệp TC nghề và CĐ nghề cùng ngành nghề đào tạo sẽ được dự thi tuyển sinh lên trình độ CĐ, ĐH. Tuy nhiên, người đã tốt nghiệp TC nghề, nếu chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa trung học phổ thông đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thời gian ĐTLT từ TC nghề lên CĐ và từ CĐ nghề lên trình độ ĐH được thực hiện từ 1,5 đến 2 năm học; thời gian ĐTLT từ TC nghề lên trình độ ĐH được thực hiện từ 3 đến 4 năm học. Việc tuyển sinh ĐTLT sẽ tuân theo quy định về ĐTLT của Bộ GD-ĐT.

Các trường TC nghề, CĐ nghề có trách nhiệm phối hợp với các trường ĐH, CĐ xây dựng chương trình liên thông. Chương trình ĐTLT phải được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Việc xây dựng chương trình được thực hiện trên nguyên tắc bù đủ những khối lượng kiến thức, kỹ năng còn thiếu, tránh trùng lặp để bảo đảm đạt chuẩn trình độ CĐ, ĐH. Để được ĐTLT, các trường ĐH, CĐ phải báo cáo rõ với Bộ GD-ĐT về ngành nghề đào tạo, nhu cầu đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo cũng như các tiêu chí, hình thức, điều kiện tuyển chọn, chỉ tiêu dự kiến, điều kiện bảo đảm chất lượng cũng như cam kết bảo đảm chất lượng. Việc cấp văn bằng tốt nghiệp cho người học sau khi hoàn thành chương trình ĐTLT từ TC nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ, ĐH thực hiện theo các quy định của Bộ GD-ĐT.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang đang thực hành.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang đang thực hành.
Đa số học sinh (HS), sinh viên (SV) trường nghề đón nhận thông tư này với một thái độ rất tích cực. Em Nguyễn Tiến Mạnh - HS hệ TC Trường CĐ Nghề Nha Trang bày tỏ: “Hiện nay, HS đi học nghề có rất nhiều cơ hội. Bên cạnh việc học kiến thức, chúng em được thực hành rất nhiều, thiết bị đào tạo khá phong phú, hiện đại. Nếu có khả năng, tốt nghiệp TC, CĐ nghề, chúng em có thể tiếp tục học liên thông lên ĐH. Như vậy, thời gian đào tạo rút ngắn nhưng HS được đào tạo nhiều nghề, cơ hội hành nghề sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Tuy nhiên hiện nay, dư luận đang băn khoăn việc liên thông như thế có đảm bảo chất lượng đào tạo? Bởi lẽ, về cơ bản, hiện nay, các trường ĐH đang đào tạo theo kiểu mạnh về lý thuyết, còn các trường nghề mạnh về thực hành. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Nha Trang, từ năm học 2010 - 2011, Trường CĐ Nghề Nha Trang liên kết với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh ĐTLT 2 chuyên ngành: Cơ điện tử và Chế tạo máy. Chương trình liên kết đào tạo đều được các trường xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD-ĐT. “Khi liên kết đào tạo, chúng tôi phải có trách nhiệm so sánh, đối chiếu mục tiêu đào tạo, khối lượng kiến thức, tỷ lệ về thời lượng giữa lý thuyết với thực hành, thời gian đào tạo… để xây dựng chương trình liên thông phù hợp. Vì vậy, HS, SV theo học liên thông sẽ được bổ sung kiến thức đầy đủ, bảo đảm chất lượng tương đương SV học tại những trường ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT hiện nay”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

LÊ NGUYÊN