06:11, 09/11/2010

Chủ động hơn trước

Đợt lũ lớn vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tổng thiệt hại toàn tỉnh ước tính gần 300 tỷ đồng. Nhưng lũ cũng là “liều thuốc” thử “phản ứng” của chính quyền, các lực lượng và người dân khi đối phó với diễn biến tình hình thời tiết ngày càng phức tạp.

Đợt lũ lớn vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tổng thiệt hại toàn tỉnh ước tính gần 300 tỷ đồng. Nhưng lũ cũng là “liều thuốc” thử “phản ứng” của chính quyền, các lực lượng và người dân khi đối phó với diễn biến tình hình thời tiết ngày càng phức tạp.

Các đơn vị lực lượng vũ trang giúp dân chống lũ. 
Các đơn vị lực lượng vũ trang giúp dân chống lũ.
Có thể thấy, những ngày chống lũ vừa qua, vai trò của lực lượng tại chỗ thể hiện rất rõ. Sự kiện chiếc xe khách Huế thoát chết tại đèo Sãi Me (Diên Thọ, Diên Khánh) là một ví dụ. Nhiều người cho rằng, nếu không có lực lượng tại chỗ năng động thì số phận của 22 hành khách trên xe có thể lặp lại tình cảnh của chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi ở Hà Tĩnh? Ông Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch UBND xã Diên Thọ cho biết, nhờ tuần tra thường xuyên các khu vực xung yếu nên lực lượng phòng, chống lụt bão (PCLB) của xã đã phát hiện và kịp thời cứu nguy cho chiếc xe khách ngoại tỉnh. Trong mưa lũ, các lực lượng tại chỗ đã triển khai khá tốt việc chốt chặn các điểm xung yếu. Hầu hết các tuyến giao thông có cầu, tràn, ngầm, khu vực trũng thấp đều được bố trí lực lượng canh giữ, ngăn không cho người và phương tiện qua lại khi nước lớn. Cầu Vĩnh Thái (Cam Hiệp Nam, Cam Lâm) trong những ngày lũ luôn có lực lượng dân quân túc trực, ứng phó. Ngay khi có mưa lớn, xã đã phân công người trực, làm biển báo cấm người qua lại. Khi lũ quá to, cầu không chịu nổi sức công phá của nước đã sập một nhịp. Nếu không có người canh giữ thường xuyên thì hậu quả sẽ phức tạp đến mức nào?

Công tác di dời, sơ tán dân trong đợt lũ vừa qua cũng thể hiện tính chủ động của chính quyền cơ sở. Nhiều địa phương đã nhanh nhạy trong việc triển khai di dời dân trước khi đợi lệnh của cấp trên. Chính vì thế đã hạn chế được sự thiệt hại về người và tài sản. Bà Nguyễn Thị Quế - Chủ tịch UBND xã Suối Tân (Cam Lâm) cho biết, không đợi đến khi có lệnh của huyện, chúng tôi đã chủ động di dời dân trước khi lũ đe dọa. 102 hộ dân thuộc khu vực thôn Cây Xoài đã được sơ tán lên Quốc lộ, một vài hộ còn nấn ná cũng được lực lượng dân quân cứu hộ sau đó. Ông Lương Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, rút kinh nghiệm nhiều năm, thiệt hại về người là do chủ quan, người dân vẫn khinh suất khi đi qua các ngầm, tràn, tuyến đường có địa hình trũng, vì thế năm nay huyện chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí lực lượng chốt chặn, canh gác tại các ngầm, tràn, nơi ngập sâu để hạn chế thiệt hại cho người và tài sản. Bên cạnh đó, công tác sơ tán dân cũng làm khá tốt. Các địa phương đã chủ động di dời dân lên vùng cao tránh lũ nên đã hạn chế thiệt hại do nước lũ dâng cao. Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hảo - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCLB huyện Cam Lâm cho biết, công tác chốt chặn tại các điểm xung yếu được các địa phương triển khai khá tốt. Đây cũng là kinh nghiệm chỉ đạo PCLB trong những năm qua. Công tác sơ tán, di dời dân được huyện giao cho cơ sở hoàn toàn chủ động, không đợi huyện chỉ đạo, những người không chấp hành, xã tiến hành cưỡng chế để bảo đảm tính mạng và tài sản.

Trong cơn lũ dữ, sự phối hợp của các lực lượng càng thêm nhịp nhàng, chặt chẽ. Xã Cam Thành Bắc bị nước ngập sâu gây ách tắc giao thông, các lực lượng bộ đội, công an lập tức hỗ trợ, ngăn không cho phương tiện qua lại. Nước lũ tràn về uy hiếp, đe dọa lũ cuốn khu vực dân cư, xã phối hợp với Lữ 101 đưa bộ đội về đắp bao tải cát, ngăn dòng nước, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Những ngày nước lũ tràn về uy hiếp nhiều khu dân cư nội, ngoại thành ở TP. Nha Trang, thị xã Cam Ranh, huyện Diên Khánh, Cam Lâm… các lực lượng vũ trang cũng đã nhanh chóng đưa ca-nô, xuồng máy đến tận nơi cứu dân thoát hiểm. Nhiều trẻ em được các chiến sĩ bồng bế đưa qua dòng nước xoáy, phụ nữ đến ngày chuyển dạ được ca-nô chuyển qua cánh đồng nước ngập, đưa về bệnh viện an toàn… Biết bao hình ảnh, câu chuyện xúc động về tình cảm quân dân trong cơn nguy khó. Đại tá Lê Minh Soạn - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh cho biết, trong những ngày lũ, BCHQS tỉnh đã huy động gần 1.500 lượt cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) về cơ sở giúp nhân dân tránh lũ. Bên cạnh đó, các lực lượng của Quân khu, Bộ Quốc phòng cũng hiệp đồng rất tốt với lực lượng vũ trang của tỉnh. Lữ 101 huy động 100 CB-CS giúp nhân dân xã Cam Thành Bắc khắc phục hiện tượng nước lũ uy hiếp khu dân cư; Học viện Hải quân huy động 100 học viên giúp dân vùng lũ Nha Trang. Nhiều đơn vị khác cũng khẩn trương triển khai phương án giúp nhân dân vùng lũ.

Nhìn lại đợt lũ kinh hoàng vừa qua, càng thấy rõ thiên tai  ngày càng khốc liệt, đòi hỏi con người phải chủ động ứng phó. Sự chủ động của chính quyền, các lực lượng là rất quan trọng nhưng ý thức của người dân cũng cần được nâng cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

QUANG VIÊN