Những ngày qua, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã và đang nỗ lực chống lũ. Những thiệt hại trước mắt còn chưa thể khắc phục thì dự báo tình hình mưa lũ sắp tới còn khốc liệt hơn đã khiến nhiều người lo ngại….
Những ngày qua, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã và đang nỗ lực chống lũ. Những thiệt hại trước mắt còn chưa thể khắc phục thì dự báo tình hình mưa lũ sắp tới còn khốc liệt hơn đã khiến nhiều người lo ngại….
Cầu Vĩnh Thái (Cam Lâm, Khánh Hòa) bị đổ sập trong cơn lũ đã được khắc phục tạm thời. |
Trở lại Suối Tân (Cam Lâm) một ngày sau lũ. Trên những con đường, ngọn cây, nhà cửa vẫn còn đọng lại vết tích của đợt lũ kinh hoàng. Anh Huỳnh Đức Tài - Xã đội phó xã Suối Tân cảm thấy sức khỏe của mình đã sút sau nhiều ngày ngâm mình trong nước lũ. Anh Tài kể: “Lúc 3 giờ sáng 2-11, xã nhận được điện thoại của dân, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã, lực lượng Xã đội gồm 15 dân quân lập tức lên đường. Căn nhà của anh Nguyễn Văn Hải, thôn Cây Xoài ngập sâu trong lũ. Cả nhà có 3 khẩu đang nguy ngập. Tôi được lệnh tiếp cận ngôi nhà. Lúc này, dòng nước chảy khá mạnh. Nước lút đầu người. Thuyền không thể tiếp cận. Chúng tôi phải bơi vào, dùng dây thừng cố định vào các gốc xoài, sau đó đưa người ra. Bấy giờ, mình cũng chẳng nghĩ gì đến nguy hiểm rình rập bản thân…”. Bằng cách ấy, lực lượng Dân quân xã đã cứu hàng chục hộ dân thoát hiểm.
Đợt lũ này, Tỉnh lộ 3 cũng như nhiều tuyến giao thông trong huyện phải chịu đựng sức tàn phá nặng nề của nước lũ. Cầu tràn Vĩnh Thái (Cam Hiệp Nam) bị sập một nhịp khiến giao thông qua khu vực này bị tê liệt hoàn toàn. Anh Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam cho biết, trước tình hình lũ khốc liệt, xã đã cắt cử lực lượng Dân quân cấm biển báo và chốt chặn tại cầu. Vào lúc 13 giờ ngày 2-11, dưới sức nước dữ dội từ con suối đổ về, một phần cây cầu đã ngã sập, gây bế tắc hoàn toàn giao thông trên tuyến này. Đây là cơn lũ lớn trong hơn 15 năm trở lại đây. Được biết, cầu Vĩnh Thái đã xây dựng từ những năm 1990…
Lũ đã phá nhiều vị trí trên tuyến đường sắt Bắc Nam, có nơi phải xử lý đi xử lý lại nhiều lần. Anh Đỗ Viết Chương - Đội phó Đội Quản lý đường sắt Cam Ranh cho biết, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở mái ta luy và phần kè nền đường ở nhiều vị trí trên cung đường sắt khu vực Cam Lâm (Km1339+500 đến Km1339+580; Km1336+300 đến Km1336+600; Km1343+500 đến Km1343+700) làm sạt lở nặng, nước ngập hơn 10 đoạn. Ngành Đường sắt khẩn trương huy động lực lượng làm suốt ngày đêm để thông đường. Đến 0 giờ 22 ngày 1-11, tuyến đường sắt đã thông tàu.
Bà Nguyễn Thị Quế - Chủ tịch UBND xã Suối Tân (Cam Lâm) cho biết, trong đợt lũ vừa qua, xã đã trích ngân sách 2 triệu đồng mua mì tôm cứu trợ bà con vùng lũ thuộc thôn Cây Xoài với 102 hộ, 411 nhân khẩu.
Hiện nay, xã tiếp tục tổ chức cứu trợ cho 183 khẩu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn Đồng Cau. 8 hộ có nhà sập trên địa bàn cũng đưa vào diện cứu trợ khẩn cấp. Xã quyết tâm không để hộ nào bị đói do lũ lụt.
Được biết, Huyện đoàn Cam Lâm cũng hỗ trợ 400kg gạo; Hội Chữ thập đỏ huyện dự kiến hỗ trợ 5 nhà sập hoàn toàn, mỗi hộ 1 triệu đồng.
° Chưa hết nỗi lo
Tình hình mưa lũ trong những ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tuy chưa có thiệt hại về người, nhưng trận lũ cũng giúp rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong việc chủ động phòng, chống lũ, sơ tán dân. Công tác sơ tán, di dời dân được huyện quan tâm ngay từ những ngày đầu mưa lũ, đồng thời “cắm chốt” các lực lượng trên những tuyến xung yếu nên đã hạn chế thiệt hại đáng tiếc về người. Theo ông Nguyễn Hữu Hảo - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão huyện, thiệt hại lớn nhất của đợt lũ lụt vừa qua là những tổn thất về giao thông, thủy lợi, nông nghiệp và thủy sản; ước tính tổng thiệt hại hơn 47 tỷ đồng. Nhiều điểm trọng yếu cũng được các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng tại chỗ nhanh chóng cứu hộ. Xã Cam Thành Bắc có 7 hộ, 21 khẩu thuộc đường số 6, thôn Tân Sinh Tây, di dời khẩn cấp. Huyện sử dụng lực lượng của xã và Lữ đoàn 101 hỗ trợ di dời. Cả xã Cam Thành Bắc đều bị ngập, có nơi ngập sâu hơn 1m. Tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn xã này cũng bị ngập sâu. Những ngày đầu, Cảnh sát giao thông chỉ cho xe tải nặng đi qua, những ngày sau cấm hẳn khi đỉnh lũ dâng cao. Các tuyến đường Tỉnh lộ 3, cầu Vĩnh Thái bị sập mặt cầu gây ách tắc giao thông; cầu Suối Sâu (Cam Hiệp Bắc) bị nước lũ xói chân mố cầu đe dọa sạt lở nặng. Toàn bộ xã Cam Phước Tây bị ngập nặng, các thôn bị chia cắt tạm thời. Huyện phải dùng ca-nô vào cứu hộ… Hiện nay, Cam Lâm đang chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, thống kê thiệt hại ban đầu về công trình, nhà cửa, giao thông, thủy lợi để có định hướng hỗ trợ và khắc phục trong thời gian tới. Trước mắt các trường hợp nhà sập, trôi hoàn toàn sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa. Hiện nay, toàn huyện có 18 nhà sập hoàn toàn.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, hiện nay, vùng thấp đã phát triển thành áp thấp nhiệt đới. Trong những ngày tới (vào khoảng ngày 8-11), áp thấp sẽ gây mưa lớn nhiều nơi trong tỉnh; trong đó, dự báo lượng mưa tại Cam Lâm ở mức 200mm/ngày. Nguy cơ lũ trở lại Cam Lâm rất lớn.
Nhiều bà con trồng sắn nước ở huyện Cam Lâm phải thu hoạch sớm vì lý do lũ lụt làm thối củ. Anh Trương Ngọc Văn (Trung Hiệp 2, Cam Hiệp Bắc) cho biết, anh có 3 sào sắn nước nhưng kỳ này đã bị mất trắng do lụt lội, thiệt hại 12 triệu đồng.
Các ruộng sắn nước tuy chưa đến kỳ thu hoạch nhưng nhiều hộ buộc phải thu hoạch sớm vì lũ đến. Năng suất ruộng sắn nước rất kém, bình thường 1 sào cho thu nhập 2 - 3 triệu nhưng nay chỉ được từ 0,5 đến 1 triệu đồng. Củ sắn nước chỉ đạt từ 1 đến 2 lạng (lúc bình thường nặng từ 0,5 đến 1kg). Hiện nay, giá sắn nước rất rẻ, chỉ 2.000 đồng/kg (bình thường 3.000 đồng/kg).
HOÀI AN