03:11, 14/11/2010

Bếp ăn từ thiện ở “khu phố Tây”

Hàng chục người dân lao động xếp hàng nhận cơm từ bếp ăn từ thiện của một nhà hàng ở “khu phố Tây”, nơi tưởng như chỉ dành cho những khách hàng sang trọng. Đó là cảnh thường thấy vào mỗi trưa Thứ hai, tư, sáu tại nhà hàng Đèn Lồng (Lanterns), 72 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang từ đầu tháng 10-2010 đến nay.

Hàng chục người dân lao động xếp hàng nhận cơm từ bếp ăn từ thiện của một nhà hàng ở “khu phố Tây”, nơi tưởng như chỉ dành cho những khách hàng sang trọng. Đó là cảnh thường thấy vào mỗi trưa Thứ hai, tư, sáu tại nhà hàng Đèn Lồng (Lanterns), 72 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang từ đầu tháng 10-2010 đến nay.

Người lao động nhận cơm từ tay nhân viên nhà hàng.
Người lao động nhận cơm từ tay nhân viên nhà hàng.
Khu phố ở các đường Hùng Vương, Biệt Thự, Nguyễn Thiện Thuật và Trần Quang Khải (Nha Trang) từ lâu được mệnh danh là “khu phố Tây” bởi nơi đây tập trung rất nhiều quán bar, nhà hàng, khách sạn thu hút khách du lịch nước ngoài. Giữa một không gian như thế, việc xuất hiện một bếp ăn từ thiện quả là điều ngạc nhiên thú vị. Và càng thú vị hơn khi chủ quán lại là một người nước ngoài.

° Những tấm lòng thiện nguyện

Ông Robert Costabile, một người Úc, làm công việc tài chính và quản trị văn phòng cho một tổ chức nhân đạo mang tên Wesley Mission Victoria. Tổ chức này trợ giúp cho những người chịu nhiều thiệt thòi ở Melbourne, như trẻ mồ côi, người già, người vô gia cư, người khuyết tật…, khơi dậy niềm vui sống trong họ để họ có thể sống trọn vẹn và có ích cho cộng đồng. Trong một lần sang Việt Nam du lịch vào năm 2005, ông Robert gặp chị Hoàng Lam, lúc đó đang là nhân viên của Vinpearl Land và nhận thấy ở họ có chung niềm đam mê làm từ thiện. Chị Lam dẫn ông Robert đến các nhà tình thương và các chùa có nuôi trẻ mồ côi ở Nha Trang và Cam Ranh để thăm hỏi, giúp đỡ về mặt vật chất. Hàng tháng, họ lại ghé thăm, tổ chức nấu ăn và phát sách vở, vui chơi với các em nhỏ. “Mỗi lần gặp các em, cảm nhận được tình cảm quý mến các em dành cho mình, chúng tôi lại thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa”, chị Lam tâm sự. Đã có những lúc, ông Robert và chị Lam tính đến việc xây dựng một nhà tình thương mới để có thể giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn một cách trực tiếp hơn. Thế nhưng, những băn khoăn về thủ tục giấy tờ đã khiến họ chuyển sang hướng khác. Họ đã tính đến việc kinh doanh một cái gì đó để tạo ra nguồn kinh phí lớn hơn và ổn định để công việc từ thiện được tiến hành thường xuyên hơn.

° … và bếp ăn từ thiện

Sau nhiều nỗ lực của ông Robert và chị Hoàng Lam, tháng 4-2008, nhà hàng Đèn Lồng ra đời, với mục đích là lấy lợi nhuận phục vụ cho công tác từ thiện xã hội. Khi nhà hàng được thành lập, chị Hoàng Lam là quản lý thường xuyên vì ông Robert dành phần lớn thời gian ở Úc. Các hoạt động từ thiện như thăm các nhà tình thương, tổ chức nấu ăn cho các em nhỏ vẫn được duy trì. Nhà hàng còn nhận một số trẻ được nuôi dạy trong chùa về dạy nấu ăn, cho các em cơ hội học nghề để kiếm sống. Sau một thời gian hoạt động tốt, nhà hàng có ý tưởng tổ chức bếp ăn từ thiện cho người nghèo và đã thực hiện được điều đó vào đầu tháng 10-2010. Nhân viên của nhà hàng (đa số là sinh viên các trường trên địa bàn Nha Trang) đã tự nguyện chia nhau đi khắp các nẻo đường trong thành phố, tìm gặp những người thu mua ve chai, bán vé số, đạp xích lô để phát tờ rơi giới thiệu về bếp ăn từ thiện. “Những ngày đầu, số lượng người đến còn ít. Họ e ngại, thậm chí có người còn tưởng chỉ những ai có tờ rơi mới được nhà hàng “mời” đến ăn. Nhưng hơn 2 tuần sau, nhà hàng đã phát hết 100 suất cơm trong vòng 30 phút”, một nhân viên phục vụ ở nhà hàng cho biết. Khách tới ăn ở nhà hàng cũng tò mò khi thấy nhân viên của quán cần mẫn cho cơm vào hộp. Khi biết ở đây phát cơm từ thiện, nhiều khách nước ngoài lấy làm thú vị và ngỏ ý giúp quán xếp hộp cơm, phát cơm cho bà con.

Có mặt tại nhà hàng vào một buổi trưa Thứ tư, chúng tôi nhận thấy những người lao động đến nhận cơm rất đông. Ông Nguyễn Ngọc Khanh (78 tuổi, quê Phú Yên) cho biết: “Hồi đầu nghe mấy người bảo có quán phát cơm không lấy tiền nhưng tui không tin, ai đâu mà tốt vậy. Gần đây, đi ngang qua thấy mọi người nhận cơm nhiều nên tui mới vô thử, không ngờ được phát thiệt. Cơm ở đây rất sạch sẽ, ăn rất ngon…”. Hiện nay, nhà hàng phát cơm vào các trưa Thứ hai, tư, sáu hàng tuần, mỗi bữa khoảng hơn 120 suất cơm. Mỗi suất ăn có đầy đủ món mặn, món rau, trị giá khoảng 12 nghìn đồng/suất. Nhiều người lao động đến đây cho biết, việc được phát cơm miễn phí đã giúp họ ăn no hơn lại tiết kiệm được tiền. Nhân viên ở đây cũng quen mặt nhiều người đến nhận cơm. Nhiều lúc phát hiện chú này hay bác kia chưa đến, họ nhắc nhau để dành lại hoặc dặn nhà bếp chuẩn bị thêm vài suất cơm. Hôm đó, tôi thấy Tuấn Vũ (nhân viên phục vụ của quán) vừa phát cơm vừa thỉnh thoảng nhìn ra phía đầu đường như chờ ai. Hỏi ra mới biết, Tuấn Vũ đang chờ người bán vé số ngồi trên xe lăn tên là Tí. “Không biết đợt mưa lũ vừa qua, chú ấy có bị làm sao không. Sao giờ này vẫn chưa thấy đến? Mọi hôm chú ấy đến sớm lắm…”, Tuấn Vũ tâm sự với một người bạn cùng làm. Khi người đàn ông lái xe lăn đến, Tuấn Vũ nhanh chóng mang hộp cơm chạy ra trao tận tay rất ân cần. Tôi nhìn thấy ở Vũ một nụ cười cùng ánh mắt đầy chia sẻ.

Để thúc đẩy hoạt động từ thiện, trong thực đơn của nhà hàng Đèn Lồng, chị Lam đã cho in thêm thông tin về các trẻ mồ côi, mái ấm để khách nào có nhã ý thì có thể trực tiếp tới giúp hoặc thông qua nhà hàng. Nhiều Việt kiều và khách nước ngoài sau khi tới ăn ở quán, biết được mục đích từ thiện của quán, đã tỏ lòng muốn đóng góp vào bếp ăn. “Nhà hàng vẫn đang phát triển tốt, và tôi hy vọng bếp ăn từ thiện có thể phục vụ được nhiều suất cơm hơn vào tất cả các ngày trong tuần”, chị Lam tâm sự.

Tiếp xúc với ông Robert để tìm hiểu về bếp ăn từ thiện này, chúng tôi thấy ông cứ nhắc đi nhắc lại rằng: “Đừng viết quá nhiều về tôi. Hãy dành những từ ngữ tốt đẹp cho những người trực tiếp thực hiện bếp ăn từ thiện, chính những người Việt Nam ấy đang giúp đỡ đồng bào của họ, chứ không phải tôi. Họ thật đáng mến và tốt bụng”. 

HUY TOÀN