06:11, 24/11/2010

Bệnh viện “lãnh đủ”?

Tuy Nhà nước đã có quy định tất cả người nghèo, người dân tộc thiểu số đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số bệnh nhân...

Tuy Nhà nước đã có quy định tất cả người nghèo, người dân tộc thiểu số (DTTS) đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số bệnh nhân (BN) là người DTTS khi đến bệnh viện (BV) không xuất trình được thẻ BHYT. Dĩ nhiên, dù BN không có thẻ BHYT BV vẫn phải điều trị, nuôi ăn, thậm chí còn “cho” cả tiền xe để về, nhưng những chi phí này lại không được BHYT thanh toán chỉ vì lý do BN không có thẻ BHYT.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa cho biết, tháng nào BV cũng tiếp nhận điều trị hàng chục trường hợp BN là người DTTS do tuyến dưới chuyển đến hoặc tự đến. Trong số này có một số BN không mang theo thẻ BHYT hoặc không biết thẻ BHYT là gì. Những trường hợp này BV không thể không điều trị, cũng không thể thu viện phí vì BN không có khả năng thanh toán. “Trước đây, những trường hợp như thế này BV đều nhờ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Khánh Hòa tìm giúp mã thẻ BHYT của BN (vì đây là cơ quan phát hành thẻ) để có cơ sở thanh toán, nhưng mới đây, bằng văn bản số 739/BHXH-GĐYT, BHXH Khánh Hòa đã từ chối thanh toán cho những trường hợp này khiến BV lâm vào cảnh… ôm nợ”, bác sĩ Tiến nói. Và để bảo đảm quyền lợi cho BN người DTTS cũng như BV, mới đây, BVĐK tỉnh đã có tờ trình gửi HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế đề nghị can thiệp vấn đề này.

Bệnh nhân người dân tộc thiểu số được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuân, Phó Giám đốc BHXH Khánh Hòa cho biết, Luật BHYT và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHYT đã quy định: “Người tham gia BHYT khi đến khám chữa bệnh (KCB) phải xuất trình thẻ BHYT có dán ảnh hoặc một loại giấy tờ có ảnh hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền cấp để được hưởng các chi phí KCB BHYT trong quy định”. Vì thế, nếu người có thẻ BHYT không thực hiện đúng các quy định trên, BHXH Khánh Hòa không thể thanh toán chi phí KCB. Cũng theo ông Tuân, trước đây những trường hợp BN người DTTS không có thẻ BHYT, BHXH Khánh Hòa đều tìm giúp mã thẻ của BN để BV có cơ sở thanh toán. “Nhưng lần này (quý III/2010) có 3 trường hợp BV đã cung cấp tên, địa chỉ nhưng chúng tôi không tìm thấy mã thẻ nên không thể ra được “bảng thanh toán ra viện BN BHYT”, do đó BHXH không thể thanh toán vì chúng tôi không có căn cứ nào để… thanh toán”, ông Tuân nói.

Chúng tôi đã xem danh sách 5 BN không có thẻ BHYT nhưng vẫn được BVĐK tỉnh điều trị trong quý III/2010. Đó là các BN: Cao Thị Tranh, 9 tuổi ở Bố Lang, Sơn Thái, Khánh Vĩnh; Cao Văn Nịnh, 1 tuổi ở Va Ly, Suối Tân, Cam Lâm; Cờ Nay Y Xuân, 26 tuổi ở Hòn Lay, Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh; Cao Xu Măng, 78 tuổi ở Cà Thêu, Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh; Thị Giêng, 56 tuổi ở Thịnh Sơn, Cam Thịnh Tây, Cam Ranh. Theo ông Nguyễn Tuân, trong số 5 BN trên, BHXH chỉ tìm được mã thẻ của 2 BN là Thị Giêng và Cờ Nay Y Xuân; 3 BN còn lại đã tìm nhưng không thấy. “Những trường hợp không tìm thấy mã thẻ có thể do những nguyên nhân sau: quá trình cấp phát thẻ đã bỏ sót; BN có 2 tên, 1 tên gọi ở nhà và 1 tên trên giấy tờ, khi đến BV BN khai tên gọi ở nhà và tên này không trùng khớp với tên trên thẻ, vì thế chúng tôi không tìm được mã số thẻ”, ông Tuân nói. Ông Tuân cũng cho biết: “Chúng tôi rất thông cảm với BV và muốn thanh toán nhanh cho BV, nhưng phải có cơ sở là tờ phơi “bảng thanh toán ra viện BN BHYT”, nếu không có tờ phơi này thì sẽ là thanh toán khống”.

Theo ông Nguyễn Tuân, để tránh tình trạng này, BVĐK tỉnh nên liên hệ chặt chẽ với các BV tuyến dưới để khi chuyển BN lên tuyến trên, BV tuyến dưới có trách nhiệm ghi mã số thẻ BHYT của BN vào hồ sơ chuyển viện, bởi đa số BN do BV tuyến dưới chuyển đến BVĐK tỉnh. Trường hợp BV tuyến dưới không cung cấp được mã số thẻ BHYT của BN, BVĐK tỉnh nên yêu cầu BHXH và chính quyền địa phương tìm giúp. “Quan điểm của chúng tôi là phải làm đúng luật. Vấn đề này BVĐK tỉnh nên có ý kiến đề xuất với tỉnh. Nếu tỉnh yêu cầu BHXH thanh toán thì chúng tôi sẵn sàng thanh toán”, ông Tuân nói.

Về phía BVĐK tỉnh, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, nhiệm vụ chính của BV là chăm sóc, điều trị cho BN. Trong điều kiện BV thường xuyên quá tải (công suất sử dụng giường thường xuyên ở mức 130 - 140%), BV không thể vừa chăm sóc BN lại vừa lo truy tìm thẻ BHYT của BN người DTTS. Chính vì vậy, BV rất mong các cấp, các ban ngành quan tâm, tạo điều kiện (đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi về việc tham gia BHYT; không bỏ sót đối tượng khi cấp phát thẻ) để BV có thể tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn là chăm sóc, điều trị BN một cách tốt nhất.

Được biết, sau khi nhận được tờ trình của BVĐK tỉnh về việc thanh toán chế độ BHYT cho BN người DTTS, mới đây, đồng chí Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để nghiên cứu và đề xuất việc thanh toán chế độ BHYT đối với BN người DTTS trên địa bàn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS được chăm sóc, khám và điều trị bệnh, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-11-2010.

Như vậy, trong khi chờ quyết định của UBND tỉnh, trước mắt, BVĐK tỉnh vẫn phải gánh chịu mọi chi phí KCB đối với số BN người DTTS không có thẻ BHYT. Được biết, từ đầu năm đến hết tháng 10-2010, BV đã điều trị cho 37 BN người DTTS không có thẻ BHYT với tổng chi phí hơn 130 triệu đồng.

NGỌC KHÁNH