Ra đa thời tiết là thiết bị khí tượng thủy văn hiện đại hỗ trợ đắc lực cho công tác dự báo thời tiết nói chung và thời tiết nguy hiểm nói riêng. Những năm gần đây, Trạm ra đa thời tiết Nha Trang (trực thuộc Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ) đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa kịp thời đưa ra những quyết định chính xác, cảnh báo sớm bão, lũ trên địa bàn, góp phần giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão.
Ra đa thời tiết (RĐTT) là thiết bị khí tượng thủy văn (KTTV) hiện đại hỗ trợ đắc lực cho công tác dự báo thời tiết nói chung và thời tiết nguy hiểm nói riêng. Những năm gần đây, Trạm RĐTT Nha Trang (trực thuộc Đài KTTV Nam Trung bộ) đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ban chỉ huy (BCH) Phòng, chống lụt bão (PCLB) tỉnh Khánh Hòa kịp thời đưa ra những quyết định chính xác, cảnh báo sớm bão, lũ trên địa bàn, góp phần giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão.
Trạm Ra đa thời tiết Nha Trang góp phần quan trọng trong dự báo, cảnh báo thời tiết. |
Vài năm trở lại đây, việc cảnh báo bão, lũ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cho thấy tính chính xác ngày càng cao của thông tin dự báo. Một trong những yếu tố làm nên thành công của công tác dự báo đó là có sự đóng góp của RĐTT. Còn nhớ, mùa mưa bão năm 2008, cơn bão số 10 (tên quốc tế là Noul) có hướng đổ bộ vào địa bàn tỉnh. Nhờ “mắt thần” của RĐTT xác định bão sẽ di chuyển lệch về phía Nam, khả năng đổ bộ vào Cam Ranh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Lâm Phi đã kịp thời chỉ đạo thị xã Cam Ranh tập trung lực lượng đối phó với bão, nhờ vậy đã giảm thiểu được thiệt hại. Năm sau, bão số 11 (Marina) dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực Bình Định - Khánh Hòa. Trong lúc Ban chỉ đạo PCLB Trung ương nhận định bão đã đi qua khu vực Bình Định - Phú Yên, nhưng với sự hỗ trợ đắc lực của RĐTT, BCH PCLB tỉnh xác định bão vẫn chưa đi qua. Quả đúng như vậy, sau đó, bão đã đổ bộ lên khu vực Bắc Khánh Hòa - Nam Phú Yên. Vạn Ninh là địa phương của tỉnh hứng chịu cơn bão. Nhờ chỉ đạo kịp thời nên huyện Vạn Ninh đã chủ động ứng phó, giảm nhẹ được thiệt hại.
Được đầu tư với kinh phí hơn 20 tỷ đồng, Trạm RĐTT Nha Trang là một trong những trạm RĐTT hiện đại nhất của ngành KTTV hiện nay. Tuy nhiên, một thời gian dài, RĐTT này chưa phát huy tác dụng do bị can nhiễu sóng và bị hạn chế phạm vi hoạt động. Dù được đặt trên độ cao 52m so với mặt đất, RĐTT Nha Trang vẫn bị các vật cản núi non, nhà cao tầng trong thành phố che chắn, ảnh hưởng đến độ chính xác của các thông số dự báo. Do phải truyền phát sóng để theo dõi thời tiết, RĐTT Nha Trang đã gây ra hiện tượng nhiễu sóng cho nhiều đơn vị khai thác sóng điện từ, đặc biệt là các mạng thông tin di động nên Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực (KSTSKV) VII có ý kiến hạn chế thời gian và liều lượng phát sóng. Gần đây, nhờ những tiến bộ về truyền dẫn sóng, Trung tâm KSTSKV VII cho phép RĐTT Nha Trang hoạt động 8 obs/ngày nên khả năng và phạm vi hoạt động được nâng lên. Cũng vì thế, công năng của RĐTT đã được phát huy.
RĐTT của Đài KTTV Nam Trung bộ là loại ra đa do Mỹ sản xuất năm 1997. Ngoài những đặc điểm kỹ thuật như các loại ra đa khác, RĐTT này còn có một số tính năng ưu việt so với các RĐTT hiện có tại Việt Nam. RĐTT Nha Trang có thể xác định được hướng di chuyển của bão; quan sát thời tiết khu vực; thu thập và xử lý tín hiệu phản hồi mây, mưa và gió; cung cấp dữ liệu để khai thác và phục vụ dự báo, cảnh báo thời tiết trong khu vực. Theo anh Trần Văn Hưng - Phó Trưởng phòng Dự báo Đài KTTV Nam Trung bộ, RĐTT Nha Trang có thể cảnh báo hiện tượng giông sét; xác định tâm bão di chuyển; đo lượng mưa để cảnh báo trên các bản tin về lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan… Thời gian qua, hệ thống RĐTT đã giúp tỉnh dự báo thời tiết phục vụ công tác tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh như: Festival biển; cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt; TP. Nha Trang nâng cấp lên đô thị loại I…
RĐTT Nha Trang có 3 thành phần chính là: hệ thống ăng-ten, phòng thu phát và trạm điều hành tác nghiệp. Hệ thống ăng-ten được bảo vệ trong vòm cầu, ống dẫn sóng và hệ thống cáp truyền tín hiệu, tất cả được đặt trên giàn thép cao 24m. Đây là nơi phát các tín hiệu đi và nhận các tín hiệu phản hồi. Phòng thu phát gồm một số thiết bị như: tủ xử lý chuyển đổi tín hiệu điều khiển, khuếch đại truyền động; tủ thu phát… Trạm tác nghiệp điều hành có: thiết bị điều khiển hệ thống điều hành; thiết bị lưu trữ, phục chế số liệu băng từ; hệ thống máy tính… Tất cả các hệ thống điều khiển thông minh đều được lập trình bởi phần mềm EDGETM (Enterprise Doppler Graphic Environment). Điều hành Trạm RĐTT là các kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên ngành Khí tượng và vô tuyến điện.
Theo kế hoạch năm 2010, việc sử dụng RĐTT cho phép phát triển công tác dự báo cực ngắn (dưới 12 giờ), phát hiện thời tiết cực đoan, giúp cơ quan chức năng có thể kịp thời cảnh báo thiên tai hay thời tiết nguy hiểm. Trong thời gian tới, ngành KTTV sẽ trang bị một số thiết bị hiện đại, đồng bộ làm cơ sở cho việc dự báo chính xác các bản tin thời tiết. Theo đó sẽ lắp đặt Trạm vô tuyến thám không ở thị xã Cam Ranh, có thể đưa ra cấu trúc khí quyển theo chiều cao để xác định hướng gió, nhiệt độ, độ ẩm…; trang bị máy đo gió, máy đo mưa tự động truyền số liệu về máy tính để xác định các thông số thời tiết.