08:10, 19/10/2010

Từng bước nâng cao ý thức của người dân

Với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh - thiếu nhi và cộng đồng”, qua 1 tháng triển khai thực hiện Tháng an toàn giao thông, công tác tuyên truyền đã được các cấp, ngành triển khai mạnh mẽ với nhiều nội dung, hình thức phong phú,...

Với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh - thiếu nhi và cộng đồng”, qua 1 tháng triển khai thực hiện Tháng an toàn giao thông (ATGT), công tác tuyên truyền đã được các cấp, ngành triển khai mạnh mẽ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, tuyên truyền sâu rộng đến nhiều đối tượng nên đã đạt kết quả khả quan, người dân từng bước nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên khắp địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh Khánh Hòa cho thấy, tình hình tai nạn giao thông (TNGT), vi phạm trật tự ATGT chưa giảm như mong muốn; tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông, Tháng ATGT năm nay đã thực sự tạo được điểm nhấn. “Văn hóa giao thông” là cụm từ không còn xa lạ với người dân, nhất là thanh - thiếu niên, học sinh, sinh viên; công tác giáo dục nâng cao ý thức công dân thực hiện tốt pháp luật và những quy định khi tham gia giao thông được chú trọng; người dân có cách ứng xử, hành động văn minh khi tham gia giao thông; đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản… cho mình và mọi người.

  Người dân ngày càng có ý thức hơn khi tham gia giao thông.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong Tháng ATGT, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn làm mới 160 băng rôn với khẩu hiệu tuyên truyền (chủ yếu hướng tới “Văn hóa giao thông”) được treo trên các trục đường chính của các xã, phường, thị trấn, tại các khu đông dân cư, bến tàu xe; huy động 120 ô tô, 860 xe mô tô tham gia công tác tuyên truyền; phát 10.500 tờ rơi và thư bướm tuyên truyền về Tháng ATGT. Hàng tuần, Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có tin, bài phản ánh về tình hình thực hiện Tháng ATGT trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho 19.000 giáo viên, sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn TP. Nha Trang, Ninh Hòa… Riêng ngành Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT đường bộ toàn tỉnh bố trí 1.609 ca tuần tra kiểm soát với 7.140 lượt cán bộ, chiến sĩ tăng cường; đồng thời huy động các lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113, Công an các xã, phường, thị trấn cùng phối hợp với lực lượng CSGT đường bộ, các lực lượng chức năng trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng vi phạm trật tự ATGT và TNGT.

Tuy nhiên, trong Tháng ATGT, tình hình TNGT, vi phạm trật tự ATGT vẫn diễn biến khá phức tạp. Cụ thể, trong tháng đã xảy ra 19 vụ TNGT, làm 21 người chết. Trong đó, TNGT đường bộ 16 vụ, làm 17 người chết; TNGT đường sắt 3 vụ, làm 4 người chết; tăng 3 vụ, 3 người chết so với tháng 8 và tăng 9 vụ, 9 người chết, 1 người bị thương so với tháng 9-2009. Nguyên nhân của các vụ TNGT đường bộ chủ yếu do vi phạm tốc độ, tránh vượt sai quy định, thiếu quan sát, vi phạm phần đường, chuyển hướng đột ngột…; các vụ TNGT đường sắt chủ yếu do phương tiện giao thông đường bộ băng qua đường sắt, người ngồi trên đường sắt.

Trong Tháng ATGT, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và lập biên bản 9.887 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; trong đó xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: chạy quá tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; dừng đỗ không đúng quy định; vi phạm quy định về tránh vượt, thiết bị an toàn kỹ thuật, về gắn biển số, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định; không chấp hành đèn tín hiệu giao thông…

Trong lĩnh vực vận tải, Sở Giao thông vận tải đã quan tâm, chỉ đạo tổ công tác liên ngành lập lại trật tự hoạt động vận tải ô tô khách; đồng thời triển khai các quy định về quản lý vận tải hành khách theo Luật Giao thông đường bộ. Qua đó, các đơn vị vận tải xe buýt đã phần nào thực hiện tốt các ứng xử “Văn hóa giao thông” như: Lên cửa trước, xuống cửa sau không chen lấn; giúp đỡ, nhường chỗ ngồi cho phụ nữ có thai, người già, trẻ em, người tàn tật… Các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách, taxi, xe buýt tổ chức quán triệt, nhắc nhở lái xe, phụ xe các nội dung về “Văn hóa giao thông” như: Đi đúng phần đường, dừng đỗ xe đúng nơi quy định, tuân thủ quy định về tốc độ, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, không vào đường cấm, đường một chiều… Ngành Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các trường tiểu học, mẫu giáo phải triển khai ngay việc yêu cầu học sinh khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Các trường có biện pháp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để duy trì việc thực hiện trong suốt năm học và hình thành thói quen trong học sinh, sinh viên…

Có thể nói, tuy tình hình TNGT, vi phạm trật tự ATGT trong tháng 9 vẫn còn diễn biến khá phức tạp, nhưng hiệu quả tích cực trong việc từng bước thay đổi nhận thức của người dân là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu TNGT, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho mọi người dân, đưa văn hóa giao thông đi vào cuộc sống. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường và những điểm nóng về TNGT.

CẨM VÂN