06:10, 19/10/2010

Siêu bão Megi tăng cấp khi vào biển Đông

Vào biển Đông đêm 18-10, bão Megi đã mạnh lên thành cấp 15, tăng một cấp. Khu vực Hoàng Sa, nơi bão quét qua, đang có nhiều tàu Việt Nam đánh cá. Tại cuộc họp khẩn chiều 18-10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Khánh Hòa phải sẵn sàng đối phó với khả năng bão đổ bộ, cường độ cấp 16.

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão của đài Việt Nam.
Vào biển Đông đêm 18-10, bão Megi đã mạnh lên thành cấp 15, tăng một cấp. Khu vực Hoàng Sa, nơi bão quét qua, đang có nhiều tàu Việt Nam đánh cá.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, 7h sáng 19-10, tâm bão ở phía đông biển Đông, cường độ mạnh cấp 14-15, tức khoảng 150-183 km mỗi giờ.

Dự báo ngày và đêm nay, Megi theo hướng tây, tốc độ 10-15 km mỗi giờ. Đến 7h ngày 20-10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía đông, cường độ đạt cấp 14-15. Sau đó, bão chếch lên bắc theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, tốc độ 10 km mỗi giờ, mạnh cấp 15.

Vì là siêu bão nên vùng ảnh hưởng của Megi rất rộng. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.

Hiện vị trí và thời gian bão đổ bộ, đài Việt Nam vẫn chưa dự báo. Các đài quốc tế như Hải quân Mỹ, TSR của ĐH London hay đài Nhật Bản đều cho rằng bão sẽ đi vào khoảng giữa đảo Lôi Châu và Hong Kong của Trung Quốc. Thời gian đổ bộ được đài Hải quân Mỹ dự báo đêm 22-10.

Trên đường di chuyển, bão gây gió mạnh cấp 11-12 cho khu vực phía đông biển Đông, vùng gần tâm bão đi qua gió sẽ mạnh cấp 14-15, sóng biển cao 12-14 m, biển động dữ dội. Từ đêm 19-10, vùng biển quần đảo Hoàng Sa gió sẽ mạnh dần từ cấp 8 đến 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13.

Trong khi đó, theo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, ở khu vực Hoàng Sa hiện có 12 tàu với 174 ngư dân ở Quảng Ngãi, trong đó có 3 tàu đang trên đường trở về đảo Lý Sơn. Ngoài ra, ở khu vực quần đảo Trương Sa còn hơn 350 tàu với gần 4.000 ngư dân dang hoạt động.

Tại cuộc họp khẩn chiều 18-10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Khánh Hòa phải sẵn sàng đối phó với khả năng bão đổ bộ, cường độ cấp 16.

Trong công điện ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang đánh bắt xa bờ về nơi trú tránh bão an toàn, đặc biệt là các tàu đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và tàu khu vực Bắc, giữa biển Đông.

Các địa phương cần có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ bị chia cắt khi bão lũ; có kế hoạch chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cho học sinh nghỉ học trước khi bão đổ bộ...

Là cơn bão mạnh nhất 20 năm qua ở Thái Bình Dương, khi đổ bộ vào Philippines ngày 18-10 với cấp 14, bão Megi đã làm ít nhất 10 người chết, hơn 3.000 dân đã phải đi sơ tán.

Tại Việt Nam, cơn bão mạnh nhất đổ bộ trong 10 năm qua là Xangsane năm 2006. Với cấp 13, bão đã làm hơn 60 người chết, hơn 200.000 căn nhà bị sập và tốc mái, gần 800 tàu chìm, hư hại. Tổng thiệt hại ước tính ít nhất là 10.000 tỷ đồng. Riêng thiệt hại của Đà Nẵng đã lên tới 5.300 tỷ đồng. Theo tính toán của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng khi đó, bão đã kéo lùi tốc độ phát triển của thành phố tới 10 năm.

Theo VN Express