Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ ra đời nhằm kịp thời điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn, vị trí của từng loại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ cho phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay...
Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải (VT) đường bộ ra đời nhằm kịp thời điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn, vị trí của từng loại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ cho phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) kinh doanh VT. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện theo quy định mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất và việc thu hút các DN, HTX kinh doanh lĩnh vực này.
Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện theo quy định mới gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất và khó thu hút các DN, HTX vào kinh doanh lĩnh vực này. Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có bến xe hàng nào chính thức được đầu tư theo quy chuẩn. Các bến xe hàng mới dừng ở bước định hướng, còn quy hoạch vẫn chưa thực hiện được vì chưa có quỹ đất. Hiện tại, trên địa bàn chỉ có một số bãi xe tạm thời do các DN VT tự hình thành để phục vụ cho nhu cầu đậu, đỗ xe của DN mình. Không riêng gì bến xe hàng, ngay cả bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh cũng đều là bãi đỗ xe tạm, do các tổ chức, cá nhân tạm sử dụng phần đất trống để làm.
Ông Đào Thanh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách VT Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho biết: “VT hành khách bằng ô tô yêu cầu cao ở tính chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho hành khách. Vì vậy, DN phải có nơi đỗ xe an toàn, thuận tiện; tuy nhiên, đây lại là vấn đề khó khăn, nan giải đối với các DN VT khách hiện nay. Đối với Mai Linh cần có tối thiểu 3.000 - 5.000m2 đất để bố trí bãi đỗ, xưởng sửa chữa. Chúng tôi đã rất nhiều lần đề xuất, làm việc với cơ quan chức năng đề nghị bố trí quỹ đất cho DN thuê với giá thành phù hợp, song đến nay vẫn chưa có kết quả. Hiện nay, các khu đất làm bãi đỗ của Mai Linh đều đi thuê lại với giá thành khá cao”.
Theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, việc quy hoạch quỹ đất cho các bãi đỗ xe hiện mới mang tính định hướng đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020, chứ chưa có quy hoạch chi tiết, cụ thể. Vì vậy, việc thực hiện quy hoạch để xây dựng các bãi đỗ xe bảo đảm theo quy định mới sẽ rất khó khăn, vì thiếu quỹ đất phù hợp để quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Trong khi đó, hiện nay, nhu cầu của các DN, HTX, cá nhân trên địa bàn tỉnh về bến, bãi đỗ xe hết sức cần thiết và cấp bách, nhất là đối với TP. Nha Trang”.
Việc kinh doanh bến xe hàng, bãi đỗ xe và trạm dừng nghỉ dọc đường, tuy Thông tư đã quy định nhưng hiện trên địa bàn toàn tỉnh chưa có DN, HTX nào đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ này. Các bến xe hàng, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ dọc đường hiện nay chỉ là tạm thời. Thực tế hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 4 bến xe gồm: Bến xe phía Nam, phía Bắc TP. Nha Trang; Bến xe Ninh Hòa và Bến xe Cam Ranh (nhưng các bến xe này vẫn chưa đạt chuẩn theo quy định mới). Riêng Bến xe Diên Khánh, tuy có quy hoạch và đã lập dự án đầu tư nhưng chưa giải quyết xong việc đền bù giải tỏa nên chưa thực hiện được; còn Bến xe Khánh Sơn đã được huyện đầu tư nhưng không có xe hoạt động. Tại huyện Vạn Ninh, vì chưa có bến xe nên các xe hoạt động tuyến cố định đang sử dụng bến xe tạm (vị trí ở bến xe cũ).
Ông Dần cho biết: “Nhằm thực hiện tốt quy định của Nhà nước, thu hút các DN, HTX vào khai thác lĩnh vực này, tỉnh cần ưu tiên quỹ đất để quy hoạch và thực hiện quy hoạch, kịp thời, phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, vị trí của từng loại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời có chính sách, cơ chế ưu đãi phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư khai thác các bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ một cách hiệu quả”.
CẨM VÂN