02:10, 12/10/2010

Niềm vui làm nghề biển... ở nhà

Trước đây, phụ nữ sinh sống trên các đảo ở vịnh Nha Trang thuộc phường Vĩnh Nguyên do không có việc làm nên không có thu nhập, cuộc sống bấp bênh, khó khăn. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ vốn của Dự án phát triển sinh kế nghề mành ốc do Đan Mạch tài trợ, chị em đã có việc làm ổn định và bền vững.

Trước đây, phụ nữ sinh sống trên các đảo ở vịnh Nha Trang thuộc phường Vĩnh Nguyên do không có việc làm nên không có thu nhập, cuộc sống bấp bênh, khó khăn. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ vốn của Dự án phát triển sinh kế nghề mành ốc do Đan Mạch tài trợ, chị em đã có việc làm ổn định và bền vững.

. Làm nghề biển… trên bờ

Dự án phát triển sinh kế nghề mành ốc đi vào hoạt động từ tháng 7-2008 với kinh phí 350 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí dự án do Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang quản lý làm nguồn vốn tín dụng. Hiện nay, 100 hộ thuộc 5 đảo Bích Đầm, Vũng Ngán, Hòn Một, Trí Nguyên, Đầm Bấy đã được Hội Phụ nữ phường tạo điều kiện cho vay vốn với số tiền 200 triệu đồng (2 triệu đồng/hộ) để làm vốn ban đầu mua nguyên liệu đan mành ốc. Dự án phát triển sinh kế mành ốc là 1 trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang thuộc Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển (viết tắt là LMPA). Đây là một trong 5 hợp phần thuộc Chương trình hợp tác phát triển giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Đan Mạch về lĩnh vực môi trường (gọi tắt là DCE). Hợp phần này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Mục tiêu chính của hợp phần là bảo vệ và bảo tồn các sinh cảnh có giá trị và đa dạng sinh học gắn liền với sinh cảnh ở các vùng nước biển và ven biển mà không làm hại đến nhu cầu sinh kế của người nghèo và các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Các chị ở Tổ sinh kế chuẩn bị vật liệu đưa ra các đảo cho các hội viên làm mành ốc.

Cách đây khoảng 3 năm, đa số phụ nữ sinh sống trên 5 đảo và ven vịnh Nha Trang thuộc phường Vĩnh Nguyên không có việc làm. Một số ngành nghề từng được triển khai tại đây như làm song mây, nuôi bào ngư, nuôi sụn, tôm hùm… đều không có hiệu quả và bền vững lâu dài. Kinh tế gia đình của họ phụ thuộc nhiều vào người chồng, thu nhập bấp bênh, khiến cuộc sống khó khăn và thiếu thốn. Thế nhưng, từ khi dự án phát triển nghề mành ốc đi vào hoạt động, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ ban đầu để mua nguyên liệu đầu vào nên đa số các chị đều có cơ hội tham gia làm nghề. Hàng tháng, ngoài công việc nội trợ, chăm sóc gia đình con cái, còn thời gian rảnh đan mành ốc, mỗi chị kiếm được thêm trung bình từ 800 đến 1 triệu đồng. Chị Trần Thị Bích Nguyệt ở đảo Bích Đầm vui vẻ cho biết: “Từ khi có nghề làm mành ốc, dự án thu mua với giá ổn định, gia đình chúng tôi ổn định hơn, có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống. Chị em ai cũng vui vì đã có việc làm ổn định hơn 2 năm nay”.

Bà Trần Thị Huy Tự, Tổ trưởng Tổ sinh kế mành ốc - Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, người trực tiếp quản lý việc cung cấp nguyên liệu và thu mua mành ốc cho chị em, cho biết: Dự án trích 200 triệu đồng cho các hội viên thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, không có việc làm vay mỗi hộ 2 triệu đồng để làm nguồn vốn ban đầu, còn lại 150 triệu đồng làm nguồn vốn thu mua sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm chị em làm ra bán rất chạy, nhiều khi làm không kịp để bán cho các đối tác nước ngoài như Thái Lan, Nga, Mỹ… vì nhu cầu tiêu thụ cao. Chính vì có đầu ra ổn định nên chị em hội viên rất phấn khởi, thi nhau theo nghề.

. Không chỉ là nghề mưu sinh

Nghề làm mành ốc có lợi thế là có thể tranh thủ làm trong lúc rảnh, tại nhà; nguyên liệu do dự án cung cấp với giá đầu vào thấp nên hầu hết chị em đều có hứng thú theo nghề. Kể cả những chị không thuộc diện dự án hỗ trợ vốn cũng được Tổ sinh kế mành ốc tạo điều kiện cho mượn nguyên liệu đầu vào ban đầu nên các chị tham gia rất nhiệt tình. Tính đến nay, tổng số hộ tham gia làm mành ốc sống trên 5 đảo và xung quanh vịnh Nha Trang lên đến hơn 200 hộ.

Ốc ruốc phát triển khá nhiều ở các vùng biển Sông Cầu - Phú Yên, Vạn Ninh - Khánh Hòa và vùng biển Vũng Tàu. Loại ốc này có 3 màu tự nhiên là đen, nâu và đỏ. Từ vỏ ốc, bà con tạo thành tấm mành ốc, có hoa văn, dùng trang trí trong nhà. Làm mành ốc là 1 công việc tỉ mỉ nhưng đơn giản, dễ làm. Ốc được lựa theo từng loại, đục lỗ, rồi xỏ vào dây cước theo mẫu định sẵn. Tấm mành ốc cũng được pha màu, phối cảnh, tạo nên những bức tranh như hoa, con người, cây lá, động vật biển… Vì thế, nghề làm mành ốc thu hút khá đông lao động nông nhàn ở các đảo. Trong làng ở các đảo lúc nào cũng nghe tiếng tí tách do sự va chạm của vỏ ốc, ở đâu cũng bắt gặp cảnh người đục ốc, người xỏ ốc. Chị Võ Thị Xuân Hạ ở đảo Trí Nguyên cho biết: “Để làm được một tấm mành phải mất hơn 1 ngày và thu về khoảng 50.000 - 60.000 đồng. Ở đảo, gia đình nào cũng tranh thủ làm gia công cho Tổ sinh kế mành ốc. Nghề này nhẹ nhàng, từ trẻ em đến người già đều làm được”.

Không chỉ là nghề để chị em mưu sinh, làm mành ốc còn góp phần vào việc bảo tồn vịnh biển Nha Trang. Vì theo các chuyên gia môi trường khảo sát vào năm 2000, vịnh Nha Trang rất đa dạng về sinh học nhưng nguồn tài nguyên này đang bị đe dọa bởi các hoạt động khai thác thủy sản gần bờ. Trước đây, do không có việc làm, trong khi chờ cánh đàn ông đi biển, bà con kiếm sống qua ngày bằng đánh bắt gần bờ, từ cá to, cá nhỏ đến ốc, mực… Những ngày không đi biển, cả làng câu mực, đánh lưới khiến hệ sinh thái ở đây bị đe dọa nghiêm trọng. Vì thế, Dự án đầu tư cho nghề làm mành ốc ở phường Vĩnh Nguyên nhằm hình thành tập quán sinh sống mới cho người dân trên đảo, nhất là phụ nữ, nhằm giảm tác động đến hệ sinh thái nơi đây.

Có thể nói, nhờ làm nghề làm mành ốc, phụ nữ sinh sống ở vùng biển phường Vĩnh Nguyên đã bớt phụ thuộc kinh tế vào chồng. Chị em có công việc ổn định và từng bước khẳng định vị trí của mình trong gia đình.

MINH THIẾT