Trượt đốt sống (spondylolisthesis) - là bệnh lý thường gặp do một đốt sống hay cột sống bị di lệch trượt ra trước so với đốt sống bên dưới. Bệnh trượt đốt sống làm cho chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm, nhiều người còn mất khả năng lao động.
Trượt đốt sống (spondylolisthesis) - TĐS - là bệnh lý thường gặp do một đốt sống hay cột sống bị di lệch trượt ra trước so với đốt sống bên dưới. Bệnh TĐS làm cho chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm, nhiều người còn mất khả năng lao động. Những trường hợp TĐS chèn ép thần kinh nặng, nếu không được điều trị, bệnh nhân (BN) có thể không đi được, bị liệt và tàn phế… Hiện nay, với phương pháp phẫu thuật giải ép, hàn liên thân đốt lối sau và cố định ốc chân cung mà Khoa Ngoại Cột sống (NCS) Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đang áp dụng trở thành niềm hy vọng cho nhiều BN mắc căn bệnh này.
Thạc sĩ, bác sĩ (BS) Trần Hoàng Mạnh - Trưởng Khoa NCS cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh TĐS, nhưng thường tập trung vào các nguyên nhân như: Loạn sản khớp giữa đốt sống thắt lưng 5 và đốt sống cùng 1, đốt sống bị khuyết eo hoặc do chấn thương, thoái hóa, bệnh lý, biến chứng sau mổ cột sống… Triệu chứng lâm sàng của căn bệnh này là đau thắt lưng; nếu chèn ép thần kinh thì có thể đau, tê lan xuống chân; đi cách hồi, BN chỉ đi được đoạn đường ngắn nhưng đau phải đứng lại; biểu hiện nặng hơn là BN đi không được, liệt vận động chân, teo cơ… Cuộc sống của người mắc căn bệnh này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, gặp nhiều khó khăn trong lao động và sinh hoạt.
Các bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật mổ trượt đốt sống theo phương pháp giải ép, hàn liên thân đốt lối sau và cố định chân cung. |
Bà Nguyễn Thị Phương Thúy - 60 tuổi (Nha Trang) cho biết: “Tôi mắc căn bệnh này từ năm 2005. Lúc đầu, biểu hiện của bệnh là đau âm ỷ 2 bên hông; sau đó, những đợt đau tăng dần, kéo dài, lan xuống hai chân. Uống thuốc giảm đau đỡ hơn một ít, nhưng hết thuốc liền bị đau lại. Mắc căn bệnh này, việc đi đứng rất khó khăn; đi được vài mét, chân đã tê đau nên tôi phải ngồi xuống nghỉ, cố một chút là chân cứ như nhũn ra, có khi muốn té nhào, còn lưng cứ bị còng xuống. Kéo dài được 5 năm, bệnh tình ngày càng nặng nên tôi quyết định mổ. Khi biết ý định của tôi, gia đình ai cũng can ngăn vì sợ mổ không thành công sẽ dẫn đến bị liệt, nằm một chỗ. Tháng 6-2009, được các BS ở Khoa NCS tư vấn, tôi quyết định mổ theo phương pháp mới. Sau 1 năm được phẫu thuật, tôi đi đứng bình thường”. Cũng như bà Thúy, chị Nguyễn Thị Kim Yến (Nha Trang) mắc căn bệnh này hơn 1 năm. Chị cho biết, khi mắc bệnh, chân, hông, lưng của chị bị đau tức không chịu được. Chị bước đi một chút là chân bị tê cứng lại. “Khi phát bệnh, tôi có vào TP. Hồ Chí Minh để khám và chữa bệnh. BS chẩn đoán, tôi bị hẹp cột sống và TĐS thắt lưng 4 và 5 nên cho thuốc uống. Về nhà, tôi uống thuốc và cố gắng tập thể dục theo chỉ dẫn của BS nhưng bệnh không giảm mà ngày càng nặng hơn. Phát bệnh hơn 1 năm, tôi phải ngồi, nằm một chỗ vì không đi đứng được. Tháng 9 vừa qua, tôi quyết định đến mổ ở BVĐK tỉnh. Từ khi mổ đến nay, cảm giác tê chân và nhức lưng đã hết. Hiện nay, tôi đã đi đứng được nhưng vẫn đang tập luyện theo sự hướng dẫn của BS để cột sống ổn định”.
Được biết trước đây, khi bảo hiểm chưa chi trả tiền dụng cụ dùng trong mổ cột sống như: nẹp, vít, miếng chêm đĩa đệm…, số tiền cho một ca phẫu thuật theo phương pháp giải ép, hàn liên thân đốt lối sau và cố định ốc chân cung khá cao. Chi phí mua dụng cụ mổ một tầng TĐS khoảng 19 triệu đồng. Có những trường hợp BN bị TĐS nhiều tầng, phải cố định bằng nhiều nẹp vít và miếng chêm đĩa đệm; do đó, số tiền bỏ ra để mua dụng cụ sẽ rất lớn, dẫn đến chi phí một ca mổ sẽ rất cao. Hiện nay, dụng cụ nẹp vít, miếng chêm đĩa đệm… đã được Bảo hiểm y tế thanh toán nên BN sẽ đỡ tốn kém rất nhiều. Tùy theo loại bảo hiểm, BN có thể chỉ còn trả 5% hay 20% chi phí cho một ca mổ.
Theo lời khuyên của các BS, sau khi phẫu thuật, để tránh bệnh tái phát, BN cần phải điều trị và tập thể dục theo hướng dẫn của BS, khi đứng hoặc ngồi phải đúng tư thế, mang vác một vật phải đúng cách, tập thể dục thường xuyên; tránh mang vác vật nặng, chơi các môn thể thao nặng, cúi và xoay quá mức. Ngoài ra, BN sau mổ cần cố gắng đạt và duy trì trọng lượng cơ thể trong giới hạn thường, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, ít mỡ, nhiều rau quả, không hút thuốc, hạn chế uống rượu, bia; đồng thời phải dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
THẢO LY