03:10, 24/10/2010

Sống mãi hào khí anh hùng

Cuộc chiến đấu bao vây quân xâm lược Pháp 101 ngày đêm tại mặt trận Nha Trang của quân và dân Khánh Hòa được sự chi viện của cả nước nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu này được đánh giá là có sự chuẩn bị chu đáo, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa và Nam Trung bộ.

Cuộc chiến đấu bao vây quân xâm lược Pháp 101 ngày đêm tại mặt trận Nha Trang của quân và dân Khánh Hòa được sự chi viện của cả nước nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu này được đánh giá là có sự chuẩn bị chu đáo, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa và Nam Trung bộ. Đã 65 năm trôi qua, kể từ ngày 23-10-1945, đây là dịp để chúng ta nhắc và nhớ lại hào khí cách mạng của những ngày tháng anh hùng ấy và biết ơn sự cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ…

Kỳ 1: Có một con đường mang tên 23-10 và những chiến tích bất tử

Bia tưởng niệm tại chiến tuyến Cây Da - Quán Giếng.

Không phải ngẫu nhiên mà con đường từ Nha Trang đi Diên Khánh được đặt tên đường 23-10. Bởi lẽ, con đường này gắn bó mật thiết với cuộc chiến đấu 101 ngày đêm của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Hồi ấy, một số phòng tuyến quan trọng đã được lập trên con đường này để bảo vệ thị xã Nha Trang. Giờ đây, đi dọc con đường, những tấm bia ghi lại chiến tích của từng thời khắc, sự kiện lịch sử ấy đủ giúp chúng ta lưu giữ lại những giờ phút hào hùng đã từng diễn ra tại nơi này…

Ông Trần Tô - Trưởng Ban Liên lạc 23-10 TP. Nha Trang nhớ lại: “Đường 23-10 thời đó là một con đường hẹp, hai bên đường rất trống trải, chỉ có những cánh đồng lúa và nhiều cây che bóng mát, nhà cửa thưa thớt. Những đoạn có nhiều nhà cửa hai bên đường là tại Cây Dầu Đôi, chợ Ông Bộ, Bình Cang, Ga Phú Vinh, Chợ Mới, Mả Vòng… Mỗi địa danh trên con đường này đều đánh dấu một trận địa oai hùng ngày ấy”.

Trước cửa chùa Ông - một ngôi chùa thờ Quan Công, gần đường ray xe lửa trên đường 23-10, cách Nha Trang 3km có một tấm bia tưởng niệm ghi rõ: “Chiến tuyến 1: Vòng cung Bretelle - hầm xe lửa số 1. Khu vực này: 3 giờ sáng ngày 23-10-1945, quân và dân ta đã nổ phát súng đầu tiên mở đầu cuộc chiến đấu 101 ngày đêm anh dũng chống quân Pháp xâm lược”. Chiến tuyến Chợ Mới - Bretelle là chiến tuyến được hình thành đầu tiên gồm: phòng tuyến phía Bắc bờ sông Cái (gồm đồi La San, cầu Xóm Bóng, Tháp Bà đến hầm xe lửa số 1); phòng tuyến phía Tây từ bến đò Kim Bồng Nam bờ sông Cái dọc theo tuyến đường sắt cắt ngang Quốc lộ 1 khu vực Chợ Mới xuống phía Tây Nam qua vùng Thái Thông - Thủy Tú tới dãy Đồng Bò. Chùa Ông chính là nơi đặt sở chỉ huy của phòng tuyến này. Và nơi đây đã diễn ra nhiều trận chiến ác liệt giữa quân ta và quân Pháp.

Sơ đồ trận chiến đấu 101 ngày đêm của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa.
Ông Trần Tô kể: Chiến tuyến này rất quan trọng, vì đây là đầu mối của các đường xe lửa đến Ga Nha Trang. Quân ta lập phòng tuyến giữ Bretelle và đường bộ số 1 từ Nha Trang lên bằng 2 ụ súng máy. 2 khẩu đại liên này đặt trong 2 hầm bằng cây dừa và bằng tà vẹt xe lửa chắn phía trên rất kiên cố để bảo vệ 2 ổ súng máy. 2 ổ súng máy cách nhau vài trăm mét. Ngày nào quân địch cũng bắn pháo vào trận địa rất dữ dội. Tại Chợ Mới - Ngọc Hội, dừa rất nhiều, nhưng vì pháo địch bắn gãy dừa nên quân ta lấy thân dừa làm công sự và giao thông hào. Hồi đó, mưa rất dữ nên tại ổ súng máy ngay cầu Chợ Mới, súng được đặt trên cao, còn anh em ở trong giao thông hào nước ngập đến nửa người. Anh em phải chia nhau mỗi người canh 30 phút cho đỡ lạnh. Lúc đó, ta không thể nào tiêu diệt được địch vì địch quân đông, không chỉ có quân Pháp mà còn có quân Anh, quân Nhật… Địch lại có nhiều súng đạn và đóng ở các vị trí kiên cố. Tuy vậy, quân ta vẫn kiên cường giữ vững phòng tuyến này được 2 tháng và đã đánh lui nhiều cuộc phản kích mở vây của quân Pháp. Đến ngày 22 và 23-11, địch tập trung lực lượng lớn có trọng pháo yểm trợ tấn công phòng tuyến Chợ Mới - Bretelle. 2 hầm súng máy bị đánh sập, quân ta hy sinh rất nhiều nên toàn bộ lực lượng đã lùi về phía sau và lập phòng tuyến mới: Phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng cách Nha Trang 6km về phía Tây, tiếp tục bao vây quân Pháp.

Cây Da - Quán Giếng giờ thuộc thôn Vĩnh Điềm Thượng, xã Vĩnh Hiệp. Hồi ấy, ở đây có cây Da cổ thụ rất lớn ngay trên đường, tại đây còn có một quán bán nước giải khát bên cạnh một giếng nước nên phòng tuyến có tên gọi như vậy. Thời Mỹ chiếm đóng, cây Da đã bị chặt bỏ để mở rộng đường, cái giếng và quán nước cũng không còn nữa. Lịch sử vẫn còn ghi lại: Phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng là nơi ta và quân địch giằng co quyết liệt và dai dẳng nhất. Lúc lên Cây Da - Quán Giếng, quân ta hình thành chi đội rõ ràng, dưới có tiểu đoàn, đại đội, trung đội, phân đội. Đây là phòng tuyến có quy mô lớn, chiều dài hơn 10km được bố trí từ vùng núi của dãy Chín Khúc (xã Vĩnh Trung) đến Ga Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh) và Cây Da - Quán Giếng đến hầm xe lửa số 2 giáp với phòng tuyến bao vây phía Bắc thị xã Nha Trang lúc đó. Tại nơi đây còn diễn ra một sự kiện rất quan trọng mà bia tưởng niệm được dựng tại đây ghi rất rõ: “Nơi đây, ngày 27-1-1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thị sát mặt trận Nha Trang; đồng thời chuyển lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch đến quân và dân đang anh dũng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc”. Hồi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được cử đi kiểm tra tình hình các mặt trận ở phía Nam và truyền đạt chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đường ray xe lửa nơi đặt phòng tuyến Chợ Mới - Bretelle.
Đại tướng đã đến thị sát tại phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng và thăm hỏi các chiến sĩ đang chiến đấu tại đây. Đại tướng đã nhận định: “Với biết bao khó khăn của ngày đầu kháng chiến, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đã bám trụ vững chắc một thời gian dài trên tuyến lửa, tiêu diệt và tiêu hao giữ chân quân Pháp, thật sự làm thất bại một bước âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch…”.

Điểm cuối trên đường 23-10 là bia tưởng niệm tại Cây Dầu Đôi. đây từng là trạm quân y tiền phương tiếp nhận, sơ phẫu thương - bệnh binh từ chiến tuyến trở về. Đây cũng là địa điểm tập kết, tiếp đón các đơn vị Nam tiến chi viện cho mặt trận 23-10. Bia tại Cây Đầu Đôi ghi rõ: “Chiến tuyến 3: Nơi đây đã diễn ra nhiều trận chiến đấu anh dũng chống quân Pháp xâm lược từ 27-1 đến 2-2-1946”… Trước sức ép của địch, do không cân sức, để bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho phương hướng kháng chiến lâu dài, ngày 1-2-1946, toàn bộ quân ta trên các phòng tuyến và ở Thành (Diên Khánh) đã rút ra Tứ thôn Đại Điền và lên căn cứ Đồng Trăng. Cuộc chiến đấu bao vây quân Pháp 101 ngày đêm tại mặt trận Nha Trang chấm dứt. Quân và dân Khánh Hòa chuyển sang thực hiện một nhiệm vụ mới của kháng chiến.

Những tấm bia tưởng niệm ghi lại các chiến tích trên đường 23-10 chỉ là một phần trong số những chiến tích của sự kiện 23-10 như: Ga Nha Trang, đình Trường Lạc, Căn cứ địa Đồng Trăng - Đất Sét (Diên Khánh), đình Xuân Hòa (Ninh Phụng - Ninh Hòa), đèo Cổ Mã… Và con đường được vinh dự mang tên sự kiện lịch sử lớn của dân tộc sẽ luôn là một địa điểm được nhiều người, nhiều thế hệ nhớ đến. Đứng trước những tấm bia ấy, chúng ta không khỏi bồi hồi và xúc động, khi hồi ức về những ngày chiến đấu khốc liệt, đầy cam go của dân tộc lại ùa về với những chiến công rất đáng tự hào, không thể nào quên và như một huyền thoại…

BÍCH KHUÊ

Kỳ 2: Sống mãi những ký ức hào hùng