Những ngày cuối tháng 10, tôi đến xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) để tìm gặp ông Lê Viết Thấu - một nhân chứng lịch sử để được nghe ông kể lại những hồi ức về ngày 23-10 tại xã Vĩnh Phương. Thế nhưng, mong muốn của tôi không thực hiện được bởi ông đang ốm thập tử nhất sinh. Không được gặp ông, nhưng tôi vẫn được nghe kể lại rất nhiều điều ...
Kỳ 2: Sống mãi những ký ức hào hùng
Thầy Lê Lý Hoàng Lâm chỉ cho các học trò xem bản đồ diễn biến 101 ngày đêm của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. - |
Trong 101 ngày đêm chiến đấu với giặc Pháp, Vĩnh Phương là một trong những hậu phương của bộ đội nhờ địa thế chiến lược đặc biệt: vừa nằm dọc bờ sông Cái, lại tiếp giáp với núi Hòn Thơm và Quốc lộ 1. Đây là một địa thế mà bộ đội vừa dễ dàng quan sát địch vừa có thể dễ dàng lui quân khi gặp hiểm nguy.
Hồi đó, các đơn vị bộ đội Nam tiến đi chi viện cho Nam bộ đã được lệnh ở lại để chi viện cho mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Các đơn vị đã hình thành một phòng tuyến ngoại thành, đóng từ Cù Lao Xóm Bóng, đồi La San đến Vĩnh Phương, Phú Nẫm, Cây Da Quán Giếng, Võ Dõng, Thái Thông, Thủy Tú, Phước Hải… thành một vành đai bao bọc Nha Trang, yểm trợ cho lực lượng Nha Trang chiến đấu ở phòng tuyến nội thành. Tại Vĩnh Phương và Phú Nẫm có 2 đơn vị bộ đội đóng quân. Khi bộ đội về làng, người dân Vĩnh Phương và đội dân quân tự vệ đã ngày đêm sát cánh cùng bộ đội đào công sự, chiến đấu, đào giao thông hào và luân phiên canh gác cùng bộ đội. Các mẹ, các chị ngày đêm xay lúa, giã gạo, nấu cơm và đem cơm tiếp tế cho bộ đội đóng dọc theo phòng tuyến bờ sông xã Vĩnh Phương, tiếp tế cho Ban chỉ huy mặt trận tiền phương do đồng chí Hà Văn Lâu chỉ huy, đóng tại làng Ngọc Hội…
Một góc xã Vĩnh Phương ngày nay. Tại đây 65 năm trước là nơi đóng quân của bộ đội Nam tiến. |
Nhắc lại những ngày này, bà Ngo không cầm được nước mắt, bởi khi đó có nhiều chàng trai, cô gái đã ngã xuống trên mảnh đất này vào những ngày cuối cùng của mặt trận 23-10. Bà nói: “Hôm nào có nhiều người hy sinh, những người còn sống trở về dường như không ai nuốt nổi cơm, dù ai cũng đói lả sau những giờ chiến đấu ác liệt với giặc”.
Đó là những ngày tháng mà cùng với hàng triệu người Việt Nam, người dân Nha Trang - Khánh Hòa cũng như những người dân ở Vĩnh Phương bước vào một cuộc kháng chiến chống Pháp đầy khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát. Không chỉ có những người chiến sĩ trực tiếp tham gia trận chiến, hồi đó, còn có rất nhiều người dân cũng đã tham gia vào sự kiện lịch sử này với những công việc hết sức giản đơn như: nấu cơm, làm liên lạc cho bộ đội… Dù vậy, điều đó cũng trở thành một dấu ấn sâu sắc không dễ phai nhạt trong ký ức. Chính vì thế, làm sống và lưu giữ lại sự kiện 23-10 là tâm huyết của những chiến sĩ 23-10 năm xưa - những người đã góp phần làm nên lịch sử.
Ông Trần Tô - Trưởng Ban Liên lạc 23-10 TP. Nha Trang cho biết: “Từ năm 2008, chúng tôi đã kết nghĩa với một số trường học trên địa bàn TP. Nha Trang để mang tinh thần 23-10 đến với các em học sinh. Đến nay, Ban Liên lạc 23-10 TP. Nha Trang đã kết nghĩa với 10 trường học trên địa bàn thành phố như: Trường Trung học Cơ sở Lê Thanh Liêm, Võ Văn Ký, Phan Sào Nam, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Khuyến, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Công Trứ, Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập… Mỗi năm, cứ đến dịp 23-10, các chiến sĩ 23-10 lại đến các trường để kể chuyện, tặng tài liệu, hình ảnh, vật phẩm lưu niệm về ngày 23-10 cho các trường. Nhờ đó, các em học sinh và thầy cô giáo có điều kiện hiểu sâu hơn về sự kiện 23-10 và 101 ngày đêm kháng chiến của quân và dân Khánh Hòa. Từ đó giúp các em thêm tự hào về lịch sử của quê hương mình.
Thầy Lê Lý Hoàng Lâm - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Công Trứ là người sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Phương, được sống gần các nhân chứng lịch sử, được nghe về sự kiện 23-10 và 101 ngày đêm kháng chiến của quân và dân Khánh Hòa. Vì vậy, thầy thường kể lại cho học trò của mình. Thầy cũng rất tâm huyết với vấn đề này và đã góp phần không nhỏ trong việc làm sống lại những sự kiện lịch sử ở địa phương. Thầy chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên kể cho các em học sinh biết được trong thời kỳ đó, Nha Trang - Khánh Hòa đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình. Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa đã thể hiện ý chí chiến đấu giải phóng dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, niềm khao khát độc lập tự do của người dân Khánh Hòa. Mặt trận Nha Trang là điểm hội quân của cả nước và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chúng tôi còn hướng dẫn cho các em biết được các địa danh nơi cửa ngõ phía Bắc, phía Nam của TP. Nha Trang - những nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Nha Trang trong cuộc kháng chiến chống Pháp như: Đồng Đế, đồi La San, đèo Rù Rì, Tháp Bà, Ga Nha Trang, chùa Ông, Cây Da Quán Giếng, cầu Ông Bộ, cây Dầu Đôi… Bên cạnh đó, trường còn mời những nhân chứng lịch sử của địa phương như cụ Lê Viết Thấu đến kể chuyện và nhấn mạnh đến những sự kiện diễn ra tại Vĩnh Phương. Trường còn có Phòng Truyền thống lưu giữ hình ảnh, bản đồ, tài liệu giúp các em học sinh thuận tiện khi tìm hiểu, học tập”.
65 năm đã trôi qua, đã có biết bao sự thay đổi tốt đẹp của đất nước nói chung và của Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng. Dấu ấn vinh quang ấy là của bao thế hệ. Sự kiện lịch sử 23-10 như tiếp thêm nguồn sức mạnh cho thế hệ hôm nay vững bước trên con đường xây dựng thành phố văn minh hiện đại. Có một nhà thơ đã viết: “Con ơi, con có hay. Nhờ ai ta có được cuộc sống yên lành hôm nay. Và con có biết dưới những nấm mồ không tên… Ai đang ngã xuống cho ta có cuộc sống yên lành hôm nay”. Đó thật sự là lời nhắc nhở của những người đi trước với thế hệ đi sau phải luôn giữ vững, tự hào và phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần bất diệt của ngày 23-10.
BÍCH KHUÊ