01:10, 20/10/2010

Đề phòng lũ quét ở khu vực miền núi

Mùa mưa bão đến gần cũng là lúc cần đề phòng nỗi lo lũ quét, lũ ống, nhất là ở khu vực miền núi. Ở Khánh Hòa, tuy lũ quét xuất hiện không nhiều nhưng không phải không có. Trận lũ quét năm 2007 đã tàn phá trại cá sấu của Khatoco tại Yang Bay là bài học không thể quên.

Mùa mưa bão đến gần cũng là lúc cần đề phòng nỗi lo lũ quét, lũ ống, nhất là ở khu vực miền núi. Ở Khánh Hòa, tuy lũ quét xuất hiện không nhiều nhưng không phải không có. Trận lũ quét năm 2007 đã tàn phá trại cá sấu của Khatoco tại Yang Bay là bài học không thể quên. Trong lúc các ngành chưa xây dựng được bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét và lắp đặt hệ thống báo động cảnh báo lũ quét thì vai trò của chính quyền địa phương và ý thức cảnh giác của người dân không thể xem nhẹ.

Lũ quét được định nghĩa là lũ hình thành do mưa có cường độ lớn, kết hợp với các tập hợp bất lợi về địa hình, địa mạo… sinh ra khi dòng chảy trên các sườn dốc, sóng lũ có thể truyền đi rất nhanh, gây ra những tàn phá bất ngờ và nghiêm trọng ở khu vực sườn núi và dọc sông khi nó tràn qua.

Theo tài liệu của kỹ sư Võ Anh Kiệt, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Nam Trung bộ, theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1953 - 2008, trên địa bàn cả nước xảy ra 478 trận lũ quét với quy mô khác nhau. Cụ thể, năm 2007, có 14 trận lũ quét xảy ra trên địa bàn các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn… làm 28 người chết, 12 người bị thương… Mới đây, trận lũ quét đêm 31-7-2010 tại thôn Khuổi Siển, Mỹ Phương, Ba Bể, Bắc Kạn đã gây thiệt hại 13 tỷ đồng. Đối với Khánh Hòa, nhiều người dân trong tỉnh vẫn còn nhớ trận lũ quét năm 2007 đã phá tung trại cá sấu Yang Bay của Tổng Công ty Khánh Việt, làm cho nhiều cá sấu trôi ra sông, suối, buộc tỉnh phải huy động nhiều lực lượng tham gia truy bắt cá sấu “sổng chuồng”…

 Lũ quét đã gây ra nhiều thiệt hại lớn cho con người và môi trường
Có thể nói, lũ quét là thảm họa cho con người và môi trường, khó có thể đối phó, bởi lũ quét xuất hiện rất nhanh và tàn phá với mức độ ghê gớm. Theo kỹ sư Võ Anh Kiệt, nguyên nhân xảy ra lũ quét phải hội đủ nhiều yếu tố, trong đó xếp theo thứ tự là: mưa lớn với hình thế và cường độ dồn dập; địa hình, địa mạo, địa chất của khu vực xảy ra lũ quét có độ dốc cao, có “vách núi đón gió”, đây sẽ là nơi ngưng tụ lượng mưa lớn; chất đất yếu, liên kết không chặt sẽ tạo điều kiện cho sự rửa trôi mạnh, xuất hiện lũ bùn; lớp đệm thực vật (rừng) nếu mỏng, thưa, bị tàn phá nhiều sẽ rửa trôi nhanh; do hoạt động của con người làm phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái (sự phát triển dân số, các hoạt động công, nông nghiệp, xây dựng thủy lợi, thủy điện, xây dựng khu dân cư thiếu quy hoạch, chặt phá rừng bừa bãi…)... Có nhiều giải pháp để phòng, chống, tập trung vào các giải pháp công trình và phi công trình. Giải pháp công trình gồm: trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn; xây dựng hồ chứa điều tiết lũ (xây dựng bảo đảm quy hoạch hồ Sông Chò sẽ có tác dụng hạn chế lũ quét đối với khu vực Khánh Vĩnh); khơi thông đường thoát lũ; xây dựng đê chắn lũ; xây dựng tràn sự cố; mở rộng khẩu độ thoát lũ trên các tuyến giao thông (kể cả đường sắt, đường bộ); cắm biển báo qua các ngầm, tràn qua sông, suối… Giải pháp phi công trình như: hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người dân và chính quyền; điều tra nắm bắt thông tin; xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét (hiện một số tỉnh đã làm); xây dựng phương án dự báo, cảnh báo lũ quét; quản lý sử dụng đất, bố trí đất đai sản xuất, sinh sống hợp lý, tránh các khu vực xung yếu; quản lý mật độ dân cư trong khu vực; điều chỉnh các điểm định cư, tái định cư; điều chỉnh mặt đệm lưu vực (các biện pháp nông lâm kết hợp, trồng cây giữ đất…). Đồng thời sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ lũ quét; tổ chức các hoạt động cấp cứu, hình thành các tổ đội thanh niên xung kích, y tế, tìm kiếm cứu nạn diễn tập thường xuyên, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn; tăng cường giáo dục cho nhân dân ý thức cảnh giác…

Theo nhận định của cơ quan KTTV, Khánh Hòa không phải là địa bàn dễ xảy ra lũ quét như các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng không phải không có. Hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, đặc biệt là những khu vực có địa hình “vách núi đón gió” dễ tích tụ nước dẫn đến lũ quét. Khi có hiện tượng mưa lớn, dồn dập kéo dài 2 - 3 giờ, bà con trong khu vực này cần chủ động di dời lên các vùng cao hơn để tránh lũ quét. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần xây dựng các đội thanh niên xung kích thường trực, mỗi khi có mưa lớn cần chủ động di dời dân đến vùng an toàn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về nguy cơ lũ quét để nhân dân phòng tránh; đồng thời đầu tư hệ thống bảng, biểu cảnh báo lũ quét đặt ở các khu vực ngầm, tràn, nơi dễ bị ngập sâu để mọi người lưu ý khi đi qua. Hiện có một số tỉnh đầu tư hệ thống Trạm đo KTTV tự động, có thể đo lượng mưa và cảnh báo khi nào có nguy cơ xảy ra lũ quét. Trong khi chờ Trung ương đầu tư các Trạm đo mưa tự động, tỉnh cần nghiên cứu xây dựng bản đồ vùng có nguy cơ lũ quét làm cơ sở cho các ngành, địa phương và người dân chủ động phòng, tránh lũ quét.

QUANG VIÊN