Huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có địa hình rừng núi, đồi dốc chiếm hơn 85% diện tích. Hệ thống sông suối chằng chịt, bình quân 6km sông suối/km2; độ dốc sông suối lớn nên dễ xảy ra lũ quét, bị chia cắt. Trong khi đó, người dân thường băng qua sông suối để lên rẫy; vì vậy, luôn phải đối mặt với những nguy hiểm đến tính mạng khi mùa mưa đang đến gần.
Huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có địa hình rừng núi, đồi dốc chiếm hơn 85% diện tích. Hệ thống sông suối chằng chịt, bình quân 6km sông suối/km2; độ dốc sông suối lớn nên dễ xảy ra lũ quét, bị chia cắt. Trong khi đó, người dân thường băng qua sông suối để lên rẫy; vì vậy, luôn phải đối mặt với những nguy hiểm đến tính mạng khi mùa mưa đang đến gần.
Đến xã Liên Sang, chúng tôi được ông Cao Mui - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã Liên Sang có hơn 85% diện tích là đồi núi, hệ thống sông suối chia cắt địa hình thành nhiều khu vực, rất dễ xảy ra lũ quét. Trên địa bàn có cầu tràn Liên Sang - Yang Ly thường xuyên bị ngập, cầu treo Bàu Sang đã hư hỏng nặng, rất nguy hiểm”. Cũng tương tự, nếu mùa mưa bão xảy ra, tại xã Khánh Thượng sẽ có 4 thôn với hơn 2.200 nhân khẩu bị chia cắt thành nhiều khu vực. Mùa mưa, nước chảy xiết qua các cầu tràn, rất nguy hiểm khi qua lại. Tuy mùa mưa chỉ mới bắt đầu, nhưng trên địa bàn xã Khánh Thượng đã có 1 người bị chết do lội qua sông.
Hệ thống cầu treo được đầu tư xây dựng sẽ giúp người dân qua sông, suối an toàn hơn. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Mui - Chủ tịch UBND xã Liên Sang cho biết: “Dựa vào dự báo thời tiết cùng với đặc điểm của địa phương, chúng tôi đã xây dựng phương án PCLB, giảm nhẹ thiên tai năm 2010. Cụ thể, chúng tôi đã khảo sát, thống kê các trang thiết bị cần thiết để sử dụng, các địa điểm di dời khi có bão lũ, số hộ có khả năng cung ứng lương thực thực phẩm, số phương tiện vận chuyển để huy động khi có sự cố; phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cho từng cán bộ, huy động lực lượng xung kích sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra, sơ tán dân đến các địa điểm an toàn; tuyên truyền người dân không lội qua sông, suối để đi làm rẫy trong mùa mưa…”.
Ở Khánh Vĩnh, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm với lượng mưa chiếm 70 - 80% tổng lượng mưa cả năm, gây ngập lụt trên diện rộng ở các địa phương. Để chủ động với diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết năm nay, huyện Khánh Vĩnh đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB-TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chuẩn bị phương tiện, lực lượng và vật dụng; xây dựng các phương án triển khai khi có lụt bão, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra. Hiện nay, huyện đã cấp 180 áo phao, 3 phao bè, 230 phao tròn, 39 nhà bạt, 5 nghìn dây thừng cứu hộ, 10 loa phóng thanh… cho các địa phương và các đơn vị để chủ động trong công tác PCLB.
Cũng theo ông Trần Văn Thân, trước mùa mưa lũ năm nay, ngoài công tác chuẩn bị, địa phương đã tăng cường công tác PCLB, thiên tai; vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động giằng chống nhà cửa, dự trữ lương thực, thực phẩm; thu hoạch nông sản dứt điểm trước mùa mưa, đặc biệt là vận động những hộ dân sinh sống, đi làm rẫy ở gần các sông, suối không qua lại sông, suối vào mùa nước lớn. Ngoài ra, địa phương còn tổ chức kiểm tra an toàn lưới điện, cảnh báo người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện an toàn trong mùa mưa; kiểm tra mạng lưới thông tin liên lạc để đảm bảo thông tin thông suốt trong mùa mưa; kiểm tra các công trình đang thi công trên địa bàn để có phương án bảo vệ…
Để công tác PCLB-TKCN đạt kết quả cao, huyện Khánh Vĩnh cần quán triệt phương châm: chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả. Trong đó, cần lấy phòng tránh là chính; chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đặc biệt, huyện cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức trong PCLB. Có như vậy mới giảm nhẹ được thiệt hại mỗi khi có tình huống xấu xảy ra.
BÍCH LA