12:10, 17/10/2010

“Hoa trạng nguyên” ở vùng đất Xuân Sơn

Thật tình cờ, trong một chuyến công tác đến xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), chúng tôi được nghe câu chuyện về một cậu học trò nghèo hiếu thảo, siêng năng và có một ý chí vượt qua hoàn cảnh bằng con chữ. Đó là em Lê Xuân Thắng.

Thật tình cờ, trong một chuyến công tác đến xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), chúng tôi được nghe câu chuyện về một cậu học trò nghèo hiếu thảo, siêng năng và có một ý chí vượt qua hoàn cảnh bằng con chữ. Đó là em Lê Xuân Thắng.

. Làm thuê phụ giúp mẹ nuôi chị ăn học

Ở tuổi 23, với nước da đen sạm, trông Thắng già hơn tuổi vì luôn bận rộn với công việc đồng áng.

Từ TP. Nha Trang, phải mất gần 2 giờ đi xe gắn máy, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Xuân Sơn. đến nhà Thắng, chúng tôi lại phải mất thêm 20 phút nữa để vượt qua con đường nhỏ hẹp, trơn trượt và nhiều khúc cua len lỏi qua những ô ruộng nhỏ. Căn nhà nhỏ của gia đình Thắng không nhiều đồ đạc, duy nhất chỉ có bộ bàn ghế và chiếc tủ gỗ, phía bên trái là một chiếc bàn học của Thắng và kệ sách với nhiều loại sách vở xếp rất ngăn nắp.

Ngăn những dòng nước mắt vì xúc động, mẹ của Thắng - bà Lê Thị Thủy kể: Nhà có 5 chị em, ai nấy đều chăm chỉ, học giỏi. Mấy năm trước, đã có 2 người chị của Thắng thi đậu vào trường đại học ở các tỉnh Quy Nhơn và Lâm Đồng; tuy nhiên, do điều kiện gia đình khó khăn, các chị của Thắng đã phải từ bỏ ước mơ giảng đường đại học để theo học ở các trường sư phạm vốn được Nhà nước bao cấp về học phí. Sau Thắng còn có 1 người em đang học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và 1 em nữa đang học phổ thông. Cha của Thắng là bệnh binh mất sức 65%. Năm 2003, ông mất sau một cơn bạo bệnh, từ đó mẹ Thắng phải gánh gồng nuôi 5 đứa con thơ.

Góc học tập của Thắng, ngoài sách vở còn có nhiều giấy khen.
Khi cha mất, Thắng vừa học xong bậc trung học cơ sở. Thấy mẹ suốt ngày lam lũ tần tảo nuôi chị em ăn học, là con trai lớn trong nhà, Thắng thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của mẹ. Thế rồi, em tự quyết định khép lại những trang sách học trò để trải qua những ngày tháng lăn lộn mướt mồ hôi trên cánh đồng. Đây cũng là một quyết định khiến mẹ và các chị của Thắng phản đối gay gắt.

Trong lúc các chị theo học ở các trường chuyên nghiệp, các em còn nhỏ, không biết từ khi nào Thắng cùng với mẹ đã trở thành lao động chính trong nhà. Ngoài mảnh vườn trước nhà và 2 sào đất để trồng lúa, trồng khoai, để có tiền cho các con ăn học, nhiều lúc, bà Thủy phải làm thuê cho các hộ trong thôn, trong xã. Bà kể, thật may mắn, ø 2 đứa lớn vào đại học, cao đẳng sư phạm nên được chính quyền ưu tiên vay vốn trang trải ăn học. Thắng biết nhiều đêm mẹ phải suy nghĩ cho gia đình mà không ngủ được, giấc ngủ của mẹ cứ canh cánh nỗi lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Những lần đi làm đồng, hay chăn bò, Thắng nhìn thấy các bạn cùng trang lứa cắp sách tới trường mà lòng ước ao: “Ước gì mình cũng được đến trường như các bạn ấy…”.

. Dang dở ước mơ

 Hàng xóm đến chung vui cùng gia đình Thắng khi hay tin em trúng tuyển vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân.

Cuộc sống gia đình Thắng tuy nghèo, nhưng trong nhà luôn đầy ắp những niềm vui. Càng vui hơn khi năm 2006, ở huyện có phong trào học phổ cập cấp trung học phổ thông. Thắng quyết định theo học lớp học này để nuôi ước mơ thi đậu vào trường Đại học Cảnh sát, vì học trường này vừa giảm được gánh lo cho mẹ, vừa thực hiện được ước mơ trở thành cán bộ Công an như bố. Ước mơ ấy thôi thúc Thắng phải học thật tốt. Nhưng Thắng đành phải gác lại ước mơ ấy để thực hiện nghĩa vụ của một thanh niên, em lên đường nhập ngũ. Đây cũng là khoảng thời gian Thắng học tập được nhiều điều, giúp em chín chắn và trải nghiệm, rèn luyện bản thân. Những bài tập huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên thao trường hay những đợt hành quân đột xuất trên vùng đất đỏ bazan trong đêm đen đã tôi luyện Thắng thành một chàng trai có thêm độ chín. Thế nhưng trong chàng trai ấy vẫn khát khao ước mơ một ngày bước chân vào giảng đường đại học.

. Đến với chân trời mơ ước

Thấm thoát gần 2 năm quân ngũ, Thắng giã từ đồng đội. Về quê, chàng trai vùng sơn cước ấy vẫn tiếp tục nuôi ước mơ cháy bỏng vào giảng đường Đại học Cảnh sát nhân dân. Khi ấy, lớp học phổ cập không còn nên mỗi ngày, Thắng phải cặm cụi đạp xe 13 cây số để đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vạn Ninh tiếp tục theo học lớp 11.

Ngoài giờ học, Thắng lại là một lao động chính trong nhà. Em lên rẫy, ra đồng cùng mẹ kiếm tiền nuôi các chị, các em đi học xa nhà. Ngày nắng khô cũng như mưa gió, em vẫn chăm chỉ đạp xe đến trường. Nhiều hôm vất vả với công việc đồng áng, đêm đến, Thắng chỉ muốn lăn ra ngủ, nhưng ý chí đã thôi thúc em ngồi dậy để học miệt mài cho đến khuya. Lo cho sức khỏe của con, mẹ Thắng chỉ biết động viên em đi ngủ sớm mỗi khi em học bài quá muộn.

Sau 2 năm miệt mài đèn sách, Thắng đã mang đến kết quả làm ấm lòng cho người mẹ bao năm tần tảo nuôi các con. Cả hai năm học tại Trung tâm, em đều đạt thành tích khá về học lực, tốt về hạnh kiểm; đặc biệt hơn nữa, thi tốt nghiệp phổ thông trung học với 50,5 điểm, Thắng đã xuất sắc là thủ khoa của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện ở năm học 2009 - 2010. Kết quả ấy khiến các thầøy giáo, cô giáo trong trường chung vui. Đây cũng là sự khởi đầu để chàng trai nơi xóm núi hướng đến đích là giảng đường đại học.

Không có điều kiện như các bạn cùng trang lứa, Thắng tự ôn thi và nếu bài nào “gai góc”, Thắng lại đạp xe xuống tận Trung tâm để hỏi các thầy, cô giáo. Vừa ôn thi, vừa giúp mẹ làm việc nhà nông nhưng Thắng vẫn rất vui và tự tin vào kỳ thi đại học. Sau những nỗ lực phấn đấu không ngừng, cả xóm nghèo vùng sơn cước nhận được tin vui, Thắng thi đậu vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh với kết quả 24,5 điểm.

Tự hào về cậu học trò giàu nghị lực, ông Trương Văn Đảm - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vạn Ninh phấn khởi nói: “Trong quá trình học ở trường, thầy, cô và các em học sinh đều rất quý mến và có thiện cảm với Thắng. Tuy nhà ở xa trường đến 13km, nhưng cả 2 năm học vừa qua, em Thắng chưa một lần đi học trễ, chưa một lần nghỉ học. Trường chúng tôi bắt đầu vào học lúc 6 giờ 45 hàng ngày, để kịp giờ, Thắng phải đi trước 5 giờ sáng mỗi ngày. Mặt khác, trong quan hệ với bạn bè, em Thắng rất chan hòa. Qua tìm hiểu, tôi được biết, sau mỗi buổi học, Thắng lại đạp xe 13km nữa để về phụ giúp công việc gia đình”. Gặp chúng tôi, ông Trương Văn Đảm nói như khoe: “Với kết quả thi tốt nghiệp 50,5 điểm, Thắng là thủ khoa của Trung tâm trong kỳ thi vừa qua. Chưa dừng lại ở thành tích đó, với kết quả 24,5 điểm thi vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, em Thắng còn vượt lên tất cả các em thi đỗ vào đại học ở các trường công lập trên địa bàn huyện Vạn Ninh”.

Ngày mẹ Thắng tiễn em lên đường nhập học, 2 mẹ con ôm nhau khóc vì niềm vui quá lớn, vì ước mơ của em đã trở thành hiện thực. Với những gì đã làm được, Thắng trở thành một tấm gương vượt khó. Thắng tin tưởng, sau này sẽ trở thành một người Cảnh sát tận tâm với nhân dân xứ Trầm Hương.

THÀNH LONG