10:10, 11/10/2010

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), đến ngày 3-10, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện là 920 ca, trong đó có 1 ca tử vong và đây là ca tử vong đầu tiên của huyện.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), đến ngày 3-10, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện là 920 ca, trong đó có 1 ca tử vong và đây là ca tử vong đầu tiên của huyện. Theo nhận định của TTYT huyện, tình hình SHX ở Diên Khánh đang diễn ra rất phức tạp, nhất là khi mùa mưa đang đến gần.

Những ngày này, người dân ở tổ 13 thị trấn Diên Khánh vẫn còn bàng hoàng và đau xót về cái chết của cháu N.T.T.H (10 tuổi) do SXH. Trong ngôi nhà cấp 4, anh N.V.N - cha cháu H. đau xót cho biết: “Hôm Thứ sáu (ngày 30-9), sáng cháu vẫn đi học bình thường, đến chiều về thấy cháu sốt cao, tôi liền cho cháu nhập viện. Sau khi nằm viện điều trị 5 ngày thì cháu tử vong. Mấy hôm nay coi ti vi, biết tỉnh đang có dịch SXH nên khi thấy cháu sốt, tôi đâu dám để ở nhà. Vậy mà…”.

Dịch sốt xuất huyết ở Diên Khánh diễn biến phức tạp, nhất là khi đang vào mùa mưa (Trong ảnh: Nhân viên y tế đang thử máu bệnh nhân nhi nghi mắc sốt xuất huyết).

Dịch sốt xuất huyết ở Diên Khánh diễn biến phức tạp, nhất là khi đang vào mùa mưa (Trong ảnh: Nhân viên y tế đang thử máu bệnh nhân nhi nghi mắc sốt xuất huyết).

Bác sĩ Phan Thị Kim Loan - Phó Giám đốc TTYT huyện Diên Khánh cho biết, đây là bệnh nhân (BN) tử vong vì SXH đầu tiên của huyện và là trường hợp rất đáng tiếc. Theo bác sĩ Kim Loan, BN vào viện ngày 30-9. Lúc đầu, BN được chẩn đoán là sốt dengue. Sau 3 ngày nằm viện điều trị, theo dõi, BN được chẩn đoán sốt dengue độ 2 và đã điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên, do người nhà BN chủ quan, thấy cháu đỡ sốt nên đến tối lại đưa cháu về nhà. Đêm 3-10, diễn biến bệnh của cháu có chiều hướng xấu nhưng người nhà vẫn không đưa cháu vào viện ngay mà đến 8 giờ sáng 4-10 mới cho cháu nhập viện lại. Lúc đưa vào viện, cháu đã có dấu hiệu trụy tim mạch (dấu hiệu shock), sau 1 ngày theo dõi, đến tối thấy diễn biến bệnh phức tạp, chúng tôi đã chuyển BN đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Tuy nhiên, do diễn biến bệnh nặng nên đến trưa 5-10, BN tử vong.

Sau ca tử vong đầu tiên, hiện công tác phun hóa chất, diệt lăng quăng, phòng, chống dịch SXH ở huyện Diên Khánh đang diễn ra khẩn trương. Theo TTYT huyện, tính từ đầu năm đến ngày 5-10, 19/19 xã, thị trấn đều có ca mắc SXH, số ca mắc toàn huyện là 920 ca, trong đó sốt Dengue: 682 ca, SXH Dengue (độ 1, 2): 237 ca, 1 ca sốt độ 3 và đã tử vong. Số ca được điều trị tại TTYT huyện là 844 trường hợp, số ca chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị là 76 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2009, số ca mắc tăng gần 15 lần, số ca mắc theo tỷ lệ trên 100.000 dân là 616. Những địa phương có số ca mắc cao là: Diên Bình, Diên Hòa, thị trấn Diên Khánh, Diên Lâm, Diên Thọ, Diên Phước, Diên Phú, Diên Thạnh, Diên Xuân, Diên Lạc. Nhờ thực hiện tốt công tác dập dịch, từ đầu tháng 9 đến nay, dịch SXH ở Diên Khánh có chiều hướng giảm tương đối rõ. Nếu tuần thứ 2 của tháng 9, số ca mắc là 35 ca thì đến tuần thứ 3 đã giảm còn 32 ca, tuần thứ 4 là 21 ca và tuần đầu tháng 10, số ca mắc chỉ còn 7 ca. Tuy nhiên, theo nhận định của TTYT huyện, diễn biến của dịch vẫn còn phức tạp, nhất là khi mùa mưa đang đến.

Bác sĩ Phan Thị Kim Loan cho biết: Khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống SXH là kinh phí, nhất là đối với việc thuê mướn nhân công phun hóa chất. Theo quy định của Nhà nước, giá thuê nhân công phun hóa chất là 60.000 đồng/ngày. Mức giá này hiện quá thấp, TTYT huyện đã có văn bản xin UBND huyện hỗ trợ thêm nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận. Tuy gặp khó khăn nhưng công tác phun hóa chất vẫn được chúng tôi tích cực triển khai ở tất cả các xã, nhất là những xã có số ca mắc cao. Trong tháng 8, thị trấn Diên Khánh nổi lên với số ca mắc khá cao, Đội Y tế dự phòng huyện đã tổ chức phun ở 15/15 tổ dân phố và hiện Đội đang tổ chức phun lần 2 ở xã Diên Thọ. Về công tác điều trị, hiện chúng tôi được cung ứng đầy đủ về phương tiện, thuốc men. Các phác đồ điều trị SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế được cập nhập liên tục. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác này là cơ sở vật chất hiện quá chật hẹp dẫn đến sự quá tải. Số giường bệnh dành cho điều trị SXH của TTYT huyện khoảng 13 - 15 giường nhưng số BN nhập viện điều trị hàng ngày khoảng 50 - 60 người. Chính vì phải nằm ghép, chật chội nên đến chiều, tối, nhiều BN trốn viện về nhà. Việc này rất nguy hiểm bởi nếu BN có chuyển biến xấu, người nhà sẽ không xử lý kịp, còn bác sĩ điều trị thì không thể nắm rõ chuyển biến của bệnh, điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị, trong đó có trường hợp cháu bé bị tử vong.

Để công tác phòng, chống dịch SXH đạt hiệu quả và tránh các trường hợp tử vong, thời gian tới, ngành Y tế huyện sẽ tiếp tục xử lý cuốn chiếu việc phun hóa chất, diệt lặng quăng, bọ gậy kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động người dân làm vệ sinh những nơi dễ phát sinh muỗi như bể chứa nước, bình hoa… Trong công tác điều trị, TTYT huyện sẽ sắp xếp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho BN, hạn chế tối đa việc nằm ghép 3 người/giường. Bên cạnh đó, củng cố Khoa Truyền nhiễm để chuyên về điều trị SXH; tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc, theo dõi để phát hiện những trường hợp bệnh nặng. Ngoài ra, ngành Y tế sẽ tuyên truyền, giải thích nhằm tránh trường hợp người bệnh trốn viện về nhà.

BÁ NGHĨA