Từ đầu năm đến nay, tuy các đơn vị quản lý đường sắt, thanh tra đường sắt đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng tình hình tai nạn giao thông đường sắt vẫn diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm đến nay, tuy các đơn vị quản lý đường sắt (ĐS), thanh tra ĐS đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ĐS vẫn diễn biến phức tạp. 9 tháng năm 2010, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra 23 vụ TNGT ĐS, làm 10 người chết, 9 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người ngồi trên ĐS và phương tiện giao thông đường bộ (GTĐB) băng qua ĐS không quan sát.
Toàn tỉnh Khánh Hòa có 145km ĐS đi qua, kéo dài từ xã Đại Lãnh (Vạn Ninh) đến hết xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh), có 85 đường ngang hợp pháp; trong đó có 28 đường ngang có người gác, 34 đường ngang lắp biển cảnh báo tự động, còn lại lắp các biển báo phòng vệ. Hàng năm, các đường ngang hợp pháp đều được sửa chữa thường xuyên, mặt đường được láng xi măng, bảo đảm cho người dân qua lại thuận tiện. Trong khi đó, đường ngang dân sinh không hợp pháp có đến 130 vị trí dân tự mở, tập trung tại các khu vực đông dân cư, mật độ người và phương tiện GTĐB qua lại đông. Hầu hết các đường ngang này được kê lót bằng đất đá, tấm đan bê tông, ván gỗ, tầm nhìn hạn chế nên rất dễ gây nguy hiểm cho người và phương tiện GTĐB băng qua. Ngoài ra, tình hình vi phạm về hành lang an toàn giao thông (ATGT) ĐS trên địa bàn tỉnh còn rất phổ biến. Tuyến ĐS đi qua Khánh Hòa có nhiều khu vực dân cư đông, nhiều công trình và vật kiến trúc vi phạm hành lang ATGT ĐS như: đoạn đi qua huyện Vạn Ninh; TP. Nha Trang; khu vực các ga ĐS… Chính điều này đã làm cho tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ TNGT ĐS, làm 10 người chết, 9 người bị thương; trong đó, riêng tháng 9 (Tháng ATGT) xảy ra 8 vụ, làm 4 người chết, 4 người bị thương. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT chủ yếu do sự thiếu ý thức của một số người tham gia giao thông như: Ngồi trên đường ray xe lửa; phương tiện GTĐB băng qua ĐS… So với cùng kỳ năm ngoái, tình hình TNGT ĐS tăng cả 3 tiêu chí.
Các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu xảy ra tại các đường ngang không hợp pháp |
Cho đến bây giờ, người dân thôn Xuân Tây (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn xảy ra lúc 7 giờ 50 ngày 19-10, làm 2 người chết tại chỗ. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Nở (sinh năm 1972) và chị Lê Thị Bạch Mai (sinh năm 1992), thường trú xã Ninh Thọ, huyện Ninh Hòa. Theo những người dân chứng kiến vụ tai nạn, 2 nạn nhân đi băng qua ĐS được một lúc nhưng không biết vì lý do gì đã quay xe trở lại. Vào thời điểm đó, có đoàn tàu sắp chạy tới, 2 nạn nhân đã dừng xe lại nhưng một lát sau lại cố chạy qua. Được biết, cự ly hãm của một đoàn tàu khoảng 800m, khi gặp chướng ngại vật, cự ly tối thiểu cũng phải cách 300m mới hãm được. Vì vậy, người dân khi đi qua đường ngang băng qua ĐS cần chú ý quan sát kỹ, không nên cố qua khi đã nhìn thấy đoàn tàu.
Thời gian qua, Công ty Quản lý ĐS Phú Khánh đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ban ATGT, Thanh tra giao thông ĐS, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và chính quyền các huyện, thị, thành phố tổ chức nhiều đợt kiểm tra, nhắc nhở người dân không được tự mở đường ngang qua ĐS. Tuy nhiên, để hạn chế việc dân mở đường ngang băng qua ĐS là rất khó; thậm chí, cơ quan chức năng đã dùng trụ bê tông đóng 72 vị trí đường ngang dân tự mở, chỉ cho người đi bộ và xe máy đi qua, không cho xe bò, xe công nông chạy qua nhưng đến nay chỉ còn 6 vị trí. “Có những vị trí, chiều hôm nay đóng, sáng mai đã bị người dân cột cáp, dùng xe công nông kéo đi mất” - ông Thuyên cho biết.
Trước tình hình TNGT diễn biến phức tạp, các đơn vị quản lý, Thanh tra giao thông ĐS… đã đề ra nhiều biện pháp nhằm kiềm chế TNGT. Cụ thể, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân sống gần ĐS, trong các trường học; tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tại các khu vực ĐS và đường bộ chạy song song gần nhau đã được xây dựng hàng rào phân cách. Đến nay, đơn vị quản lý ĐS đã xây dựng được hàng rào phân cách tại vị trí Km 1232+800 đến Km 1233+500 (xã Đại Lãnh, Vạn Ninh); Km 1297+800 đến Km 1298+380 (Ninh Ích, Ninh Hòa)…
Theo ông Thuyên, hiện nay, Ban ATGT, Thanh tra giao thông ĐS, Cảnh sát giao thông… đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp kiềm chế TNGT nhưng cũng gặp không ít khó khăn, vì ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Mặt khác, việc tuyên truyền mới chỉ tập trung vào những người dân sống hai bên ĐS, trong khi những người dân vi phạm thường từ nơi khác tới. Vì vậy, trong quá trình tuyên truyền về GTĐB, lực lượng Cảnh sát giao thông cần lồng ghép tuyên truyền về giao thông ĐS cho người dân ở xa ĐS biết. Đồng thời, giải quyết triệt để những đường ngang băng qua ĐS không hợp pháp. Cụ thể, Công ty Quản lý ĐS Phú Khánh sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác tổ chức rà soát lại tất cả các đường ngang. Qua đó, xem xét một số đường ngang bất hợp pháp nếu có thể nâng lên thành đường ngang hợp pháp thì sẽ nâng lên, một số đường ngang hợp pháp có thể nâng lên thành gác chắn; đối với những vị trí không thể mở đường ngang được sẽ làm hàng rào và đường gom. Hy vọng, đến năm 2020, các ngành sẽ giải quyết triệt để vấn đề đường ngang bất hợp pháp băng qua ĐS nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT ĐS.
C.V