Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động ở vùng nông thôn, gắn với mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động ở vùng nông thôn, gắn với mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 9 tháng triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Đề án 1956 đã kịp thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của LĐNT và nhu cầu “đặt hàng” của các nhà tuyển dụng.
Lao động nông thôn tham gia học nghề may công nghiệp tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh. |
Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết việc làm cho người lao động. Hệ thống các trường dạy nghề được thành lập ở mỗi huyện, thị xã, thành phố, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân có thể tham gia học nghề. Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn rất lớn. Đại bộ phận LĐNT chưa qua ĐTN, chưa có việc làm ổn định vẫn là một vấn đề cần được quan tâm. Trước thực tế đó, ngày 27-11-2009, Đề án 1956 được ban hành đã góp phần mở ra nhiều cơ hội học nghề, lập nghiệp cho LĐNT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Trên cơ sở này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo Đề án 1956 từ tỉnh xuống cơ sở, qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, nhằm làm thay đổi cơ bản nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc học nghề, đặc biệt nhận thức của LĐNT. Bên cạnh đó, thường xuyên quán triệt, phổ biến, tư vấn về công tác dạy nghề, tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Cùng với đó, tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT trên toàn tỉnh. Đồng thời, Ban chỉ đạo Đề án 1956 cũng đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, năm 2010 ĐTN cho hơn 23.950 người (trong đó, có khoảng 14.250 người là LĐNT), bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 991 người thuộc các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, văn phòng - thống kê và cán bộ văn thư lưu trữ. Giai đoạn 2011 - 2015 sẽ ĐTN cho hơn 122.097 người (trong đó, mỗi năm đào tạo khoảng 15.750 người là LĐNT), bồi dưỡng nghiệp vụ cho 13.000 người là cán bộ công chức các cấp. Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ ĐTN cho 132.000 người (trong đó, mỗi năm đào tạo khoảng 15.950 người là LĐNT), đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho khoảng 16.770 cán bộ công chức các cấp.
Để triển khai Đề án 1956 đạt hiệu quả cao nhất, Ban chỉ đạo đề án đã chọn 2 loại hình ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp để triển khai thí điểm tại 2 huyện Vạn Ninh và Diên Khánh. Từ đó, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ở các huyện, thị xã, thành phố còn lại. Tại huyện Diên Khánh, 2 loại mô hình nông nghiệp và phi nông nghiệp hiện đang được triển khai đúng kế hoạch đề ra. Đối với loại hình phi nông nghiệp, UBND huyện Diên Khánh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh tổ chức ký kết hợp đồng đào tạo hơn 400 lao động với Công ty Cổ phần May Khánh Hòa (thời gian đào tạo 4 tháng). Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng trong việc thực hiện ĐTN cho LĐNT có địa chỉ làm việc và theo yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Hiện nay, Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh đang đào tạo 2 lớp may công nghiệp với hơn 70 học viên theo học. Số học viên này, sau khi tốt nghiệp sẽ được Công ty Cổ phần May Khánh Hòa nhận vào làm việc với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Bạn Nguyễn Thị Trúc Mai (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) - đang tham gia lớp may tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh cho biết: “Nhà nghèo, bố lại mất sớm, tôi học hết lớp 4 rồi bỏ học theo mẹ bán bánh xèo. Cách đây khoảng 1 tháng, tôi được cán bộ xã đến vận động đi học nghề và cho biết sẽ có việc làm tại Công ty Cổ phần May Khánh Hòa sau khi tốt nghiệp. Học tại đây, tôi không phải đóng một khoản học phí nào mà còn được nhà trường hỗ trợ tiền ăn với mức 15 ngàn đồng/ngày học. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, tôi sẽ cố gắng học tập tốt để trở thành một công nhân thành thạo trong lĩnh vực may mặc…”. Còn đối với loại hình ngành nghề nông nghiệp, Phòng LĐ-TB-XH huyện Diên Khánh cũng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang gấp rút triển khai 2 lớp dạy nghề về mô hình nuôi gà thả vườn tại 2 xã Diên Thọ và Suối Tiên. Dự kiến lớp học sẽ kết thúc vào cuối năm 2010.
Bà Đặng Thị Sử, Phó Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Diên Khánh cho biết: “So với một số chương trình về dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trước đây, Đề án 1956 thực sự có nhiều nét mới, kịp thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của LĐNT. Thời gian triển khai đề án trong vòng 10 năm, với mức kinh phí hỗ trợ đào tạo thông thoáng là điều kiện thuận lợi để LĐNT tích cực tham gia học nghề. Bên cạnh đó, ĐTN theo Đề án 1956 được gắn kết chặt chẽ với khâu giải quyết viêc làm nên người tham gia học nghề sẽ dễ dàng tìm kiếm được việc làm sau khi được ĐTN…”.
Sau hơn 9 tháng triển khai Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Nhưng, để Đề án thực sự phát huy tối đa lợi ích vốn có của nó, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động LĐNT tham gia học nghề. Các cấp, các ngành cần vào cuộc một cách đồng bộ để tìm thêm nhiều địa chỉ việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, cần nghiên cứu thấu đáo những mô hình ngành nghề phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục tập quán của người dân ở mỗi địa phương trước khi triển khai thực hiện.
VĂN GIANG