Để đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn gắn với mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg...
Để đào tạo nghề (ĐTN), tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) gắn với mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Đây được xem là cơ hội “vàng” để từng bước xóa dần sự chênh lệch về mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn, nâng cao tay nghề, tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh.
So với một số chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ trước đây, Đề án 1956 có nhiều nét mới và thực sự là cơ hội “vàng” cho LĐNT có nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đề án tập trung đào tạo theo nhu cầu học nghề của LĐNT và yêu cầu của thị trường lao động. Công tác ĐTN được gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và địa phương. Những lao động thuộc hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người bị thu hồi đất canh tác cũng sẽ được ĐTN. NLĐ tham gia học nghề sẽ được hỗ trợ kinh phí, mức hỗ trợ tùy theo từng đối tượng khác nhau. LĐNT thuộc hộ có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật… được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; người học nghề xa nơi cư trú từ 15km trở lên được hỗ trợ tiền đi lại với mức không quá 200.000 đồng/người/khóa học. Bên cạnh đó, các cơ sở ĐTN sẽ được đầu tư trang thiết bị dạy học, chương trình, giáo trình, học liệu và bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng dạy cho đội ngũ giáo viên… Trung bình, mỗi năm đề án ĐTN cho khoảng 1 triệu LĐNT, trong đó đào tạo, bồi dưỡng khoảng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã… Việc triển khai Đề án 1956 nhằm tạo cơ hội cho LĐNT nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Thông qua Đề án 1956 sẽ góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho lao động nông thôn. |
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo đề án cũng đặt mục tiêu hàng năm sẽ ĐTN cho khoảng 24.420 lao động (trong đó khoảng 15.750 người là LĐNT); đào tạo, bồi dưỡng hơn 1.500 lượt cán bộ công chức xã về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng tham mưu, báo cáo, giải quyết chế độ chính sách… Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua ĐTN đến năm 2015 đạt 47,5% và đến năm 2020 đạt 60%. Trong đó, từ nay đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua ĐTN có việc làm khoảng 70% và đến năm 2020 có khoảng 80% lao động có việc làm sau ĐTN.
Để Đề án 1956 thực sự đem lại hiệu quả thiết thực cho LĐNT, các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề. Xây dựng danh mục các ngành nghề đào tạo, kế hoạch dạy nghề trên cơ sở nhu cầu học nghề của NLĐ, nhu cầu sử dụng lao động đã qua ĐTN của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và của thị trường lao động. Khuyến khích các cơ sở dạy nghề có điều kiện ĐTN cho LĐNT cùng tham gia đào tạo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án ở các huyện, thị xã, thành phố để có phương án điều chỉnh một cách tốt nhất.
VĂN GIANG