Khung pháp lý chưa đầy đủ, chế tài chưa đủ mạnh là một trong những nguyên nhân chính khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên nhức nhối…
Khung pháp lý chưa đầy đủ, chế tài chưa đủ mạnh là một trong những nguyên nhân chính khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái (HG-HN) ngày càng trở nên nhức nhối…
. Từ một vụ làm hàng giả quy mô lớn…
Một trong những vụ làm HG quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị phát hiện gần đây nhất là vụ sản xuất hàng trăm tấm nệm giả tại TP. Nha Trang vào tháng 8 vừa qua. Công an tỉnh đã bắt quả tang Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại (SX-TM) Lâm Châu (số 12B đường 2-4, Nha Trang) đang kinh doanh sản phẩm nệm bông ép làm giả nhãn hiệu Violet của Công ty TNHH SX-TM Tuấn Hậu (số 578A đường Lê Hồng Phong, Nha Trang). Số lượng hàng hóa bị thu giữ gồm: 162 tấm nệm giả đang bán tại cơ sở sản xuất và chứa trên xe tải đang trên đường đi tiêu thụ, 92 con tem giả chưa dán lên sản phẩm. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính Công ty TNHH SX-TM Lâm Châu 15 triệu đồng và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số tem giả bị thu giữ.
Không đồng tình với mức xử phạt quá nhẹ trên, đầu tháng 9, Công ty TNHH SX-TM Tuấn Hậu gửi đơn lên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh khởi kiện Công ty Lâm Châu về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc, đối tượng sản xuất HG vẫn ngoài vòng pháp luật, còn doanh nghiệp chân chính bị mất uy tín trên thương trường. “Việc xuất hiện HG-HN đã tạo ra tâm lý e ngại, nghi ngờ, mất lòng tin của khách hàng khi quyết định sử dụng sản phẩm nệm Violet. Điều này đã gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn khiến uy tín của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tuấn Hậu bức xúc. Anh Tuấn cũng lo ngại, Công ty TNHH SX-TM Lâm Châu sản xuất HG, bán phá giá, phiếu bảo hành lại ghi địa chỉ của Công ty TNHH SX-TM Tuấn Hậu. Khi khách hàng khiếu nại, ai sẽ là người đứng ra bảo hành, bởi sản phẩm không do Công ty TNHH SX-TM Tuấn Hậu sản xuất, còn đơn vị làm giả (là Công ty TNHH SX-TM Lâm Châu) lại “phủi tay”?
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành tiêu hủy rượu ngoại bị làm giả. |
Có lẽ không quá để nói rằng, bất kể mặt hàng tiêu dùng nào trên thị trường đều có sự hiện diện của HG-HN. Từ xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm, sách và băng đĩa đến mũ bảo hiểm, quần áo, kính thời trang, tem nhãn, bao bì hàng hóa…, tất cả đều được làm giả theo các nhãn hiệu lớn, bày bán công khai từ vỉa hè, sạp chợ cho đến cả những cửa hiệu có tiếng tăm. Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tổ chức tiêu hủy gần 26.000 đơn vị sản phẩm làm giả đã bị các Đội QLTT trực thuộc tịch thu. Trong đó, có 27 loại sản phẩm đã hết hạn sử dụng, 12 mặt hàng nhập lậu không nhãn mác, một số hàng hóa cấm sử dụng… Thế nhưng, so với số lượng và chủng loại hàng hóa bị làm giả trên thị trường thì số lượng bị xử phạt nói trên cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Lợi nhuận cao từ việc kinh doanh HG đã khiến nhiều đối tượng tìm đủ mọi cách để lách luật, sản xuất và tiêu thụ HG dưới mọi hình thức. Người tiêu dùng thiếu thông tin hàng hóa; công nghệ làm giả ngày càng tinh vi nên việc phân biệt HG với hàng thật trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, tâm lý thích mua hàng rẻ, sính đồ hiệu của nhiều người dân cũng là nguyên nhân khiến HG-HN vẫn có “đất sống”.
. Chế tài chưa đủ mạnh
Những nỗ lực của doanh nghiệp làm ăn chân chính liệu có đủ sức đấu tranh với HG-HN khi mà công nghệ làm HG ngày càng tinh vi, việc áp dụng các quy định pháp luật về xử lý HG còn chồng chéo, thiếu thống nhất?… Theo Chi cục QLTT tỉnh, hiện chưa có cơ quan nào được phân công và có cơ chế thu thập, tổng hợp thông tin đầy đủ về hoạt động đấu tranh chống sản xuất, buôn bán HG. Bên cạnh đó, việc xử lý hàng kém chất lượng có nhiều khó khăn cả ở khâu giám định và xử lý vi phạm. Lực lượng kiểm soát thị trường còn quá mỏng để có thể phát hiện và xử lý triệt để vấn nạn này.
Theo Nghị định 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp vừa được ban hành (thay cho Nghị định số 116/2006/NĐ-CP), kể từ ngày 9-11 tới, các tổ chức, cá nhân buôn bán hàng nhái nhãn hiệu, HG mạo nhãn hiệu, ngoài việc bị phạt tiền sẽ bị tịch thu phần lợi nhuận bất hợp pháp; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ trong việc từng bước hoàn thiện khung pháp lý trên mặt trận chống HG, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, cuộc chiến chống sản xuất, buôn bán HG còn đòi hỏi sự chung tay của cả doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị kinh doanh và chính người tiêu dùng.
VIỆT ANH