Ngày 11-5-2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Ngày 11-5-2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và hệ thống tổ chức TKCN các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ huy TKCN tỉnh, cơ quan thường trực là Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh. Năm 2010, công tác TKCN được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, vì thế các ngành, các cấp cần chủ động nhằm đối phó với mọi tình huống bất lợi của thời tiết.
Khánh Hòa là tỉnh duyên hải miền Trung với 385km bờ biển, địa hình khá phức tạp với nhiều sườn núi dốc, sông suối ngắn; mùa mưa bão, lượng mưa lớn dẫn đến nhiều nguy cơ thiên tai như bão lũ, sạt lở đất… Trong khi đó, các khu vực dân cư thường tập trung ven biển, sinh sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, số lượng tàu thuyền nhiều nhưng nhỏ, thô sơ; trong đất liền có nhiều hồ chứa nước, trong đó có hồ chưa được kiên cố hóa, khi mưa, nhiều hồ phải xả lũ để bảo vệ hồ đập, dễ gây ngập lụt vùng hạ du. Khu vực miền núi thường xảy ra lũ quét, lũ ống. Người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống lụt bão nên công tác TKCN được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các lực lượng vũ trang (LLVT) nhằm giúp người dân phòng tránh thiên tai.
Sẵn sàng cho công tác tìm kiếm cứu nạn (Trong ảnh: Công tác tìm kiếm cứu nạn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong cơn bão số 9-2009) |
Trên cơ sở xác định nguy cơ và vùng trọng điểm thiên tai, trong công tác phòng, chống, GNTT và TKCN, yêu cầu phải có sự chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, trong đó LLVT đóng trên địa bàn là lực lượng chủ lực. Đến nay, BCHQS tỉnh, cơ quan thường trực công tác TKCN đã hoàn tất phương án, kế hoạch phòng, chống, GNTT-TKCN 2010; chuẩn bị lực lượng và phương tiện; chủ động thực hiện theo phương án vạch sẵn trong các tình huống cụ thể như: bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất, động đất, sóng thần, cháy rừng, đổ sập…; phân công phân nhiệm địa bàn, lực lượng cụ thể tham gia ứng cứu. LLVT tỉnh còn tổ chức hiệp đồng với các đơn vị của Bộ và Quân khu đứng chân trên địa bàn như: Học viện Hải quân, Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Thông tin, Trường Sĩ quan Không quân, Trường Dạy nghề miền Trung, Vùng 4 Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an tỉnh, Bệnh viện 87, Trạm TKCN Trường Sa… Các đơn vị này sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phối hợp trong mọi tình huống.
Theo BCHQS tỉnh, cơ quan thường trực đã tiến hành rà soát và bổ sung phương án phòng, chống, GNTT-TKCN, đồng thời thông báo đến các đơn vị liên quan; kiểm tra việc chuẩn bị phương án TKCN của các cơ quan quân sự cấp huyện, thị, thành phố trên cơ sở phương châm “4 tại chỗ”; kiểm tra việc chuẩn bị bãi đỗ trực thăng; chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự phòng; tập huấn công tác TKCN cho các đơn vị; rà soát, bổ sung, mua sắm trang, thiết bị, phương tiện; chuẩn bị kế hoạch diễn tập phòng, chống lụt bão, TKCN… Cơ quan thường trực cũng mua sắm 1 ca nô đồng bộ 200CV và 1 máy đẩy 120CV để chủ động phương tiện ứng cứu…
Đại tá Lê Minh Soạn - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BCHQS tỉnh, Phó Ban trực Ban Chỉ huy TKCN tỉnh cho biết, công tác phòng, chống, GNTT-TKCN đến nay đã cơ bản hoàn tất. Tất cả các lực lượng đã sẵn sàng, chủ động phối hợp trong mọi tình huống khi có thiên tai hay sự cố xảy ra. Khó khăn hiện nay là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nếu phải TKCN trên biển, BCHQS tỉnh không có phương tiện mà phải hiệp đồng với lực lượng Hải quân và Biên phòng; chưa được trang bị các thiết bị chuyên dùng trong việc cứu nạn đối với các trường hợp đổ sập như: máy cưa, máy khoan cắt bê tông; khi gặp sự cố tràn dầu trên biển cũng chưa có thiết bị ngăn dầu tràn và thu gom dầu thải… Người dân thiếu ý thức trong công tác phòng, chống, GNTT cũng là khó khăn cho việc TKCN hiện nay…
QUANG VIÊN