12:10, 25/10/2010

Chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão

Huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) có địa hình đồi dốc cao, nhiều sông suối có độ dốc lớn nên hàng năm, công tác phòng, chống lụt bão luôn được chính quyền và nhân dân đặc biệt coi trọng. Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá ưu nhược điểm từ những năm trước, huyện Khánh Sơn luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lụt, nhất là vào thời điểm này, khi những cơn mưa lớn và bất thường đang có dấu hiệu tăng lên.

Huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) có địa hình đồi dốc cao, nhiều sông suối có độ dốc lớn nên hàng năm, công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) luôn được chính quyền và nhân dân đặc biệt coi trọng. Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá ưu nhược điểm từ những năm trước, huyện Khánh Sơn luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lụt, nhất là vào thời điểm này, khi những cơn mưa lớn và bất thường đang có dấu hiệu tăng lên.

Huyện miền núi Khánh Sơn rất dễ xảy ra lũ quét trong mùa mưa bão.
Huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) rất dễ xảy ra lũ quét trong mùa mưa bão.

Với địa hình đồi dốc, dân cư phân bố nhiều ở các khu vực lòng chảo, hàng năm, Khánh Sơn thường phải chịu 2 đến 3 cơn lũ quét qua, chủ yếu từ các đợt mưa lớn. Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ những năm trước, Ban chỉ huy (BCH) PCLB huyện đã xây dựng phương án chi tiết để kịp thời ứng phó tại các khu vực trọng điểm. Việc xác định các khu vực này cùng với những phương án phòng, chống tối ưu (khi có mưa bão xảy ra) đã được BCH PCLB huyện lên kế hoạch; đặc biệt chú trọng những khu vực trọng điểm như: 2 bên bờ sông Tô Hạp; những đoạn đường, cầu, cống, đập tràn xung yếu, các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn, các khu vực có khả năng sạt lở đất… Đồng thời, huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, UBND các xã, thị trấn, đặc biệt là lực lượng PCLB tại chỗ trên cơ sở quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện và kinh phí), “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Ngoài việc hình thành lực lượng, phương tiện ứng phó tại chỗ gồm khoảng 500 người (chủ yếu là lực lượng dân quân tự vệ) phân bổ đều khắp trên địa bàn huyện và các phương tiện PCLB như: xe, áo phao, phao, bao cát…, địa phương cũng phòng bị lương thực, nhu yếu phẩm (trị giá hơn 500 triệu đồng), thuốc men. Với một địa phương khá đặc trưng như Khánh Sơn, quá trình mưa lũ thường diễn ra rất nhanh, bất ngờ trong khi không ít người dân vẫn còn tư tưởng chủ quan hoặc thiếu kiến thức ứng phó để giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản trong mưa lũ; vì vậy, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho người dân xác định mức độ tàn phá của bão lụt cũng như các kỹ năng phòng vệ cơ bản khi xảy ra lũ lụt được huyện đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, các phương án xác định số người dân có khả năng bị ảnh hưởng của bão lụt và quá trình di chuyển người dân đến nơi an toàn (các hội trường thôn, xã, nhà dài..) cũng đã được lên kế hoạch chu đáo. Các phương án tìm kiếm, cứu nạn cũng như giảm nhẹ thiên tai trước, trong và sau mưa lũ, nhất là việc tuyên truyền, chỉ đạo người dân có các biện pháp tự bảo vệ hoa màu, nông sản, thu hoạch lúa, hoa màu trước mùa mưa lũ; sửa chữa các công trình giao thông, duy tu các công trình nước sạch, các công trình thủy lợi, nhà cửa, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất sau mưa lũ… cũng đã được BCH PCLB Khánh Sơn đặc biệt quan tâm.

Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCH PCLB và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai huyện Khánh Sơn, ngoài nhiệm vụ kiện toàn các Ban PCLB cấp xã, tổ chức các lớp tập huấn về cứu hộ cứu nạn cũng như trang bị vật tư, phương tiện, giải quyết cho nâng cấp một số công trình đập tràn, BCH PCLB Khánh Sơn còn xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ban, ngành hữu quan, lực lượng nòng cốt; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nêu cao ý thức tự bảo vệ, đối phó với mưa lũ. Ngoài ra, BCH PCLB huyện cũng đã xây dựng chi tiết phương án đối phó với mưa lũ và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên, ban, ngành, UBND xã, thị trấn khi có bão lũ xảy ra.

HỒNG ĐĂNG