03:10, 08/10/2010

Buồn vì được cấp… “bò dự án”

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Khánh Hòa thực hiện dự án khuyến nông: “Hỗ trợ nông dân nghèo người dân tộc thiểu số huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) chăn nuôi bò cái sinh sản”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Khánh Hòa thực hiện dự án khuyến nông: “Hỗ trợ nông dân nghèo người dân tộc thiểu số huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) chăn nuôi bò cái sinh sản”. Theo đó, 19 hộ nông dân nghèo thuộc 2 xã Ninh Tân, Ninh An tham gia dự án được hỗ trợ 19 con bò giống với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Sau khi nhận bò về nuôi được 1 tuần (người dân gọi là “bò dự án”) , toàn bộ số bò hỗ trợ cho người dân đều phát bệnh lở mồm, long móng. Điều đáng nói, mầm bệnh từ đàn “bò dự án” đã lây lan sang hàng chục con bò khác, khiến người dân của 2 địa phương này điêu đứng.

Con “bò con” của bà Lánh được xác định phát dịch đầu tiên.
. “Bò dự án” lây bệnh sang bò nhà

Chỉ sau 7 ngày giao cho dân, toàn bộ số bò dự án đều phát dịch lở mồm, long móng.
Cả tuần nay, anh Bùi Văn Cần ở thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân như ngồi trên đống lửa vì đàn bò 6 con của gia đình đang bị bệnh lở mồm, long móng. Lo lắng cho khối tài sản của mình đang có nguy cơ bị mất trắng, anh Cần tất tả đi mời cán bộ thú y về chữa chạy cho đàn bò nhà mình. Thế nhưng, sau gần 1 tuần điều trị, đàn bò vẫn bị sốt, bỏ ăn, lông dựng đứng, đi cà nhắc và lở mồm, long móng. Ban đầu, anh cứ tưởng đây là vận xui của riêng gia đình nên dốc hết công sức, tiền của ra để chữa trị. Thế nhưng, khi biết đàn bò của mình và những người dân ở trong thôn bị lây bệnh lở mồm, long móng từ đàn bò của dự án thì anh và mọi người rất bức xúc. Khi chúng tôi đến tìm hiểu về tình hình dịch bệnh, anh Cần than ngắn, thở dài: “Sau bao nhiêu năm làm lụng vất vả, tích cóp từng đồng, vợ chồng tôi mới có được 6 con bò làm vốn lận lưng. Đây cũng là tài sản lớn nhất của gia đình để đề phòng khi ốm đau, bệnh tật và lo cho 4 đứa con đang tuổi học hành. Đã mấy ngày nay, tuy đang vào mùa vụ, nhưng vợ chồng tôi phải bỏ bê công việc để chăm sóc cho đàn bò. Nghe nói bệnh lở mồm, long móng có thể chữa khỏi, nhưng thấy đàn bò bỏ ăn, thể trạng ngày càng ốm yếu mà lòng lo ngay ngáy”.

Dù biết bệnh lở mồm, long móng có khả năng chữa khỏi, nhưng anh Cần vẫn lo ngay ngáy về đàn bò nhà mình.

Khi chúng tôi có mặt ở thôn, chị Cao Thị A Lánh được anh Cao Truyền - Trưởng thôn Suối Sâu (Ninh Tân) gọi dắt bò đến hội trường thôn để cán bộ thú y kiểm tra tình hình dịch bệnh. Cũng vì nghèo nên gia đình chị mới được dự án hỗ trợ cho một con bò cái sinh sản để có cơ hội nâng cao cuộc sống. Nói là bò cho oai, nhưng thực chất, gia đình chị chỉ nhận được một con bê con to hơn con chó béc giê một chút. Thế nhưng, đối với một người như chị Lánh, như vậy cũng là quá mừng, bởi “con bò con” này nó sẽ lớn, rồi sinh sản và gia đình chị sẽ có cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, sau khi nhận bò được 3 ngày, chưa kịp mừng, chị Lánh đã tá hỏa khi “con bò con” quý giá của mình bỏ ăn, nước dãi lòng thòng và mồm lở, móng long. Con bò của chị Lánh được xác định là phát bệnh đầu tiên và nặng nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Không riêng anh Cần, chị Lánh, hàng chục hộ nuôi bò ở thôn Suối Sâu và các thôn khác trong xã Ninh Tân cũng đang trong tâm trạng nơm nớp lo âu vì bệnh dịch lở mồm, long móng đang có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Theo báo cáo của UBND xã Ninh Tân, sau 13 ngày phát hiện dịch (ngày 24-9) từ đàn bò dự án cấp (13 con), tổng đàn bò ở thôn Suối Sâu bị mắc bệnh lở mồm, long móng đã lên đến hơn 60 con (tổng đàn bò trong thôn có 170 con). Sau khi phát hiện dịch bệnh, chính quyền địa phương đã báo cáo cơ quan Thú y, đơn vị chủ đầu tư (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh) để khống chế dịch, điều trị cho đàn bò, phòng tránh lây lan sang đàn bò các thôn khác. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số 170 con bò ở thôn Suối Sâu, ngoài các hộ nhốt bò trên rẫy, hầu hết số bò trong thôn đã có triệu chứng bị bệnh lở mồm, long móng.

. “Bò dự án” đã được tiêm phòng, kiểm dịch?

 Mặc dù được phát hiện và chữa trị kịp thời, nhưng dịch bệnh lở mồm long móng vẫn lan nhanh trên diện rộng.

Trong dự án khuyến nông, 19 hộ nông dân nghèo ở huyện Ninh Hòa tham gia dự án được hỗ trợ 19 con bò cái sinh sản. Trong đó, xã Ninh Tân được cấp 13 con, xã Ninh An được cấp 6 con, mỗi con trị giá gần 5 triệu đồng, gồm con giống, thuốc bổ, cám, đá liếm… với tổng số tiền thực hiện dự án gần 100 triệu đồng. Số bò này được đơn vị chủ đầu tư hợp đồng mua lại của Hợp tác xã Nông nghiệp Suối Tiên (HTX Suối Tiên) - Diên Khánh và đang trong giai đoạn chịu trách nhiệm về chất lượng đàn bò theo hợp đồng đã ký kết. Theo đơn vị cung ứng, trước khi bàn giao, đàn bò 19 con đã được tiêm phòng vắc xin các loại bệnh và được Trạm Thú y Diên Khánh kiểm dịch theo đúng quy định. Theo báo cáo của chủ đầu tư, thời điểm tiêm phòng là ngày 24-8, đến ngày 17-9 mới tiến hành bàn giao bò cho người dân và đàn bò hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, đến ngày 24-9, toàn bộ 19 con bò của dự án đều phát bệnh và lây lan sang đàn bò của người dân địa phương.

Thời điểm chúng tôi có mặt (ngày 6-10), đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và các ngành chức năng của huyện Ninh Hòa đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với chính quyền 2 xã: Ninh An, Ninh Tân. Theo đó, đoàn kiểm tra đã kết luận, nhờ phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lở mồm, long móng trên đàn bò 19 con của dự án đã có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, vẫn còn một số con bò của các hộ dân ngoài dự án vẫn bị sốt, bỏ ăn, lông dựng đứng, đi cà nhắc và lở mồm, long móng. Để kịp thời khống chế dịch, địa phương cần tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi ký cam kết cách ly đàn bò bị bệnh, ngành Thú y sẽ tiến hành vệ sinh tiêu độc ở tất cả các thôn ở 2 xã, tiến hành điều trị không để dịch lây lan trên diện rộng. Tại buổi làm việc, một lần nữa, đoàn kiểm tra khẳng định: Đàn bò 19 con của HTX Suối Tiên cấp cho dự án đã được tiêm phòng vắc xin các loại bệnh và được Trạm Thú y Diên Khánh kiểm dịch theo đúng quy định. Vì thế, HTX Suối Tiên chỉ chịu trách nhiệm bồi thường nếu số bò cấp cho dự án bị chết và các kinh phí chữa trị liên quan đến 19 con bò này. Còn lại, các ngành liên quan, địa phương cam kết cung cấp đầy đủ thuốc vệ sinh, tiêu độc, điều trị…; đơn vị cung ứng giống bò chỉ hỗ trợ một phần kinh phí công chăm sóc.

Có thể khẳng định, dịch bệnh lở mồm, long móng trên đàn bò ở xã Ninh Tân, Ninh An được xác định lây lan từ đàn bò dự án, cụ thể là HTX Suối Tiên - đơn vị cung cấp con giống. Đặt trường hợp, nếu đàn bò của người dân ngoài dự án bị chết thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao đàn bò được tiêm phòng, kiểm dịch đầy đủ lại phát dịch trong vòng mấy tuần? Nếu xét về yếu tố khách quan, đàn bò trên địa bàn huyện Ninh Hòa và các địa phương khác thỉnh thoảng cũng bị dịch lở mồm, long móng; thế nhưng, việc phát dịch trên đàn bò đưa từ địa phương khác tới thì không thể nói là ngẫu nhiên. Có hay không sự tắc trách trong việc chọn đơn vị cung ứng bò, khâu kiểm dịch và vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư?

Dự án khuyến nông - lâm - ngư hỗ trợ nông dân nghèo người dân tộc thiểu số vẫn đang tiếp tục thực hiện ở các địa phương trong tỉnh. Người dân nhờ được hỗ trợ công cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi… sẽ vươn lên thoát nghèo và cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, khi thực hiện các chương trình, dự án, chủ đầu tư cần có sự chọn lựa, kiểm soát chặt chẽ nguồn cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi… có chất lượng. Có như thế, người nghèo mới có niềm tin và vươn lên làm chủ cuộc sống.

CHÂU AN KHÁNH