06:10, 31/10/2010

Ai dễ bị mắc bệnh trầm cảm?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm khoảng 850.000 người. Đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Bệnh trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời và đúng sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm khoảng 850.000 người. Đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Bệnh trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời và đúng sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng...

Bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh đang khám cho bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm.   
Bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh đang khám cho bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm.
Căn bệnh không của riêng ai

Cao ráo, điển trai, ăn nói nhỏ nhẹ, mới tiếp xúc ít ai biết anh T.V.H (39 tuổi, ở TP. Nha Trang) bị mắc căn bệnh trầm cảm hơn 7 năm nay và đang được điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần (BVCKTT) tỉnh. Theo lời kể của cha anh, trước khi mắc bệnh, anh là người bình thường. Từ sau cái chết của người bạn thân cùng với những trắc trở trong công việc, anh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, buồn chán, bi quan và cho rằng mình ăn nói kém cỏi, thua bạn bè nhiều mặt. Dần dần, anh không còn quan tâm đến vấn đề gì, không hứng thú ăn uống, nằm ỳ một chỗ, thường xuyên có ý định tự tử. Từ khi mắc bệnh đến nay, anh đã tự tử 2 lần, may là gia đình phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời.

Chưa nặng đến mức thực hiện hành vi tự tử, chị L.A.M (Diên Khánh) mắc căn bệnh trầm cảm gần 4 năm nay. Chồng chị cho biết, từ khi chị mắc bệnh, cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. Từ một người lao động chính, giờ đây, chị như người mất hồn, không làm được việc gì do không thể tập trung vào công việc. Theo lời kể của chị, cách đây 4 năm, chị gặp nhiều chuyện buồn từ chuyện gia đình đến chuyện làm ăn. Không giãi bày được với ai nên chị cứ chất chứa nỗi buồn đó trong lòng. Dần dần, chị bị mất ngủ, hay thức giấc giữa đêm rồi không ngủ được nữa, hoặc thức dậy lúc 2 - 3 giờ sáng kèm theo cảm giác bồn chồn khó chịu. Sau một thời gian, chị ăn ít dần, rồi ăn không thấy ngon, không thích ăn và sợ ăn. Thời gian sau, chị ngại giao tiếp với người khác; luôn cảm thấy bồn chồn lo âu, đứng ngồi không yên, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau ngực; thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn rầu, không thiết tha xem ti vi hoặc đọc sách báo. “Nhất là trong công việc, hầu như tôi không thể làm được việc gì do mất khả năng tập trung. Vào TP. Hồ Chí Minh khám, bác sĩ (BS) chẩn đoán tôi mắc bệnh trầm cảm. Hiện nay, tôi đang điều trị tại BVCKTT tỉnh” - chị cho biết.

Quẳng gánh lo để vui sống

BS Đinh Thị Hoan - Phó Giám đốc BVCKTT tỉnh cho biết, trầm cảm là tình trạng buồn nặng nề, kéo dài ít nhất là 2 tuần trở lên kèm theo các triệu chứng như: mệt mỏi, có vấn đề về ăn, ngủ...; vì vậy, nó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Trầm cảm là căn bệnh phổ biến. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời và đúng sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Bệnh trầm cảm có thể điều trị được trong lĩnh vực chuyên khoa tâm thần và tâm lý. Nguyên nhân của bệnh trầm cảm là do có sự thay đổi về sinh học và chức năng của não bộ; sự thay đổi các yếu tố thần kinh và nội tiết hoặc là do yếu tố di truyền; stress kéo dài cũng có thể dẫn tới trầm cảm. Ngoài ra, với suy nghĩ theo hướng nhấn mạnh những tiêu cực của bản thân, người bệnh bi quan và dẫn đến trầm cảm; hoặc kiểu hành vi với khuynh hướng thu mình, không làm điều vui thú, ít hoạt động, thích nằm ngồi một chỗ… cũng rất dễ dẫn đến căn bệnh này.

Theo thống kê của WHO, nam giới ít bị trầm cảm hơn nữ giới; nhưng khi nam giới rơi vào trầm cảm, xu hướng tự sát lại cao hơn. Ý đồ tự sát của bệnh nhân trầm cảm thường nhiều hơn gấp 10 - 12 lần so với hành vi tự sát và có nguy cơ cao ở những bệnh nhân mà bản thân hoặc người cùng huyết thống từng tự sát, từng trầm cảm, những người sống cô lập với xã hội. Tự sát ở người mắc bệnh trầm cảm có thể đột ngột hay được chuẩn bị trước. Ước tính, có khoảng 3 đến 5% dân số thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời của một người là 15 - 25%.

Theo lời khuyên của các BS chuyên khoa, để phòng và chống bệnh trầm cảm, chúng ta nên quẳng gánh lo và vui sống, tránh cảm giác chán đời, hạn chế để bị strees; cố gắng đừng để cho mình quá rảnh rỗi; phải thường xuyên tạo cơ hội cho mình bận rộn như: học thêm, thêm việc ở cơ quan hoặc đi chơi, giải trí với loại hình nghệ thuật mà mình thích; đừng bỏ qua cơ hội và hơn hết là nên cố gắng thu xếp tham gia các hoạt động tập thể ở cơ quan để tiếp xúc với đồng nghiệp, tạo niềm vui mới cho chính bản thân.

THI CA