Với mục tiêu phải đào tạo ra những thế hệ công nhân, sinh viên vững tay nghề, đáp ứng tốt nhu cầu công việc của doanh nghiệp và xã hội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Nha Trang đã xây dựng phương pháp đào tạo theo hướng mở, đặc biệt chú trọng...
Với mục tiêu phải đào tạo ra những thế hệ công nhân, sinh viên (SV) vững tay nghề, đáp ứng tốt nhu cầu công việc của doanh nghiệp và xã hội, Trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng cơ sở Nha Trang đã xây dựng phương pháp đào tạo theo hướng mở, đặc biệt chú trọng cho SV thực hành để củng cố kỹ năng nghề.
Được thành lập từ năm 1997, đến nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã phát triển, mở rộng đa ngành nghề, đa lĩnh vực đào tạo. Toàn trường hiện có 23 ngành đào tạo ĐH, 8 ngành đào tạo cao đẳng (CĐ), 14 ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và 2 ngành đào tạo sau ĐH. Tất cả các cơ sở đào tạo của nhà trường trên toàn quốc đều theo một quy chuẩn chung là bảo đảm tính liên thông theo chiều dọc ở tất cả các loại hình đào tạo, từ chính quy tập trung ban ngày, chính quy tập trung ban đêm, vừa làm vừa học, ĐH văn bằng 2… giúp học sinh (HS), SV, công nhân viên có điều kiện theo học. Từ năm học 2003 đến nay, các cơ sở đào tạo của trường trong cả nước đều theo một quy chuẩn chung, áp dụng phương pháp dạy mới bằng phầm mềm mô phỏng, dạy tiếng Anh, dạy qua hệ thống màn hình máy chiếu… Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng phương pháp đào tạo theo hướng mở, đổi mới thường xuyên. Trong đó, thời gian thực hành trên mô hình, phầm mềm… luôn chiếm 40 - 50% thời lượng các chương trình đào tạo để xây dựng, củng cố kỹ năng nghề cho HSSV. Bên cạnh việc hiện đại hóa cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy phù hợp với HSSV, Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn mở rộng liên kết đào tạo với các trường CĐ, ĐH ở châu Âu ở một số ngành như: Kế toán, Tài chính - Ngân hàng… SV theo học các ngành quản trị nhà hàng - khách sạn, du lịch… cũng có cơ hội tham gia thực tập, học nâng cao tại các trường CĐ, ĐH ở Trung Quốc, Singapore…
Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền, Phó Hiệu trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Giám đốc cơ sở Nha Trang trao giấy khen và học bổng cho học sinh khá giỏi |
Ông Lê Công An, Phó Giám đốc Trường ĐH Tôn Đức Thắng cơ sở Nha Trang cho biết, các em HS theo học tại cơ sở được hưởng đầy đủ mọi chế độ giảng dạy, điều kiện học tập, chính sách… như ở cơ sở chính. HSSV tốt nghiệp được cấp bằng chính quy. Trong quá trình học, nếu SV có năng lực sẽ được xét học bổng theo quy định của nhà trường và Bộ Giáo dục - Đào tạo. Theo khảo sát gần đây của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hơn 80% HSSV của trường sau khi ra trường đã tìm được việc làm phù hợp với ngành đào tạo. “Có được kết quả này chính là nhờ trong quá trình đào tạo, trường chú trọng khâu thực hành; đồng thời, chấm “thực” quá trình kiến tập, thực tập của HSSV tại các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín trong toàn quốc. Trước khi rời ghế nhà trường, các em còn được trang bị thêm các kỹ năng mềm, kỹ năng sống, xin việc…” - ông Lê Công An cho biết.
Hiện cơ sở Nha Trang đã có các phòng học tập hiện đại, sân chơi, ký túc xá… đáp ứng nhu cầu của HSSV. Đến năm 2012, cơ sở Nha Trang có đủ điều kiện để tổ chức đào tạo ĐH chính quy trực tiếp, đáp ứng tiếp nhận hơn 5.000 HSSV khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên theo học. Tuy là trường mới, nhưng có thể khẳng định Trường ĐH Tôn Đức Thắng cơ sở Nha Trang đã và đang đưa các ngành nghề sát thực đến với HSSV, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trang bộ nói chung. Với mục tiêu hướng tới đào tạo đội ngũ nhân lực thật sự có “chất”, mở rộng cửa hơn nữa cho HSSV theo học các cấp để hoàn thiện tay nghề, cơ sở Nha Trang sẽ tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
LÊ NGUYÊN