Bảo hiểm thất nghiệp chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2009. Đây được xem là “phao cứu sinh” cho những lao động bị mất việc làm. Thế nhưng, trên thực tế, nhận thức của người lao động và trách nhiệm của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao nên nhiều người được thụ hưởng vẫn chịu thiệt.
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2009. Đây được xem là “phao cứu sinh” cho những lao động bị mất việc làm. Thế nhưng, trên thực tế, nhận thức của người lao động (NLĐ) và trách nhiệm của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao nên nhiều người được thụ hưởng vẫn chịu thiệt.
Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, thu hút nhiều công ty, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước chọn làm nơi đầu tư sản xuất kinh doanh. Các khu công nghiệp (KCN) lớn như: KCN Suối Dầu (Cam Lâm), KCN Nam Cam Ranh, KCN Ninh Thủy (Ninh Hòa), KCN vừa và nhỏ Đắc Lộc, KCN Vạn Ninh và Khu Kinh tế Vân Phong… được mở ra, tạo cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương. Nhưng, bên cạnh sự phát triển đó, tình trạng thất nghiệp của NLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn đang là một trong những vấn đề nan giải, bức xúc, cần sự quan tâm giải quyết của các cấp, các ngành. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sắp xếp các DN Nhà nước, một bộ phận không nhỏ NLĐ do nhiều nguyên nhân khác nhau bị mất việc làm, đời sống khó khăn, làm ảnh hưởng đến trật tự an sinh xã hội.
Người lao động xem thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. |
Đáng lưu ý, nhận thức của NLĐ về chính sách BHTN còn hạn chế, một số NLĐ chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, họ cho rằng cứ thất nghiệp là được hưởng trợ cấp nên số người đăng ký thất nghiệp nhiều nhưng số người được hưởng BHTN chưa tương xứng. Không những thế, nhận thức của một số công ty, DN về trách nhiệm của đơn vị trong việc hoàn thiện các thủ tục giấy tờ cho NLĐ đăng ký hưởng BHTN còn chưa rõ ràng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Nhiều trường hợp NLĐ có đầy đủ thủ tục để hưởng BHTN, nhưng do chỉ sai lệch thời gian lãnh đạo công ty ký vào giấy chấm dứt HĐ lao động (không trùng khớp với khoảng thời gian hết HĐ lao động) nên vô tình các DN đã làm cho NLĐ mất quyền lợi. Trường hợp của chị Lê Thị H., 27 tuổi, công nhân một công ty đóng trên địa bàn huyện Diên Khánh là một ví dụ. Chị H. cho biết: “Tôi ký HĐ làm việc với công ty 3 năm. Hết HĐ, tôi nghỉ làm, nhưng do chưa có người thay thế vị trí làm việc của tôi nên công ty bảo tôi làm thêm một thời gian nữa để tuyển dụng người mới, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Tôi làm thêm một tháng và được công ty trả lương bình thường. Khi có người vào làm thay, tôi rút HĐ làm việc để đăng ký hưởng BHTN nhưng không được hưởng, vì ngày hết HĐ lao động lại không trùng với ngày lãnh đạo công ty ký vào giấy hết HĐ…”. Chỉ vì một sai sót nhỏ, vô tình công ty này đã làm mất đi quyền lợi của chị H.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, NLĐ cần tìm hiểu rõ hơn về chính sách hưởng BHTN trước khi đăng ký hưởng BHTN. Đối với các công ty, DN, khi chấm dứt HĐ lao động cần nâng cao trách nhiệm của mình đối với NLĐ. Các cơ quan, ban, ngành cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng thông tin về chính sách BHTN nhằm tạo nhận thức đúng đắn cho NLĐ và các DN.
PHÚ VINH