06:09, 10/09/2010

Phấn đấu vượt dự toán và hạn chế thấp nhất nợ phát sinh

Năm 2010, dự toán pháp lệnh thu ngân sách nhà nước UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho ngành Thuế (không bao gồm thu từ xổ số) là 4.480 tỷ đồng, tăng 927 tỷ đồng so với dự toán thu năm trước; chỉ tiêu phấn đấu ngành Thuế giao cho Cục Thuế Khánh Hòa là 4.720 tỷ đồng, cao hơn chỉ tiêu pháp lệnh 240 tỷ đồng.

Trong một tháng rưỡi qua, thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, bằng 9,6% dự toán năm.
Ảnh minh họa
Năm 2010, dự toán pháp lệnh thu ngân sách nhà nước (NSNN) UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho ngành Thuế (không bao gồm thu từ xổ số) là 4.480 tỷ đồng, tăng 927 tỷ đồng so với dự toán thu năm trước; chỉ tiêu phấn đấu ngành Thuế giao cho Cục Thuế Khánh Hòa là 4.720 tỷ đồng, cao hơn chỉ tiêu pháp lệnh 240 tỷ đồng. Với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ viên chức ngành Thuế, từ đầu năm đến nay, công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đạt được, ngành Thuế đang phải đối diện với nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng nợ thuế kéo dài và tăng cao so với mọi năm.

Tính đến hết tháng 8, tổng thu nội địa toàn tỉnh đạt trên 3.305 tỷ đồng, bằng gần 74% so với dự toán pháp lệnh và trên 70% chỉ tiêu kế hoạch phấn đấu. Trong đó, thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương 130 tỷ đồng, đạt trên 74% dự toán pháp lệnh, bằng 126% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương 1.661 tỷ đồng, đạt trên 76% dự toán pháp lệnh, bằng 114% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 134 tỷ đồng, đạt trên 70% dự toán pháp lệnh, bằng 106% so với cùng kỳ; thu thuế thu nhập cá nhân trên 96 tỷ đồng, đạt gần 84% dự toán pháp lệnh, bằng 156% so với cùng kỳ; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh 502 tỷ đồng, đạt gần 62% dự toán pháp lệnh, bằng 133% so với cùng kỳ.

Bên cạnh kết quả thu khả quan trên, tình hình thu thuế đối với lĩnh vực đất đai còn gặp khó khăn và thấp. 8 tháng, toàn tỉnh chỉ thu gần 315 tỷ đồng, đạt gần 57% dự toán pháp lệnh. Theo ông Trần Sỹ Quân, Phó Cục trưởng Cục Thuế, đây là nguồn thu ngành Thuế không chủ động được nên cần sự hỗ trợ, xúc tiến của ngành chức năng quản lý về đất đai và chính quyền địa phương. Bởi, có giao đất thì mới thu được tiền sử dụng đất. Toàn tỉnh hiện có 8 địa phương, trừ 2 huyện miền núi không giao chỉ tiêu thu nguồn này, còn lại 6 địa phương thì đã có 3 địa phương thu đạt rất thấp, đó là Diên Khánh trên 36%, Cam Ranh trên 40%, Nha Trang trên 55%. Về thu tiền thuê đất, năm nay, các địa phương đều đạt thấp. 8 tháng, toàn tỉnh mới thu được trên 17 tỷ đồng, đạt trên 63% dự toán pháp lệnh, bằng 85% so với cùng kỳ năm trước (giảm 15%).

Một vấn đề “đau đầu” đối với ngành Thuế hiện nay là công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Theo báo cáo của ngành Thuế, 6 tháng đầu năm 2010, tình hình nợ thuế trên địa bàn tỉnh tăng cao, nhất là thuế hoạt động xây dựng, khu vực kinh tế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh. Hầu hết số nợ thuế ở các địa phương đều tăng so với số nợ năm 2009 chuyển qua (phổ biến đều tăng trên 10%), chỉ riêng huyện Cam Lâm là giảm được 4%. Tỷ lệ nợ khó thu trong tổng số nợ thuế cũng tăng với tốc độ cao hơn so với mức tăng của số thuế nợ làm cho nợ khó thu (nợ xấu) ngày càng tăng cao. Theo tiêu chí phân loại nợ thì thì nợ khó thu gồm các khoản: nợ của người nộp thuế lâm vào giải thể, phá sản; nợ của người nộp thuế bỏ trốn, mất tích; nợ của người nộp thuế bị khởi tố; nợ của người nộp thuế ngừng sản xuất kinh doanh; nợ của người nộp thuế chờ giải quyết theo luật phá sản. Theo ông Trần Sỹ Quân, một khi đã xếp vào loại nợ khó thu thì thực tế các khoản nợ này không có khả năng thu. Bên cạnh đó còn có loại nợ chờ xử lý gồm các khoản nợ chờ điều chỉnh vì một lý do nào đó hay đang trong quá trình khiếu nại; nợ chờ xóa, miễn, giảm, khoanh, giãn nợ… Những khoản nợ này chỉ thu được một phần rất nhỏ, còn lại sau khi xử lý lại được chuyển sang diện nợ khó thu. Tính đến 30-6, tổng số nợ thuế toàn tỉnh gần 127 tỷ đồng, trong số này nợ có khả năng thu gần 88 tỷ đồng, chiếm 69,29%.

Đáng nói 6 tháng đầu năm, Cục Thuế đã tiến hành xác minh thông tin trước khi cưỡng chế nợ thuế 226 hồ sơ. Trong đó, đã cưỡng chế 36 trường hợp, thu hồi 2,264 tỷ đồng (gồm: Văn phòng Cục Thuế 3 trường hợp với số tiền 1,2 tỷ đồng; Chi cục Thuế huyện Ninh Hòa 16 trường hợp với số tiền 548 triệu đồng). Các Chi cục Thuế cũng đã áp dụng biện pháp tổ chức đối thoại với người nộp thuế còn nợ thuế để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao. Chỉ có Chi cục Thuế huyện Cam Lâm là đạt khá và đã tổ chức đối thoại có hiệu quả. Bài học kinh nghiệm của Cam Lâm là đã nhận được sự quan tâm nhiệt tình của chính quyền địa phương từ huyện đến xã, sự chỉ đạo tốt của Chi cục Thuế, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước của người dân. Các địa phương khác như TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, thị xã Cam Ranh và huyện Cam Lâm đã triển khai có hiệu quả công tác phối hợp xử lý nợ thuế giữa cơ quan Thuế với chính quyền và các ngành hữu quan tại địa phương, nhờ đó đã có tác dụng thúc đẩy tiến độ thu nợ. Ở các địa phương khác, việc phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức đôn đốc thu nợ thuế được thực hiện còn thiếu đồng bộ.

Từ nay đến cuối năm, tuy còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Cục Thuế tỉnh phấn đấu thu đạt và vượt dự toán thu NSNN mà HĐND tỉnh giao; đồng thời hạn chế thấp nhất nợ phát sinh, giảm nợ cũ. Hiện Cục Thuế đang triển khai hàng loạt giải pháp như: Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác quản lý thuế; triển khai việc hiện đại hóa thu nộp thuế và các khoản thu khác qua Kho bạc Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, rà soát các khoản thu, đảm bảo các nguồn thu đều phải được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN… Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng chú trọng nâng cao năng lực của công chức trong việc chống gian lận thương mại, chống thất thu cho NSNN, tăng cường kiểm tra, phân tích, phân loại, chống gian lận thuế; rà soát, xây dựng và hoàn thiện công tác quản lý thuế; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo những nội dung sai sót thường gặp để các doanh nghiệp kê khai thuế tránh nhầm lẫn.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. “Trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên truyền cần tập trung lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức trong kinh doanh như: trốn tránh, lách và gian lận thuế. Song song đó, cần cổ vũ, động viên, nêu gương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước; tạo phong trào thi đua, lấy thước đo thực hiện nghĩa vụ thuế như một tiêu chỉ văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của người công dân trong xã hội”, ông Trần Sỹ Quân cho biết.

NGỌC KHÁNH