05:09, 03/09/2010

Tập trung tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông

Tạo bước chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi tầng lớp nhân dân; từng bước xây dựng thói quen ứng xử đúng pháp luật, có “Văn hóa giao thông”...

Tạo bước chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho mọi tầng lớp nhân dân; từng bước xây dựng thói quen ứng xử đúng pháp luật, có “Văn hóa giao thông” (VHGT); tạo môi trường GT trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các yếu tố gây mất ATGT; giảm ùn tắc GT, tai nạn (TN) GT… Đó là những mục tiêu mà Tháng ATGT năm 2010 hướng tới.

Thời gian qua, tuy lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều cố gắng trong việc lập lại TTATGT, nhưng tình hình vi phạm pháp luật GT vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở nhiều tuyến đường, vỉa hè, lề đường vẫn bị lấn chiếm để buôn bán, đậu xe, để vật liệu xây dựng… không còn lối đi dành cho người đi bộ.

Điển hình như các đường: Lê Hồng Phong, 2-4, Nguyễn Thị Minh Khai, Vân Đồn… (TP. Nha Trang), 2 bên vỉa hè đã bị chiếm dụng buôn bán, còn lề đường nhiều chỗ bị các xe tải, xe khách, taxi, mô tô, xe gắn máy… đậu, đỗ lộn xộn. Từ trước đến nay, vấn đề này là nỗi bức xúc của nhiều người dân trên địa bàn TP. Nha Trang. Theo Nghị định 34 của Chính phủ, chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất gia công hàng hóa, làm nơi trông giữ xe, rửa xe, đặt biển hiệu… bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP. Nha Trang, sau hơn 3 tháng thực hiện xử phạt theo Nghị định 34, trên địa bàn thành phố chưa có trường hợp nào bị xử lý. Nguyên nhân chủ yếu là do Nghị định chưa quy định cụ thể mức độ xử phạt. Đối với những người buôn bán nhỏ, giá trị hàng hóa không tương xứng với số tiền phạt…

Để thực hiện tốt pháp luật an toàn giao thông cần sự chung tay của toàn xã hội
Song song với vi phạm TTATGT, tình hình TNGT thời gian qua vẫn còn diễn biến khá phức tạp, trung bình mỗi tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ TNGT và có từ 15 - 20 người chết do TNGT. Nguyên nhân của các vụ TNGT đều do ý thức của người tham gia GT: phóng nhanh vượt ẩu, tránh vượt sai quy định, thiếu quan sát…

Nhằm chuẩn bị tốt Tháng ATGT, theo ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), Phó ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, thời gian tới sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm ATGT. Theo đó, các lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức chấp hành và VHGT cho người dân. Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan ban, ngành… tăng cường, phổ biến các quy định của Nghị định 34/2010/NĐ-CP thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng; biểu dương các gương tốt, tiêu biểu trong VHGT; phản ánh kịp thời các hình ảnh phản VHGT của người tham gia GT; sử dụng băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi, liên hoan văn nghệ, các cuộc thi tìm hiểu về ATGT…

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT, thanh tra GT cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về ATGT, hành vi gây ô nhiễm môi trường như: Xe tải tự trút chở đất đá, vật liệu xây dựng không có mui bạt, chảy nước, rơi vãi vật liệu trên đường; điều khiển xe vượt tốc độ, không đúng phần đường, làn đường, vào đường cấm, đường một chiều; dừng đỗ xe không đúng nơi quy định; không chấp hành hiệu lệnh đèn GT; không đội mũ bảo hiểm (MBH)… Đặc biệt, chú trọng phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp không đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy theo quy định. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tổ chức giải tỏa các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. CSGT đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm TTATGT đường thủy nội địa và rà soát, điều chỉnh, bổ sung phao tiêu, báo hiệu đường thủy phù hợp, không để xảy ra tình trạng tàu khách chở quá số người cho phép, không đủ phao cứu sinh; chỉ đạo lực lượng chức năng tại địa phương kiểm tra các bến khách, đò ngang do địa phương quản lý, kiên quyết đình chỉ những bến đò không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn.


Các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường duy tu, bảo dưỡng công trình GT; rà soát loại bỏ, điều chỉnh bổ sung các biển báo đường bộ, đường sắt bất hợp lý; xử lý, khắc phục các tồn tại về hạ tầng tại những nơi nguy hiểm, đoạn đường thường xảy ra tai nạn, các điểm đen đã được xác định. Riêng TP. Nha Trang, tập trung chỉ đạo Dự án vệ sinh môi trường đô thị, đơn vị thi công có trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm ATGT, các giải pháp chống ùn tắc GT, khi thi công, công trình xong đến đâu phải bảo đảm GT êm thuận đến đó. Sở GTVT đẩy mạnh việc chấn chỉnh hoạt động vận tải khách bằng ô tô; đồng thời triển khai thực hiện các quy định về quản lý vận tải hành khách theo Luật GT đường bộ và các văn bản hướng dẫn; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng lái xe an toàn cho đội ngũ lái xe…

Hy vọng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị, xã hội… Tháng ATGT 2010 sẽ tạo được bước chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật TTATGT của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội trong công tác bảo đảm TTATGT nhằm giảm TNGT.

C.V