07:09, 11/09/2010

Nâng cao chất lượng kinh doanh vận tải bằng ô tô

Sau hơn một tháng triển khai Thông tư 14 của Bộ Giao thông vận tải về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, nhìn chung các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước.

Sau hơn một tháng triển khai Thông tư 14 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, nhìn chung các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải (KDVT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước. Nhiều DN cho rằng, Thông tư 14 ngày càng quy định chặt chẽ, cụ thể và đầy đủ hơn về điều kiện KDVT và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho hành khách (HK).

 Quy định mới nhằm nâng cao hơn chất lượng kinh doanh dịch vụ vận tải bằng ô tô. (Trong ảnh: Xe chờ đón khách tại Bến xe phía Nam TP. Nha Trang)
Theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT, Thông tư 14 ban hành sau khi Nghị định 34 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành. Hầu hết các nội dung mới trong Thông tư 14 đều có biện pháp chế tài xử lý vi phạm khá nghiêm và cụ thể. Do vậy, bản thân các đơn vị KDVT phần nào ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít DN tỏ ra lúng túng về một số điểm mới của Thông tư như: Quy định việc lắp đặt, quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe đối với các xe KDVT khách theo tuyến cố định, bằng xe buýt, theo hợp đồng vận tải khách du lịch và vận tải hàng hóa bằng container; quy định việc đăng ký một màu sơn đặc trưng cho xe của DN; các cơ quan quản lý tuyến có trách nhiệm xây dựng, điều chỉnh, tổ chức thực hiện thời gian, biểu đồ chạy xe thay vì trước đây do bến xe và DN vận tải thực hiện; phương tiện hoạt động trên các tuyến có cự ly trên 300km, trên hành trình phải dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ và bảo đảm thời gian làm việc của lái xe theo quy định, đồng thời phải áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát phương tiện trên hành trình nhằm thực hiện quy định về việc đón trả hành khách tại bến xe, không đón trả hành khách dọc đường…

Ông Nguyễn Văn Dần cho biết: “Trong quá trình triển khai Thông tư, một số nội dung mới thời gian đầu sẽ có tính khả thi chưa cao. Cụ thể như việc xác định hệ số có khách bình quân trong 6 tháng liên tục đạt trên 50% mới cho phép bổ sung thêm xe hoặc thêm DN vào khai thác tuyến vận tải khách cố định vẫn còn nhiều bất cập; quy định lắp đặt nhà chờ xe buýt trong đô thị tại các điểm dừng có vỉa hè trên 4m cũng rất khó thực hiện…”. Hiện việc thực hiện Thông tư tuy còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai nhưng thời gian qua, nhiều DN KDVT trên địa bàn tỉnh đã có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước. Họ đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp phương tiện đưa vào khai thác; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút HK. “Đây là xu thế tất yếu trong điều kiện KDVT hiện nay, khi đòi hỏi của HK ngày càng cao” - ông Đào Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách vận tải, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên chia sẻ.

Khi trả lại vé trước thời gian quy định, hành khách chỉ bị trừ 10% giá vé.
Cũng theo ông Tuấn, các quy định cụ thể, chặt chẽ của Thông tư giúp DN KDVT làm ăn chuyên nghiệp hơn và loại bỏ dần những đơn vị KD lâu nay chưa đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, có một số quy định của Thông tư cần có thời gian và lộ trình cho DN thực hiện. Cụ thể như việc quy định mỗi DN kinh doanh xe taxi chỉ được đăng ký một màu sơn. Vì để chuyển đổi những xe màu khác sang một màu sơn, DN cần phải có thời gian và lộ trình chuyển đổi. Hiện nay, để sơn hoàn chỉnh một chiếc xe phải mất 3 ngày công với chi phí 8 - 10 triệu đồng…

Song song đó, Thông tư 14 còn quy định cụ thể việc thanh toán lại tối thiểu 70% tiền vé đối với HK đã mua vé từ chối chuyến đi chậm nhất trước khi xe khởi hành 30 phút. Tuy quy định này bây giờ mới có hiệu lực nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, từ trước đến nay, đa số các DN KDVT vẫn áp dụng việc thanh toán lại 90% tiền vé cho HK khi trả lại vé. Đến bây giờ, khi Thông tư 14 quy định trả lại 70% tiền vé cho HK thì hầu hết các DN vẫn áp dụng mức thanh toán cũ là 90%. Theo các DN, tuy luật quy định như vậy nhưng DN luôn cố gắng bảo đảm quyền lợi, chăm sóc tốt nhất cho HK, vì HK bất đắc dĩ mới phải trả lại vé. Không những thế, một số DN còn áp dụng chính sách nếu HK trả lại vé trước 3 giờ sẽ không bị trừ tiền. Ông Nguyễn Văn Dần cho biết: “Tuy còn có những trở ngại khi thực hiện nhưng chúng tôi sẽ triển khai các nội dung của Thông tư 14 một cách cương quyết; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm lái xe và DN vi phạm nhằm lập lại trật tự vận tải, đảm bảo chất lượng vận tải khách, vận tải hàng hóa và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ”.

Có thể nói, Thông tư 14 ra đời là phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Những vấn đề vướng mắc chủ yếu do các DN chứ không phải do những quy định của Thông tư. Vì thế, điều cần thiết hiện nay là các cơ quan Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có thời gian và lộ trình thực hiện.

C.V