09:09, 28/09/2010

Phấn đấu làm tốt công tác quy hoạch, điều tra, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn Khánh Hòa

Những năm gần đây, do tác động của quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu, việc khai thác sử dụng chưa hợp lý nguồn tài nguyên nước đã và đang làm cho số lượng và chất lượng nước trên địa bàn Khánh Hòa suy giảm nghiêm trọng.

Những năm gần đây, do tác động của quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu, việc khai thác sử dụng chưa hợp lý nguồn tài nguyên nước (TNN) đã và đang làm cho số lượng và chất lượng nước trên địa bàn Khánh Hòa suy giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, việc khai thác nguồn nước (cả nước mặt và nước ngầm) còn thiếu quy hoạch, lãng phí, chưa hài hòa được bài toán phát triển kinh tế và bền vững về TNN của tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và bảo vệ TNN, Khánh Hòa cần hoàn chỉnh hệ thống văn bản hướng dẫn và tập huấn, phổ biến các vấn đề liên quan đến quản lý, bảo vệ TNN và môi trường từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ dân, cơ quan, đơn vị sử dụng nước… nhằm nâng cao hơn nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn TNN. Hiện nay, ở tỉnh Khánh Hòa, TNN, nhất là đối với nước dưới đất mới chỉ dừng ở mức độ điều tra, đánh giá tổng quan. Vì vậy, cần tiến hành giai đoạn điều tra, đánh giá chi tiết từng vùng, đặc biệt là các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế như: ven biển huyện Vạn Ninh, TP. Nha Trang, bán đảo Cam Ranh... Trên cơ sở đó, tiến hành việc tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống và chi tiết hơn TNN của tỉnh.

Để xây dựng quy hoạch khai thác sử dụng TNN một cách hợp lý, có hiệu quả, các địa phương cần áp dụng công nghệ sản xuất mới, sử dụng nước khép kín, hạn chế tiêu thụ nước; tập trung nghiên cứu, áp dụng phương pháp bổ sung nhân tạo trữ lượng nước dưới đất ở những vùng có yêu cầu cấp thiết và có điều kiện thiên nhiên cho phép như: các đảo, bán đảo, TP. Nha Trang. Mặt khác, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, xây dựng hồ, đập ngăn nước… để bổ sung trữ lượng cho các tầng chứa nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc trồng rừng, đặc biệt là trên những vùng đất trống, đồi trọc đầu nguồn, dải cát, chân núi ven biển để giữ nước mưa, tạo nguồn ổn định cho nước mặt và nước dưới đất; thực hiện nghiêm việc cấp phép thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất, bảo vệ tốt các giếng khoan đang khai thác; thống kê và kiểm soát chặt chẽ các cơ sở xả thải gây ô nhiễm nguồn nước; xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước.

A.T