05:09, 07/09/2010

Làm thế nào ngăn ngừa tình trạng trẻ em lang thang?

Trẻ em lang thang ở Khánh Hòa nói riêng và trên cả nước nói chung luôn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Làm thế nào để giải quyết vấn đề trẻ em lang thang, để các em được hồi gia, sống trong môi trường an toàn, có cơ hội phát triển bình đẳng?

Trẻ em lang thang ở Khánh Hòa nói riêng và trên cả nước nói chung luôn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Làm thế nào để giải quyết vấn đề trẻ em lang thang, để các em được hồi gia, sống trong môi trường an toàn, có cơ hội phát triển bình đẳng?

. Giáo dục gia đình

Trong xu thế giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây như hiện nay, việc giáo dục con cái thống nhất theo quan điểm nào để đảm bảo hài hòa cho trẻ hình thành nhân cách, tránh được những tác động xấu là một vấn đề không dễ đối với các bậc cha mẹ, ông bà. Nhưng điều đó không có nghĩa là các bậc cha mẹ không thực hiện được. Theo tài liệu truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng (Ban quản lý Dự án hỗ trợ trẻ em lang thang Trung ương), để làm được điều đó cha mẹ cần phải thực hiện một số vấn đề cơ bản sau đây:

Thể hiện tình cảm: Cũng như người lớn, trẻ em rất cần tình yêu thương. Những cử chỉ quan tâm, thương yêu như mỉm cười, động viên, lắng nghe, chơi đùa thường xuyên trong những lúc rãnh rỗi… sẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn, hạnh phúc. Đó là nền tảng vững chắc để trẻ gắn bó bền vững với gia đình.

Quan tâm đến những nhu cầu căn bản của trẻ: Để đảm bảo cho việc tăng trưởng cả về thể chất lẫn tinh thần, trẻ cần phải được nuôi dưỡng tốt. Nhu cầu ăn no, mặc ấm là nhu cầu thấp nhất mà trẻ phải được đáp ứng để tồn tại và phát triển.

Xây dựng sự gắn bó ấm áp: Cái nhìn của trẻ hình thành trên sự giao thiệp của chúng ta với những người mà trẻ gần gũi. Vì thế, chúng ta cần xây dựng sự gắn bó, ấm áp để trẻ cảm thấy được yêu thương, an toàn với những gì xung quanh. Trẻ rất cần cha mẹ lắng nghe những suy nghĩ, xúc cảm của chúng, vì thế khi trẻ muốn chia sẻ một vấn đề băn khoăn nào đó, bố mẹ cần giải thích rõ ràng với thái độ chấp nhận, cận kề, luôn chở che bên cạnh, thì trẻ sẽ có cảm giác an toàn, cởi mở, gắn bó lâu dài với gia đình.

Biết cách ứng phó với thực tế: Dạy trẻ biết cách ứng phó với mọi tình huống, nhất là sự buồn rầu, mệt mỏi và thất vọng của trẻ về một vấn đề gì đó. Bởi vì đó là một phần của cuộc sống mà trẻ cần phải hiểu rằng không phải lúc nào người ta cũng có được những cái mà họ muốn. Dần dần trẻ sẽ hiểu ra và chấp nhận, tìm cách giải quyết.

 Trẻ em lang thang được khám bệnh, phát thuốc điều trị miễn phí từ chương trình của Dự án.

Khuyến khích tinh thần đồng cảm và nghĩ đến người khác: Đó chính là kỹ năng đặt trẻ vào vị trí người khác. Điều này cũng có nghĩa chúng ta khuyến khích trẻ phát triển khả năng đồng cảm và biết chia sẻ, tử tế với người khác và tránh được cảm giác cô đơn. Khi phát hiện con cái có những hành vi xúc phạm, hạ phẩm giá người khác, cần phải uốn nắn ngay để trẻ ứng xử nhã nhặn hơn.

Nhận trách nhiệm: Dạy cho trẻ hiểu cuộc sống có rất nhiều việc cần phải làm, có cho và nhận. Mọi người ai cũng có bổn phận chia sẻ phần nhiệm vụ của mình, trẻ sẽ cảm nhận được mình cũng là một phần tử đóng góp vào việc xây dựng gia đình và tự chịu trách nhiệm phần việc ấy.

Biểu lộ bằng hành động: Cuộc sống luôn tồn tại mặt tốt và xấu, cần phải dạy cho trẻ hiểu điều đó, sau đó đưa ra nhiều giải pháp lạc quan xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn để trẻ hướng theo, biến đổi điều xấu thành điều tốt.

. Giáo dục nhà trường

Hoạt động chủ đạo của thanh thiếu niên là học tập, diễn ra trong môi trường giáo dục, quan hệ thầy trò, bạn bè. Những suy nghĩ tích cực về môi trường học tập và thầy giáo là những yếu tố tốt để tạo cân bằng tâm lý cho trẻ. Tuy nhiên, nếu áp lực về học thêm, mục tiêu đề ra quá nặng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em, dẫn đến tình trạng chán nản, muốn bỏ học. Nếu bỏ học, các mối quan hệ bạn bè, thầy cô không tồn tại, cha mẹ lại trách mắng, càng dễ đẩy các em nhanh chóng tham gia vào các nhóm bạn đường phố. Vì vậy, giáo dục nhà trường cần tính đến nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng và trình độ nhận thức của học sinh, tạo điều kiện để các em thấy thoải mái và gắn bó với trường lớp.

Nếu trẻ thực sự có được một môi trường gia đình lành mạnh, một môi trường học tập tốt, được yêu thương, quan tâm, chăm sóc đầy đủ, chắc chắn các em sẽ không bỏ nhà đi lang thang để chịu đựng một cuộc sống cô đơn ngoài xã hội nhiều cạm bẫy.

MINH THIẾT