Giai đoạn 2005 - 2010, đội ngũ tri thức khoa học công nghệ ở Khánh Hòa đã có những đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.
Giai đoạn 2005 - 2010, đội ngũ tri thức khoa học công nghệ (KHCN) ở Khánh Hòa đã có những đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thể hiện độ đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực KHCN cũng như chưa xứng tầm với một địa phương có đội ngũ KHCN mạnh so với nhiều địa phương khác trên cả nước.
Trong 5 năm trở lại đây, đội ngũ tri thức của tỉnh đã nghiên cứu gần 80 đề tài khoa học. Các cơ quan khoa học Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện nghiên cứu 30 để tài cấp Nhà nước, hơn 100 để tài cấp bộ (chưa kể các đề tài hợp tác quốc tế và hàng trăm đề tài cấp cơ sở)… Đây đều là những nghiên cứu có giá trị, tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, y tế, giáo dục… mang lại hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn như: ở lĩnh vực nông nghiệp, việc đưa các giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao vào gieo trồng trên hầu hết diện tích trồng lúa trong tỉnh đã góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 3,5%. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về nuôi trồng, bảo vệ, đánh bắt, bảo quản, chế biến, quản lý thủy sản, nguồn lợi thủy sản luôn được chú trọng áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế gắn với bền vững môi trường sinh thái biển.
Nghiên cứu quy trình sản xuất kháng độc tố cá nóc tại Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang. |
Ở lĩnh vực công nghiệp, Khánh Hòa là địa phương nằm ở mức khá về trình độ công nghệ (3,8/5 điểm), nhiều dây chuyền sản xuất tiên tiến được áp dụng, chất lượng mặt hàng công nghiệp không ngừng tăng lên, có sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, trong 5 năm qua, các nghiên cứu khoa học ở Khánh Hòa cũng đã có những đóng góp thiết thực trên các lĩnh vực: giao thông vận tải, năng lượng, bưu chính, viễn thông, xây dựng, công nghệ thông tin…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ trí thức ở Khánh Hòa phân bố chưa đều trên địa bàn tỉnh, cán bộ KHCN tập trung ở TP. Nha Trang tới 70% trong khi ở Khánh Sơn chỉ chiếm 1%. Tỷ lệ trí thức KHCN là người dân tộc thiểu số nằm ở mức 1,6%. Trong đội ngũ trí thức, 48% số người biết ngoại ngữ, nhưng việc sử dụng ngoại ngữ vào hoạt động KHCN còn rất hạn chế, đó là chưa kể cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề thiếu cân đối, chỉ có 3% số người hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; số người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cũng nằm ở mức thấp. Trong giai đoạn 2005 - 2010, chỉ có 6% những người làm công tác khoa học có bằng đại học, 17% thạc sĩ và 21% tiến sĩ là có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; bình quân 5 năm, cứ 5 người thì có 1 sáng kiến. Trong 5 năm qua, 80% trí thức (từ đại học trở lên) chưa tham gia nghiên cứu khoa học, đây là một con số đáng báo động. Đó là chưa kể các nghiên cứu chưa có sự đồng đều giữa các ngành, các lĩnh vực và khá nhiều nghiên cứu không được áp dụng vào thực tiễn hoặc khả năng ứng dụng thấp.
Những tồn tại ấy khiến cho tác động của KHCN vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn ở mức độ rất khiêm tốn. Sự phát triển kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào 3 yếu tố: vốn (59,35%), lao động (34,28%), còn KHCN chỉ chiếm 6,13%. Trong khi bình quân cả nước, yếu tố KHCN chiếm đến 23%. Thực tế, đây là một trong những yếu tố chứng tỏ quy mô và chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn chưa bền vững, chưa phát huy hết hiệu quả của mình.
H.Đ