09:09, 28/09/2010

Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, định hình vùng chuyên canh một số cây công nghiệp

Quy hoạch phát triển ngành kinh tế nông nghiệp của tỉnh Khánh Hòa đã định hướng các vùng chuyên canh trong sản xuất. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, định hình vùng chuyên canh một số cây công nghiệp, huyện Cam Lâm đề xuất một số giải pháp như: Tập trung triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp.

Quy hoạch phát triển ngành kinh tế nông nghiệp của tỉnh Khánh Hòa đã định hướng các vùng chuyên canh trong sản xuất. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, định hình vùng chuyên canh một số cây công nghiệp, huyện Cam Lâm đề xuất một số giải pháp như: Tập trung triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chú trọng đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất như: hồ chứa nước Tà Rục, Tà Lua (Cam Lâm) và các công trình thủy lợi khác trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt; gắn với xây dựng hệ thống tiêu, thoát lũ để hạn chế thiệt hại do hạn hán và lũ lụt; quan tâm đầu tư hoàn thành chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nước cho sản xuất, chủ động nước tưới cho vùng mía chuyên canh 3.000ha, để đạt năng suất hơn 70 tấn/ha theo mục tiêu phát triển nông nghiệp đã đề ra.

Thay thế giống mía cũ bằng giống mía mới có năng suất, chất lượng cao hơn.
Tại Cam Lâm, mô hình thí điểm dồn điền đổi thửa đã hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tỉnh cần chỉ đạo đánh giá và có chủ trương nhân rộng mô hình này để hình thành vùng sản xuất chuyên canh, khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, lồng ghép các chương trình để đầu tư giao thông, thủy lợi, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi giống mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân trong vùng dồn điền đổi thửa. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa vào sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách, quy định để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” đầu tư cho vùng chuyên canh; giải quyết tốt, hài hòa quyền và lợi ích của nông dân với doanh nghiệp; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích của nhà nông. Tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, lao động nông nghiệp có trình độ chuyên môn. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.

N.D